Huyện Tân Phú vốn được biết đến là huyện miền núi, có nhiều loại nông sản ngon như: bưởi, cam, quýt, sầu riêng… và những cánh rừng bạt ngàn. Những năm gần đây, Tân Phú lại trở nên nổi tiếng với vùng nuôi tôm càng xanh VietGAP lớn nhất tỉnh.
[links()]Huyện Tân Phú vốn được biết đến là huyện miền núi, có nhiều loại nông sản ngon như: bưởi, cam, quýt, sầu riêng… và những cánh rừng bạt ngàn. Những năm gần đây, Tân Phú lại trở nên nổi tiếng với vùng nuôi tôm càng xanh VietGAP lớn nhất tỉnh.
Thu hoạch tôm càng xanh Trà Cổ (huyện Tân Phú). Ảnh: T.MỘC |
Theo một số thương lái và dân “sành ăn”, tôm càng xanh nuôi tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú có vị ngọt, thịt dai, được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng vì con tôm khỏe, có thể sống tốt nhiều ngày trong bể khí oxy. Nhiều gia đình trong vùng nuôi tôm có cuộc sống tốt hơn do giá trị kinh tế từ tôm càng xanh mang lại.
* Nuôi tôm từ nguồn nước trong khe núi
Chúng tôi đến vùng nuôi tôm càng xanh xã Trà Cổ ngay thời điểm người dân đang vào mùa thu hoạch. Dưới ao tôm rộng khoảng 5 sào, hàng chục người đang giăng lưới để dồn tôm về một góc ao. Những tay lưới nặng trĩu tôm khiến người nào cũng hớn hở.
Giới thiệu tôm càng xanh tại các điểm du lịch Tôm càng xanh Trà Cổ hiện được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, quán ăn các tỉnh, thành lân cận như: TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Dương… Để hỗ trợ bà con nuôi tôm giới thiệu, quảng bá đặc sản tôm càng xanh vùng núi tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện và tỉnh, xã Trà Cổ đang có kế hoạch đưa tôm càng xanh vào các điểm ăn uống của các khu du lịch như: Khu du lịch Suối Mơ, Vườn quốc gia Cát Tiên… cũng như giới thiệu tại các quán ăn, nhà hàng của địa phương. |
Ông Hoàng Văn Bính, nông dân nuôi tôm ước chừng mẻ lưới vừa rồi thu được khoảng hơn 7 tạ tôm. Đây là đợt thu hoạch thứ hai của ao tôm, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ còn khoảng 2 đợt thu hoạch nữa, dự kiến ao tôm sẽ cho khoảng 1,2-1,5 tấn tôm trong năm nay. Đây là một trong số ít ao tôm có năng suất cao nhất vùng nuôi tôm Trà Cổ những năm gần đây.
Theo ông Bính, toàn bộ nguồn nước ao nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ đều lấy từ khe đá, theo các con suối đổ về ao. Để duy trì nguồn nước trong lành này, những người nuôi tôm đã dùng những ống dẫn nước truyền qua các ao. Do lấy nước từ khe đá nên nước ao tôm không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm như các nguồn nước sông, suối, cộng với đặc điểm các ao tôm có nhiều tảo tự nhiên nên tôm khỏe, thịt ngọt, dai và thơm hơn các vùng khác. Vì vậy mà giá tôm càng xanh của Tân Phú luôn cao hơn giá tôm của các vùng khác trong khu vực miền Nam.
Để vùng nuôi tôm càng xanh đạt năng suất cao và bền vững, năm 2016, Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã hướng dẫn, hỗ trợ bà con thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh VietGAP trên diện tích hơn 30 hécta. Cũng từ đây, Tổ hợp tác thủy sản Trà Cổ được thành lập. Với sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, cách xử lý nguồn nước cũng như cách chọn giống, bảo vệ ao tôm nên chất lượng tôm đã tăng đáng kể trong những năm qua.
Ông Lưu Văn Bài, hộ nuôi tôm tại ấp 4, thành viên Tổ hợp tác thủy sản Trà Cổ cho biết, nuôi tôm càng xanh theo mô hình VietGAP làm cho bà con nông dân yên tâm hơn trước do được Chi cục Thủy sản Đồng Nai hỗ trợ tận tình về mặt kỹ thuật cũng như kịp thời giúp bà con kiểm tra nguồn nước khi có dấu hiệu nhiễm bẩn. “Trước kia, bà con thường mua giống trôi nổi về thả nên có tình trạng tôm chết do không kiểm định được chất lượng, từ khi nuôi theo hướng VietGAP tới nay vấn đề này đã được giải quyết, năng suất tôm luôn đạt yêu cầu, chất lượng và giá tôm ổn định nên bà con yên tâm và rất phấn khởi” - ông Bài chia sẻ thêm.
* Để nghề nuôi tôm bền vững
Dù nuôi tôm càng xanh có giá trị kinh tế cao, nhưng người dân nơi đây chỉ nuôi tôm được khoảng từ tháng 4 (âm lịch) đến tháng Giêng năm sau. Người dân mất khoảng 3 tháng để phơi ao và chuyển sang trồng lúa hoặc hoa màu do nước trên khe bị cạn không đủ cung cấp cho các ao.
Do không thể có tôm quanh năm nên bà con nông dân vùng tôm càng xanh Trà Cổ bỏ lỡ nhiều cơ hội cung cấp tôm cho các doanh nghiệp lớn. Nhắc tới những đối tác đã từng ghé thăm vùng nuôi tôm ngỏ ý đặt hàng nhưng đành phải gác lại vì không bảo đảm nguồn hàng thường xuyên, ông Hoàng Văn Bính tiếc nuối cho biết, một số hệ thống siêu thị lớn đã từng trực tiếp về đây để khảo sát nhưng do sản lượng tôm của bà con còn ít nên việc ký hợp đồng chưa thực hiện được.
Chia sẻ về vùng nuôi tôm càng xanh trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND xã Trà Cổ Nguyễn Chí Bình cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 54 hécta nuôi tôm càng xanh, trong đó có trên 30 hécta nuôi theo mô hình VietGAP. Do được thiên nhiên ưu đãi, nguồn nước sạch nên vùng nuôi tôm càng xanh luôn đạt hiệu quả kinh tế cao, đời sống bà con có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, hạn chế của vùng nuôi tôm Trà Cổ là không đủ nước để nuôi vào mùa khô nên nguồn tôm không thường xuyên, ảnh hưởng tới việc cung cấp hàng cho các doanh nghiệp với số lượng lớn.
Trước những khó khăn trên, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn từng khảo sát và có ý định xây dựng hệ thống mương nước từ đập Đồng Hiệp (xã Phú Điền) cách khu nuôi tôm càng xanh khoảng 3km để cung cấp cho các ao tôm. “Hiện các cơ quan chức năng đang khảo sát địa hình và chất lượng nguồn nước, nếu dự án xây dựng hệ thống mương cấp nước khả thi, bà con nuôi tôm có khả năng nuôi quanh năm, như vậy sẽ bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm, cơ hội đưa tôm càng xanh từ huyện miền núi về miền xuôi sẽ giúp bà con vùng Trà Cổ phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn” - ông Bình cho biết thêm.
Thủy Mộc