Nhờ có cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, UBND xã An Phước được huyện Long Thành chọn làm xã điểm ra mắt và nhân rộng mô hình Chính quyền thân thiện (CQTT) ra toàn huyện.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp cùng đại diện các phòng, ban và các xã tham quan Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã An Phước. Ảnh: H.Lộc |
Đây cũng là mô hình tỉnh đang triển khai ở các cấp chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính hướng đến phục vụ người dân tốt hơn.
Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói
Đây là hoạt động được triển khai nhiều tháng qua tại xã An Phước. Vào ngày thứ bảy hàng tuần, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cùng các công chức và đoàn thể chính trị - xã hội xuống các ấp, khu dân cư gặp gỡ người dân. Mục đích là để lắng nghe mong muốn, chia sẻ và nhất là kiến nghị của người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng CQTT xã An Phước Phan Công Minh cho biết, thời gian qua, xã áp dụng nhiều cách làm nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân. Tiêu biểu như: mã hóa tất cả thủ tục để người dân có thể quét mã nắm bắt yêu cầu, biểu mẫu liên quan đến mỗi loại thủ tục. Lắp đặt máy vi tính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã để người dân tra cứu thông tin và nộp hồ sơ trực tuyến. Công khai số điện thoại của lãnh đạo xã để tiếp nhận ý kiến của người dân. Triển khai Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói bằng cách đi đến các ấp, khu dân cư nghe ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân. Tại đây, những góp ý, kiến nghị liên quan đến thái độ phục vụ, gây khó dễ hay chậm trễ trong giải quyết hồ sơ được chấn chỉnh ngay; một số loại thủ tục đơn giản cũng được giải quyết tại chỗ mà không cần đến xã.
Ngoài những việc làm nêu trên, xã còn gửi thư xin lỗi đến các tổ chức, cá nhân khi giải quyết hồ sơ trễ hẹn; gửi thư cảm ơn đến cá nhân, tổ chức có đóng góp cho sự phát triển chung; thư chúc mừng đến các cặp đôi đăng ký kết hôn, gia đình có thành viên mới; thư chia buồn với gia đình có hiếu sự… nhằm thể hiện sự quan tâm của chính quyền với người dân.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Phước Nguyễn Minh Điền chia sẻ thêm, việc xây dựng và triển khai mô hình CQTT đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp và người dân. Qua các lần lắng nghe dân nói, cán bộ giải quyết hồ sơ đã tự thay đổi tác phong, thái độ ứng xử.
Hiện tại, 100% cán bộ làm việc ở Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã đã ký cam kết thực hiện mô hình CQTT với phương châm: “4 xin”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; “4 luôn”: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ và “5 không”: không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí; không xu nịnh, chạy chọt, lợi ích nhóm; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Sự hài lòng của người dân là thước đo
Qua thời gian triển khai mô hình CQTT tại xã An Phước, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn tăng, tác phong và thái độ làm việc của công chức, viên chức ngày càng chuyên nghiệp. Cũng thông qua mô hình này, nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, nguyện vọng và cả bức xúc của người dân được giải quyết kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Lan (ngụ ấp 7, xã An Phước) chia sẻ, việc lãnh đạo về ấp tiếp xúc, đối thoại với dân, sau đó chỉ đạo giải quyết nhanh những vấn đề phản ánh, kiến nghị khiến người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền. Bà Lan mong muốn mô hình sẽ được duy trì lâu dài để việc thực hiện các thủ tục hành chính ngày càng nhanh và thuận tiện.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết, thời gian qua, UBND huyện phối hợp cùng Ban Dân vận Huyện ủy chỉ đạo, triển khai xây dựng mô hình CQTT trên địa bàn các xã, thị trấn. Nhận thấy tại xã An Phước có nhiều cách làm mới, sáng tạo và đem lại hiệu quả tích cực nên huyện chọn làm điểm ra mắt và nhân rộng mô hình.
Để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả tại xã An Phước và các xã, thị trấn, ông Lê Văn Tiếp đã đề nghị Ban Chỉ đạo mô hình CQTT xã An Phước tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân.
Người dân quét mã thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã An Phước. |
Ban Chỉ đạo xây dựng CQTT 14 xã, thị trấn tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 12-3-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 24-6-2024 của UBND huyện Long Thành về xây dựng và thực hiện mô hình CQTT. Quán triệt cán bộ, công chức tuân thủ giờ giấc và thái độ làm việc, bố trí đủ nhân sự, không để người dân chờ cán bộ. Yêu cầu thực hiện nghiêm túc “4 xin”, “4 luôn” và “5 không”. Thực hiện điều chuyển cán bộ nếu không đáp ứng yêu cầu năng lực, kỷ luật, kỷ cương trong công việc.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu UBND 13 xã, thị trấn tổ chức ra mắt mô hình CQTT trong tháng 8 này để tạo hiệu ứng, hiệu quả. Phòng Nội vụ huyện theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra, đánh giá kết quả để đề xuất UBND huyện giải pháp hoạt động hiệu quả mô hình.
“Mục tiêu xuyên suốt và cuối cùng của CQTT là sự hài lòng của người dân. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu trong hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền. Do đó, UBND huyện đề nghị thủ trưởng các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp để đảm bảo mô hình được thực hiện hiệu quả” - Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp nhấn mạnh.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin