Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay trên vùng đất Bàu Trâm

An Nhơn
07:40, 30/08/2024

Khu vực Bàu Trâm (thuộc xã Bàu Trâm, thành phố Long Khánh) trước đây là “vùng đất khó”, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự nỗ lực không ngừng của người dân đã giúp vùng đất này có nhiều đổi thay rõ nét.

Đoàn cán bộ địa phương đến tham quan Di tích lịch sử Căn cứ Thị ủy Long Khánh tại ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm (thành phố Long Khánh).
Đoàn cán bộ địa phương đến tham quan Di tích lịch sử Căn cứ Thị ủy Long Khánh tại ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm (thành phố Long Khánh).  Ảnh: A.NHƠN

Bám trụ để vươn lên

Một ngày cuối tháng 8-2024, chúng tôi theo đoàn cán bộ địa phương đến tham quan Khu di tích Căn cứ Thị ủy Long Khánh (tại ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm). Di tích đã được tôn tạo, tu sửa khang trang và trở thành điểm tham quan lịch sử - văn hóa cho du khách trong và ngoài nước.

Trong 9 năm (1966-1975), Căn cứ Thị ủy Long Khánh phải di chuyển ở nhiều nơi trên địa bàn Long Khánh lúc bấy giờ, nhưng 2 địa điểm ấp Bàu Sầm (thuộc xã Bàu Trâm) và ấp 18 Gia Đình (thuộc xã Bảo Quang) đã đi vào lịch sử như một biểu tượng sáng ngời; đây là nơi Thị ủy Long Khánh thành lập và chỉ đạo các hoạt động cách mạng lâu nhất cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

Năm 2015, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Căn cứ Thị ủy Long Khánh là di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, những hy sinh, mất mát của quân và dân Long Khánh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bàu Trâm Vũ Văn Châm cho biết, người dân Long Khánh rất tự hào với Khu di tích Căn cứ Thị ủy Long Khánh, bởi đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của địa phương.

Bàu Trâm hôm nay đã “thay da, đổi thịt”, vùng đất sỏi đá, hoang hóa ngày nào đã thay bằng các vườn cây ăn trái tươi tốt; những căn nhà tạm bợ được thay thế bởi các ngôi nhà khang trang; những con đường đất “nắng bụi, mưa lầy” đã thay bằng các con đường nhựa, bê tông kiên cố, sạch đẹp. Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên. Để có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Bàu Trâm.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bàu Trâm Vũ Văn Châm cho biết: “Trước đây, tỷ lệ con em học đến cao đẳng, đại học rất thấp, chủ yếu học cho biết chữ rồi đi làm mưu sinh. Những năm gần đây, nhiều gia đình có điều kiện đầu tư cho con em ăn học đến nơi, đến chốn rồi ra trường kiếm việc làm ổn định, góp phần vào sự phát triển ở địa phương. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn vùng đất Bàu Trâm đã có nhiều đổi thay rõ nét”.

Ông Châm kể, vùng đất Bàu Trâm trước đây còn hoang sơ và chủ yếu là đồng bào dân tộc Chơro sinh sống. Ngoài ra, một số người dân ở trung tâm Long Khánh vào Bàu Trâm làm ruộng, rẫy. Vùng đất Bàu Trâm lúc bấy giờ rất heo hút và gắn liền với nhiều cái không: không điện, không đường, không trường, không trạm nên cuộc sống của người dân nơi đây rất vất vả, thiếu thốn.

Sau giải phóng, Bàu Trâm được xem là vùng “đất lành, chim đậu” nên người dân từ khắp mọi miền đất nước tìm đến sinh sống, lập nghiệp. Thời gian đầu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn quyết tâm bám trụ với hy vọng tương lai tươi sáng hơn. Hàng ngày, người dân ra sức san lấp những hố sâu, dọn dẹp sỏi đá, cải tạo đất nhằm tạo nên những khu vườn rẫy bằng phẳng. Sau đó, bà con đầu tư các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng trên địa bàn Bàu Trâm. Chẳng hạn như hệ thống giao thông được tráng nhựa, bê tông hóa đến khắp các ngõ hẻm; các trường học được xây dựng ở những vị trí phù hợp nhằm giúp học sinh đến trường thuận lợi; trạm xá được xây dựng nhằm chăm lo sức khỏe cho bà con; điện lưới quốc gia được kéo về tận nơi giúp bà con sử dụng trong sinh hoạt và tăng gia sản xuất… Nhờ đó, người dân Bàu Trâm có cơ hội phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng lên.

“Cuộc sống trước đây khó khăn nên số người dân mua sắm xe máy dùng làm phương tiện đi lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những năm gần đây, kinh tế gia đình phát triển, đời sống nâng lên nên gia đình nào cũng có xe máy, có hộ sở hữu từ 3-4 chiếc xe máy. Còn số hộ mua sắm xe ô tô cũng chiếm trên 30%” - ông Châm bộc bạch.

Thay đổi diện mạo nông thôn

Trưởng ấp Bàu Sầm (xã Bàu Trâm) Lê Văn Hiểu cho hay, cuộc sống người dân ấp Bàu Sầm trước đây gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, các cấp ủy Đảng và Nhà nước đã quan tâm chăm lo cho bà con bằng nhiều chính sách thiết thực như: tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; giới thiệu các nguồn vay vốn ưu đãi để bà con có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình… Nhiều gia đình nhờ đó đã vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống.

Vùng đất Bàu Trâm hôm nay đã “thay da, đổi thịt” với những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Vùng đất Bàu Trâm hôm nay đã “thay da, đổi thịt” với những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Đặc thù vùng đất Bàu Sầm có nhiều sỏi đá và “kén” nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, vùng đất này lại thích hợp cho cây chôm chôm sinh trưởng, phát triển tươi tốt. Lợi thế của vùng này giúp cho trái chôm chôm chín sớm và được thương lái mua với giá cao. Từ đó, chôm chôm được xem là cây trồng chủ lực của địa phương. Ngoài ra, nhiều gia đình đã tận dụng nguồn thức ăn dồi dào từ làm nông nghiệp để đầu tư mô hình nuôi dê và cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Khi đời sống được nâng lên, người dân tích cực tham gia góp sức vào sự phát triển bộ mặt của địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện các tuyến đường trên địa bàn ấp Bàu Sầm được bê tông hóa 100%, các ngõ hẻm đều có điện chiếu sáng. Bà con luôn ý thức trong việc dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống luôn sáng - xanh - sạch - đẹp nhằm góp sức cùng địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” - ông Hiểu tâm sự.

Theo Trưởng ấp Bàu Trâm Nguyễn Đức Lịch, người dân ấp Bàu Trâm trước đây chủ yếu làm nông nghiệp bằng thủ công truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Những năm gần đây, khi công nghệ phát triển, nhiều gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để giảm nhân công lao động, vừa tăng năng suất. Ví dụ, một hécta trồng lúa trước đây chỉ cho thu hoạch khoảng 4-5 tấn. Còn khi áp dụng khoa học vào sản xuất thì một héc ta trồng lúa cho thu hoạch lên đến 6-7 tấn.

“Hiện trên địa bàn ấp Bàu Trâm có một số cây trồng hiệu quả được bà con duy trì ổn định là: chôm chôm, sầu riêng, bưởi, lúa, bắp… Ngoài ra, nghề trồng nấm mèo trên địa bàn cũng rất phát triển, giúp cho nhiều gia đình ăn nên, làm ra” - ông Lịch cho hay.

Chủ tịch UBND xã Bàu Trâm Nguyễn Phương Nam cho biết, xã Bàu Trâm có diện tích tự nhiên gần 1,2 ngàn hécta và có hơn 2,4 ngàn hộ với hơn 9 ngàn nhân khẩu. Đặc thù xã Bàu Trâm là đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao hơn những địa phương khác trên địa bàn thành phố Long Khánh. Trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong khi thổ nhưỡng không thuận lợi do đất đá nhiều, hệ thống thủy lợi còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Bàu Trâm thời gian qua đã có nhiều nỗ lực vượt khó, hoàn thành các tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2014, đến năm 2019 được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Hiện toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bàu Trâm đang quyết tâm hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024.

“Đến nay, UBND xã Bàu Trâm đang tập trung mọi nguồn lực và tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu như đã đề ra” - ông Nam chia sẻ.

An Nhơn

Tin xem nhiều