Đến thời điểm hiện tại, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) giai đoạn 2021-2030 (Đề án DLST) đã thu hút được 12 nhà đầu tư nộp hồ sơ đấu thầu thực hiện các dự án du lịch được quy hoạch trong đề án.
Nhà máy Thủy điện Trị An là điểm du lịch được nhiều người đến tham quan. Ảnh: N.Liên |
Đề án DLST thuộc địa bàn huyện Vĩnh Cửu, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, di tích lịch sử tại Khu bảo tồn trên cơ sở bảo tồn, phát triển bền vững và huy động mọi nguồn lực trong xã hội để bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch. Đề án này cũng được kỳ vọng sẽ phát triển hệ thống du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Thu hút nhiều nhà đầu tư
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Sinh thái, văn hóa, lịch sử Chiến khu Đ (thuộc Khu bảo tồn), cho biết theo Đề án DLST, có 51 điểm du lịch được quy hoạch để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dịch vụ có khả năng liên kết theo tuyến, theo chủ đề, tiếp cận theo sản phẩm du lịch và các hệ sinh thái. Trong đó có các điểm được quy hoạch tại khu vực hồ Bà Hào, ven hồ Trị An.
Ngoài ra, Đề án DLST còn quy hoạch các khu vực nằm riêng biệt trong rừng nhằm phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền với di tích lịch sử cách mạng và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số như: Di tích Trung ương Cục miền Nam, Di tích Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Địa đạo Suối Linh, Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã, Vườn Bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Đông Nam Bộ, khu nuôi động vật bán hoang dã (safari)…
Để thực hiện Đề án DLST, Khu bảo tồn đã ban hành nhiều văn bản thông báo mời gọi nhà đầu tư tham gia đấu thầu.
Theo Phó giám đốc Khu bảo tồn Đinh Thị Lan Hương, sau khi nhận được thông báo cho thuê môi trường rừng, các đơn vị đã xin khảo sát các địa điểm thuê môi trường rừng xây dựng các dự án du lịch. Hiện có 12 đơn vị đăng ký đầu tư thuê môi trường rừng. Khu bảo tồn đã tổng hợp và gửi hồ sơ dự thầu của 12 tổ chức, cá nhân trên cho hội đồng đánh giá, xét chọn hồ sơ, dự kiến tháng 10 sẽ mở thầu.
Trong 8 tháng của năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến huyện Vĩnh Cửu gần 75 ngàn lượt, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian qua, huyện tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến môi trường, an toàn thực phẩm. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch của địa phương, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng đón tiếp khách du lịch tại điểm đến.
Kỳ vọng thúc đẩy phát triển địa phương
Theo mục tiêu của Đề án DLST, đến năm 2025, Khu bảo tồn sẽ đón khoảng 50 ngàn lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó có trên 6,4 ngàn lượt khách lưu trú. Doanh thu từ hoạt động du lịch đến thời điểm trên sẽ đạt khoảng 15 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho 370 lao động, trong đó lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch là 120 lao động. Đến năm 2030, lượt khách đến Khu bảo tồn sẽ tăng lên 120 ngàn lượt mỗi năm, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 40 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 1,6 ngàn lao động. Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và phát triển hạ tầng tại các khu vực có tiềm năng. Huy động và sử dụng các sản phẩm do cộng đồng sản xuất trong phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên về văn hóa, đặc biệt là di tích lịch sử và văn hóa cộng đồng dân tộc Chơro.
Bên cạnh những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thông qua phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn ở khu vực này. Từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, giảm thiểu sự tác động của người dân lên tài nguyên rừng. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 có 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, vui chơi giải trí tại Khu bảo tồn có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường.
Chia sẻ về những kỳ vọng phát triển địa phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung cho biết, trên cơ sở những quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại đề án, huyện sẽ tích cực phối hợp, đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối, thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến Vĩnh Cửu.
Theo bà Dung, hiện lượng người lao động tại địa phương còn khá dồi dào, khi Đề án DLST được triển khai, chính quyền địa phương mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư có hướng tuyển dụng, đào tạo người lao động là dân địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, bền vững hơn.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin