Hoạt động câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững (CLB.GĐPTBV) và nhóm phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn huyện Trảng Bom đã và đang có những kết quả đáng phấn khởi, góp phần đem lại hạnh phúc cho các gia đình, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đơn vị thực hiện tốt mô hình này là xã Sông Trầu - nơi có 5 CLB và nhóm được Trung ương, tỉnh chọn làm điểm.
Hoạt động câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững (CLB.GĐPTBV) và nhóm phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn huyện Trảng Bom đã và đang có những kết quả đáng phấn khởi, góp phần đem lại hạnh phúc cho các gia đình, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đơn vị thực hiện tốt mô hình này là xã Sông Trầu - nơi có 5 CLB và nhóm được Trung ương, tỉnh chọn làm điểm.
Một buổi sinh hoạt của CLB.GĐPTBV ở xã Sông Trầu. |
Sông Trầu là một xã có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, lại có tới 11 dân tộc anh em cùng chung sống, kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn..., đó là những hạn chế cho hoạt động của các CLB và nhóm PCBLGĐ. Tuy nhiên, với sự động viên, quan tâm của lãnh đạo các cấp, các mô hình này đã và đang phát triển mạnh, đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, qua 2 năm đi vào hoạt động, các CLB và nhóm PCBLGĐ đã phát hiện 64 vụ bạo lực gia đình; tổ chức hòa giải thành công 47 vụ đem lại sự bình yên cho các gia đình. Mặc dù vẫn có một số vụ chưa giải quyết được do có nhiều tình tiết liên quan đến pháp luật, nhưng tình trạng bạo hành trong gia đình trên địa bàn xã đã không còn xảy ra. Để duy trì có hiệu quả, các CLB đều thiết lập một địa chỉ đường dây nóng và thông báo rộng rãi cho các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Định kỳ cứ 2 tháng/lần, các CLB họp báo cáo tình hình từng hộ gia đình và có sổ ghi chép, bám sát theo dõi thường xuyên với những hộ đặc thù. Chị Lê Thị Thu, ngụ tại ấp 4, nói: “Từ hồi tham gia CLB, được các bác, các chị khuyên bảo, chồng tôi cũng bớt uống rượu và cư xử tốt hơn. Tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng vợ chồng tôi đến nay đã hòa thuận làm ăn chứ không có xích mích gây gổ nữa”.
Để tạo điều kiện cho các gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế (nguyên nhân chính dẫn đến bạo hành ở nhiều gia đình), bên cạnh công tác hòa giải, Ban chỉ đạo còn vận động gây quỹ, tạo điều kiện giúp đỡ cho các gia đình vươn lên trong cuộc sống. Qua hơn 1 năm vận động, đã có 180 hộ tham gia, đóng góp được 170 triệu đồng, giải quyết cho 36 hộ vay để sản xuất - kinh doanh. Anh Gín A Dưỡng (ấp 7) chia sẻ: “Hồi xưa, với tui, vấn đề nhậu nhẹt nói chung là có. Từ khi mình có cái kiến thức học được, thì dứt bỏ, bạn bè rủ rê cũng không dám nữa. Từ đó, mình biết lo làm ăn, lo cho con cái học hành, nên đến nay gia đình đã tạm ổn”.
Với những việc làm thiết thực, 2 năm qua, các CLB này đã ngày càng lớn mạnh, trở thành niềm tin, chỗ dựa cho các gia đình, đặc biệt là đối với các chị. Vì, mỗi khi có tình trạng bạo hành xảy ra, các chị điện thoại ngay, khiến các ông chồng cũng dè dặt, hạn chế dần tình trạng quậy phá. Riêng năm 2011, các CLB đã phát hiện và can thiệp kịp thời 18 vụ bạo hành gia đình, qua đó đã hòa giải thành công 14 vụ, đem lại sự bình yên cho các gia đình.
Hiện nay, mặc dù kinh phí hoạt động còn thiếu (chỉ có 50 ngàn đồng/CLB/tháng, đủ tiền nước phục vụ mỗi buổi sinh hoạt), nhưng với lòng nhiệt tình vì cộng đồng xã hội, các thành viên CLB.GĐPTBV và nhóm PCBLGĐ vẫn xông xáo, quyết tâm can thiệp để đem lại sự công bằng cho phụ nữ nói riêng và đem lại hạnh phúc cho các gia đình, hạn chế tối đa tình trạng bạo hành xảy ra nói chung.
Trọng Khôi