Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặc sản rau rừng Chiến khu Đ

08:02, 27/02/2012

Trong chiến tranh, các loại rau rừng, như: tàu bay, lá bướm, bìm bịp… đã trở thành nguồn thực phẩm giúp bộ đội vùng Chiến khu Đ “đỡ lòng”.

Trong chiến tranh, các loại rau rừng, như: tàu bay, lá bướm, bìm bịp… đã trở thành nguồn thực phẩm giúp bộ đội vùng Chiến khu Đ “đỡ lòng”. Giờ đây, gần 10 loại rau này đã được các nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (TN-VHĐN) đưa về gieo trồng thành công để phục vụ cựu chiến binh, khách du lịch khi về thăm lại Chiến khu Đ...

Thu hoạch rau bìm bịp tại vườn ươm.
Thu hoạch rau bìm bịp tại vườn ươm.

Vườn rau rừng rộng khoảng 3 sào ở vườn ươm giống của Khu bảo tồn TN-VHĐN (xã Mã Đà) được gầy dựng với mục đích thực nghiệm mô hình để nhân giống. Anh Trịnh Đức Phong, quản lý vườn ươm, cùng với các nhân viên đã tìm các giống rau tự nhiên ở vùng rừng Chiến khu Đ mang về và nhân giống thành công, trong đó có các loại như: tàu bay, bìm bịp, chùm bao, chùm ngây, khổ qua rừng, lá bướm, bình bát…Anh Đặng Công Lý, nhân viên vườn ươm cho biết: “Vì mang trong rừng ra nên sức đề kháng của các loại rau này rất khỏe, trồng ở vườn ươm không cần phải dùng thuốc bảo vệ thực vật”.      

Thế nhưng, khi mô hình thành công, đặc sản rau rừng chỉ mới dừng lại ở việc giới thiệu và bán cho các đoàn khách du lịch khi về thăm lại Chiến khu Đ. Việc tiếp tục mở rộng và chuyển giao cho nhân dân vùng ven Khu bảo tồn theo hướng sản xuất hàng hóa vẫn chưa thể thực hiện được, vì tắc ở “đầu ra”. Đã có nhiều siêu thị sẵn sàng tiếp nhận “đặc sản rau rừng Chiến khu Đ” với số lượng lớn nhưng lại yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh, công nhận đây là hàng hóa thực phẩm được phép lưu hành trên thị trường của các cơ quan có thẩm quyền. Anh Trịnh Đức Phong bộc bạch: “Để mở rộng diện tích rau rừng và giới thiệu đến người tiêu dùng, buộc phải đưa rau vào hệ thống siêu thị. Nhưng hiện nay còn vướng mắc ở một số thủ tục, vì chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra nghiên cứu để cấp giấy chứng nhận sử dụng, sản xuất rau an toàn cho chúng tôi”.

Trong khi đó, chi phí để text mẫu rau, phân tích mẫu đất, mẫu nước… hiện đã quá cao so với thực lực của những người đang theo đuổi ý tưởng này. Anh Phong cho biết, ngoài việc là sản phẩm tự nhiên, sạch, có nhiều chất dinh dưỡng, theo kinh nghiệm dân gian, các loại rau rừng kể trên còn có những dược tính có công dụng tốt cho sức khỏe cơ thể. Chính vì vậy, anh và những đồng nghiệp ở Khu bảo tồn rất tâm huyết việc nhân rộng mô hình rau rừng để cung cấp sản phẩm cho thị trường...

Lê Minh

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích