Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

09:02, 06/02/2012

Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) sau Tết Nhâm Thìn 2012, huyện Long Thành hiện đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là tập trung vào mặt hàng thực phẩm chế biến công nghiệp (như: rượu, bia, bánh kẹo); thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn (giò, chả, thịt gia súc, gia cầm) và các cơ sở dịch vụ ăn uống... trên toàn địa bàn của huyện.

 

Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) sau Tết Nhâm Thìn 2012, huyện Long Thành hiện đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là tập trung vào mặt hàng thực phẩm chế biến công nghiệp (như: rượu, bia, bánh kẹo); thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn (giò, chả, thịt gia súc, gia cầm) và các cơ sở dịch vụ ăn uống... trên toàn địa bàn của huyện.

Toàn huyện Long Thành hiện có 39 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 30 cơ sở kinh doanh thực phẩm và khoảng gần 80 cơ sở dịch vụ ăn uống, cùng nhiều cơ sở chế biến kinh doanh các loại hình thực phẩm khác, trong đó có khoảng 202/224 cơ sở do cấp huyện quản lý được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, đạt 90,2%.

Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện.
Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện, lực lượng kiểm tra đã tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện. Đặc biệt, vào thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, để đảm bảo sức khỏe nhân dân, Ban chỉ đạo liên ngành của huyện đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý một số trường hợp vi phạm về VSATTP. Từ sau Tết, các đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục thanh, kiểm tra tại 53 cơ sở, bao gồm: các cơ sở sản xuất rượu bia, bánh kẹo; cửa hàng đại lý bán rượu, bia, bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm tươi sống... Kết quả cho thấy, ngoài các cơ sở sản xuất lớn đã có ý thức chấp hành tốt VSATTP (dụng cụ và nguyên liệu phụ gia chế biến thực phẩm đều có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; thành phẩm được kiểm tra chất lượng định kỳ...), cũng còn không ít cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP. Tại chợ Long Thành, qua kiểm tra, đoàn phát hiện vẫn còn một số cơ sở chưa có hóa đơn chứng từ, chưa có giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc thực phẩm, nhất là nguồn nguyên liệu phụ gia. Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tem nhãn sản phẩm, như: thiếu ngày sản xuất, thiếu thành phần chất lượng. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về VSATTP trong nhân dân và doanh nghiệp; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Trước Tết, UBND huyện Long Thành cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”; đồng thời tổ chức lễ phát động hưởng ứng VSATTP đến các cơ quan đơn vị, ban ngành đoàn thể và các khối trường học và nhân dân trong toàn huyện. Theo đó, UBND huyện yêu cầu Ban chỉ đạo VSATTP tiếp tục chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không để tăng giá đột biến, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Đồng thời, tăng cường kiểm dịch việc mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, thủy hải sản và kiểm tra các khu chợ, khu giết mổ, khu bán hàng không đúng nơi quy định. UBND huyện Long Thành cũng giao Phòng Y tế phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Trưởng phòng y tế, Phó ban chỉ đạo VSATTP huyện Long Thành, cho biết: “Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo VSATTP tiếp tục thanh, kiểm tra các cơ sở còn lại, để đảm bảo vệ VSATTP, đặc biệt là các địa điểm du lịch, vui chơi giải trí đóng chân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức hướng dẫn và khảo sát để cấp giấy chứng nhận VSATTP cho các cơ sở đạt tiêu chuẩn và tiếp tục tham mưu UBND huyện công nhận xã điểm về thức ăn đường phố”.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo VSATTP huyện, công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn huyện Long Thành vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, như: hệ thống tổ chức quản lý chưa đủ mạnh; việc quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; một bộ phận người dân còn xem nhẹ vấn đề VSATTP; tỷ lệ tồn dư các chất ô nhiễm trên nông sản vẫn còn ở mức cao… Do vậy, sắp tới, bên cạnh việc tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với các ngành có liên quan, Ban chỉ đạo cũng đang rất cần có sự tham gia tích cực của người tiêu dùng. Bởi, có làm được như vậy mới hy vọng những thực phẩm không an toàn sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường và những cơ sở, cá nhân vi phạm sẽ được xử lý nghiêm, bảo đảm được sức khỏe cho cả cộng đồng.

Phương Thảo

 

 

Tin xem nhiều