Những ngày này, làng trồng nấm ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh đang chuẩn bị cho vụ nấm mới. Các cơ sở trồng nấm và sản xuất phôi nấm đang tăng tốc để kịp thời gian cho đợt nấm mới.
[links()]Những ngày này, làng trồng nấm ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh đang chuẩn bị cho vụ nấm mới. Các cơ sở trồng nấm và sản xuất phôi nấm đang tăng tốc để kịp thời gian cho đợt nấm mới.
Nhà trồng nấm mèo 1,5 tháng tuổi của anh Phạm Văn Hòa. Ảnh:N.Liên |
Theo người dân, đây là thời điểm được xem là vụ chính được bà con làm nấm mong đợi nhất trong năm bởi thời tiết cuối năm rất phù hợp cho nấm phát triển. Các loại nấm chính được trồng tại Bảo Quang hiện nay gồm: nấm mèo, nấm bào ngư (xám và trắng), nấm rơm, nấm linh chi...
* Nâng cấp hoạt động “làng nấm”
Khác với mọi năm, năm nay bà con trồng nấm tại xã Bảo Quang có thêm niềm vui mới khi Hợp tác xã (HTX) nấm Bảo Quang được thành lập, tạo điều kiện để sản phẩm nấm tại địa phương có cơ hội vươn xa với giá cả ổn định, chất lượng nấm cao hơn nhờ có sự tương trợ trong sản xuất và những hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vốn từ các cơ quan chức năng.
Là người bén duyên với nghề trồng nấm hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Tuệ, giám đốc một doanh nghiệp về nấm trên địa bàn TP.Long Khánh có nhiều năm nghiên cứu về các loại nấm của Long Khánh cho rằng, ông đã thử qua các món ăn được làm từ nấm, so sánh với nấm vùng khác thì thấy rằng nấm tại Long Khánh có vị dai, giòn, thơm, khi hầm lâu nấm không bị nát mà vẫn còn độ dai nhất định. Hơn nữa, Long Khánh đã hình thành được làng trồng nấm, là nguồn cung cấp nguyên liệu làm nấm cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên việc xây dựng thương hiệu riêng là rất cần thiết. Muốn như vậy, bà con nông dân phải chủ động học tập, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất để giữ gìn danh tiếng cho địa phương. |
Vụ nấm này, ông Đặng Văn Năm (làng nấm ấp Bàu Cối) quyết định nâng số lượng nấm mèo từ 40 thiên (1 thiên là 1 ngàn bịch nấm) lên 70 thiên nên cả gia đình ông Năm đang tập trung để tạo phôi nấm cho kịp thời gian chung. Ông Năm là một trong những nông dân có tuổi nghề trồng nấm khá trẻ tại làng nấm ấp Bàu Cối với khoảng 6 năm. Tuy nhiên khi nghe thông tin làng nghề sẽ thành lập HTX, ông Năm rất kỳ vọng đây sẽ là bệ đỡ giúp cho các sản phẩm nấm có vị thế trên thị trường, có cơ hội đi đến các thị trường khó tính trong nước cũng như xuất khẩu.
Anh Phạm Văn Hòa, người có thâm niên trồng nấm 20 năm nay cũng là một trong những người có tâm huyết, muốn xây dựng tên tuổi cho nấm Long Khánh cho biết, ấp Bàu Cối có khoảng 150 hộ làm nghề trồng nấm, mỗi hộ có từ 30-200 thiên nấm. Năm 2017, bà con trồng nấm đã thành lập tổ hợp tác trồng nấm do anh làm tổ trưởng. Tuy nhiên, để nông dân được hỗ trợ nhiều hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, UBND xã Bảo Quang đã hỗ trợ nông dân trong việc thành lập HTX với một số thành viên ban đầu là những người có tâm huyết và năng lực tốt để sau khi thành lập HTX có thể hỗ trợ cho nông dân phát triển ngành trồng nấm, có cơ hội tạo nhãn hàng riêng, các giấy chứng nhận nấm sạch, chỉ dẫn địa lý, làng nghề nấm… Khi đó, nấm Long Khánh mới có đủ năng lực xuất hiện tại những thị trường khó tính như: siêu thị hoặc xuất khẩu.
* Hình thành vùng nguyên liệu trồng nấm
Không chỉ nổi tiếng với các loại sản phẩm nấm, ấp Bàu Cối còn là “thủ phủ” cung cấp các loại phôi nấm. Hiện nay, trên địa bàn Bàu Cối có khoảng 4-5 cơ sở chuyên sản xuất phôi nấm với số lượng lớn. Mỗi cơ sở sản xuất phôi nấm có từ 15-20 lao động với các khâu: dọn lò hấp phôi nấm, đóng phôi nấm vào bịch… với mức lương trung bình từ 5-8 triệu đồng/tháng/người tùy từng vị trí công việc.
Công nhân là người địa hương làm việc tại cơ sở sản xuất phôi nấm. Ảnh:N.Liên |
Phôi nấm được làm từ hỗn hợp mùn cưa và meo nấm đã được hấp nhiều giờ liền ở nhiệt độ hàng trăm 0C. Sau khi phôi meo nguội sẽ tới công đoạn ủ và các công đoạn tiếp theo cho đến khoảng 3 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch nấm mèo.
Ông Nguyễn Quý Luật, chủ cơ sở sản xuất phôi nấm trên địa bàn Bàu Cối cho biết, trước kia gia đình ông Luật cũng làm nghề trồng nấm thương phẩm. Tuy nhiên, do thấy nhu cầu trồng nấm của bà con khá lớn, trong khi đó công đoạn tạo phôi nấm cần có thời gian và tỉ mỉ, hơn nữa phải có máy mốc, lò hấp để hỗ trợ mới có thể cho ra số lượng lớn. Do đó, thay vì mở trang trại nấm như trước, ông Luật chuyển hướng kinh doanh sang nghề cung cấp nguyên liệu làm vốn ban đầu cho bà con.
Khách hàng sử dụng phôi nấm của ông Luật cũng như các cơ sở sản xuất phôi nấm là các hộ trồng nấm tại địa phương và một số phường, xã khác ở TP.Long Khánh. Bên cạnh đó, còn có khách hàng ngoài tỉnh như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Lâm Đồng... “Mỗi tháng cơ sở của tôi cung cấp ra thị trường gần 400 thiên nấm. Tùy theo khách hàng muốn trồng loại nấm nào thì chúng tôi sẽ tạo phôi nấm loại đó để giao cho khách theo yêu cầu” - ông Luật chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND xã Bảo Quang Nguyễn Thị Uyên Quyên cho biết, tháng 4-2019, làng nấm ấp Bàu Cối chính thức được công nhận là làng nghề. Việc hình thành HTX nấm Bảo Quang sẽ hỗ trợ bà con nông dân về mặt kỹ thuật. Trong một thời gian ngắn nữa, HTX sẽ được cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm, tạo nền tảng cho nông dân tập trung làm nấm theo quy trình sản xuất sạch, đạt chuẩn VietGAP, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. |
Ngọc Liên