Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

Hải Quân - Đan Nhi
08:34, 30/07/2024

Trong thời gian qua, huyện Định Quán đã quan tâm xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân.

Mô hình Liên kết sản xuất sản phẩm ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán). Ảnh: Hải Hà

Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, triển khai ứng dụng máy bay không người lái trong chăm sóc cây trồng, các trang trại chăn nuôi ứng dụng tự động hóa, bán tự động hóa theo quy mô lớn…

Gặt hái được nhiều kết quả khả quan

Vừa qua, Huyện ủy Định Quán đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31-12-2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm đến năm 2025 trên địa bàn.

Theo Huyện ủy Định Quán, về công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, địa phương đã thực hiện quy hoạch 255 hécta đất nông nghiệp khác tại xã Gia Canh và xã Ngọc Định để kêu gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, huyện đã và đang kêu gọi thực hiện nhiều chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên các cây trồng như: cây lúa, cây bắp, sầu riêng, ca cao, bưởi, chuối với diện tích hơn 2,2 ngàn hécta. Đến nay, trên địa bàn huyện có 27 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã được 8 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã tham gia chủ động thực hiện.

Đơn cử, tại cánh đồng Bàu Kiên (ấp 8, xã Thanh Sơn) có diện tích tập trung hơn 207 hécta, với tổng số hộ dân trồng lúa khoảng 136 hộ. Huyện đã mời gọi Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời hợp tác liên kết với nông dân ứng dụng kỹ thuật, khoa học - công nghệ và kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với cánh đồng lúa trong 3 năm qua.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bàu Kiên (xã Thanh Sơn) Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ, HTX đang triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất trên cây lúa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Qua đó, từ một cánh đồng trước đây người dân sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, cơ giới thô sơ, thủ công, đến nay đã hình thành vùng sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất như: xuống giống đồng loạt bằng máy bay không người lái, giúp giai đoạn sinh trưởng, lúa chín đồng loạt, mang lại năng suất, chất lượng cao…

Ngoài ra, trên địa bàn huyện, các mô hình sử dụng máy bay không người lái để phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, gieo sạ lúa đã triển khai cho 5 ngàn hécta sầu riêng, chuối và lúa. Ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho trên 14,5 ngàn hécta trên các loại cây trồng; ứng dụng chăn nuôi tự động, bán tự động theo mô hình công nghiệp tại 21 trang trại chăn nuôi với tổng đàn chăn nuôi; áp dụng mô hình nhân nuôi vi sinh vật bản địa (IMO) với diện tích trên 200 hécta; duy trì 23 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được công nhận từ 3 sao trở lên…

Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán) Đặng Tường Khanh chia sẻ, công ty đang chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đầu tư về công nghệ, phát triển kênh tiếp thị, giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch ở địa phương.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Bên cạnh các thành quả đạt được, huyện Định Quán cũng cần chú trọng quy hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ theo hướng đồng bộ, bền vững, khắc phục những tồn tại, khó khăn còn gặp phải…

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh nhận định, Định Quán đã quy hoạch nhiều vùng sản xuất tập trung tiêu biểu như: cánh đồng lúa Thanh Sơn, cánh đồng Cao Cang… Về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tổ chức triển khai đạt nhiều kết quả, chỉ tiêu quan trọng như: tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều mô hình công nghệ cao từng bước triển khai nhân rộng, nhất là mô hình sử dụng máy bay không người lái.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu cần phải được cải thiện trong thời gian tới như: nâng cao tỷ lệ giá trị sản phẩm thấp, tỷ lệ nông sản tiêu thụ theo hình thức liên kết sản xuất… Huyện cần nỗ lực hơn nữa trong công tác kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

“Định Quán có nhiều điểm mạnh để khai thác phát triển, triển khai các chương trình về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Do đó, trong thời gian tới, địa phương cần quan tâm tuyên truyền cho người dân hiểu được vì sao phải sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và theo hướng hữu cơ. Huyện cần hình thành sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đồng nhất, dễ quản lý, thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc. Trong đó, công tác xây dựng mã số vùng trồng cần nghiêm túc thực hiện trung thực, chính xác để đảm bảo, nâng cao giá trị, uy tín cho nông sản địa phương” - ông Trần Lâm Sinh chia sẻ thêm.

Bí thư Huyện ủy Định Quán Trần Bá Đạt chia sẻ, huyện Định Quán có tiềm năng với lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung hướng dẫn cho người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong đó, huyện tập trung công tác phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Từng bước đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm để tái chế thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Hải Quân - Đan Nhi

Tin xem nhiều