Vài năm nay, nhờ ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nhiều nông dân ở huyện Xuân Lộc đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vài năm nay, nhờ ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nhiều nông dân ở huyện Xuân Lộc đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn thăm mô hình sản xuất rau trong nhà màng của Công ty TNHH Trang Trại Việt tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc. Ảnh:B.Mai |
Các mô hình này ngày càng được nhân rộng tại địa phương và trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa.
* Nền tảng kinh tế nông nghiệp
Từ lâu, Xuân Lộc được biết đến là một huyện thuần nông. Với diện tích đất canh tác gần 60 ngàn hécta, huyện đã sớm hình thành nên các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả lớn ở tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, xoài, thanh long, cam, bưởi và rau màu.
Để tạo sức bật cho ngành nông nghiệp, địa phương đã thành lập nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác trồng, tiêu thụ và chế biến nông sản. Đến nay huyện đã thành lập được 48 hợp tác xã, 362 câu lạc bộ năng suất cao, 47 tổ hợp tác và trên 50 trang trại; tăng cường đầu tư hệ thống lưới điện, công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng để kết nối vào các vùng sản xuất lớn; vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Xuân Lộc hướng đến mục tiêu sẽ trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Để đạt được mục tiêu này, huyện Xuân Lộc xác định, ngoài sự nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương, huyện cần thêm vốn đầu tư cho hạ tầng cơ sở, mua sắm trang thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất; kết nối với các thị trường xuất khẩu bền vững. |
Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho rằng, huyện Xuân Lộc hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới sớm nhất cả nước dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp. Kết quả đó là sự hợp sức của nhiều chương trình, nhiều phong trào từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, đưa giống mới, công nghệ mới vào sản xuất cho đến hỗ trợ quảng bá, xúc tiến đầu ra nông sản; sự đầu tư bài bản và đồng bộ cho hạ tầng nông nghiệp; hình thành các dự án cánh đồng lớn, các trang trại chăn nuôi an toàn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hiện tại, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP như: xoài Suối Lớn; cam, quýt Xuân Hưng; sầu riêng Xuân Định; chôm chôm Bảo Hòa và sản phẩm rau củ quả của các hợp tác xã nông nghiệp.
Là một trong 4 địa phương cấp huyện đang được Trung ương chọn thực hiện đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Xuân Lộc đã và đang tích cực mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích nông dân tham gia vào dự án cánh đồng lớn và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo đầu ra vững chắc cho các sản phẩm nông sản.
* Nhân rộng mô hình tiêu biểu
Nhận thấy lợi thế nông nghiệp của huyện Xuân Lộc, Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (TP.Hồ Chí Minh) đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt và trở thành doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả ở huyện Xuân Lộc. Chỉ tính riêng mảng trồng trọt, doanh nghiệp đã có 5 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP gồm: dưa lưới, cà chua, ớt chuông, dưa hấu, các loại rau ăn lá với doanh thu gần 10 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Việt cho biết, sắp tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nâng quy mô sản xuất từ 15 nhà màng lên 50 nhà màng, cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn rau sạch các loại mỗi năm. Doanh nghiệp đang đặt mục tiêu xuất khẩu gà và rau củ sang Nhật Bản.
Nông dân đồi Sa Bi, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc chăm sóc xoài, cây trồng thế mạnh tại địa phương. Ảnh:B.Mai |
Cùng với việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, huyện Xuân Lộc còn quan tâm tạo dựng các mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với người nông dân, giữa những người nông dân với nhau. Theo đó, doanh nghiệp sẽ hợp tác cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm hoặc cùng đầu tư làm ăn với nông dân để tạo ra nhiều sản phẩm lớn, có chất lượng đồng đều và giá thành rẻ; nông dân liên kết với nhau để sản xuất cùng loại mặt hàng, cùng tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn số lượng nhiều.
Điển hình như Công ty sản xuất trứng gà sạch Thanh Đức, thay vì phải đi mua thức ăn ở xa, chất lượng khó kiểm soát, thông qua sự kết nối của ngành nông nghiệp địa phương, công ty đầu tư máy nông cơ và hợp tác bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường để người nông dân an tâm sản xuất, tuân thủ quy trình bón phân, xịt thuốc, bán sản phẩm cho doanh nghiệp.
Thực hiện phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã thành công với mô hình cây trồng, vật nuôi mới. Trong đó, xã Xuân Hưng là một điển hình.
Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hưng Phạm Thị Mai Phương so sánh, trước đây sản xuất nông nghiệp của địa phương chủ yếu là lúa và tràm cho lợi nhuận khoảng 20-30 triệu đồng/hécta/năm. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, đến nay, toàn xã đã phát triển được hơn 600 hécta thanh long, chủ yếu là thanh long ruột đỏ. Nhờ đó, giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt khoảng 500 triệu đồng/hécta/năm, lợi nhuận chiếm khoảng 60%. Hiện tại trên địa bàn xã đã thành lập được hợp tác xã thanh long, các xã viên cùng quyết tâm phát triển hợp tác xã theo hướng cánh đồng mẫu lớn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của Chính phủ và mục tiêu của huyện Xuân Lộc là đến năm 2025, huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hơn 80% cơ sở sản xuất hàng hóa có thị trường tiêu thụ ổn định; tỷ lệ nông sản sạch đạt trên 60%, trong đó có từ 10-20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Từng bước nâng giá trị thu nhập ngành nông nghiệp huyện lên 270 triệu đồng/hécta vào năm 2025; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 83 triệu đồng/người/năm. |
Ban Mai