Huyện Trảng Bom có nhiều quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại chưa thu hồi được. Nguyên nhân là do các dự án chưa hoàn thiện pháp lý hoặc hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã bàn giao đất. Điều này dẫn đến huyện thiếu quỹ đất triển khai các dự án nhà ở phục vụ người dân, công nhân lao động.
Tổ Giám sát HĐND tỉnh đơn vị huyện Trảng Bom giám sát dự án nhà ở thương mại chưa bàn giao quỹ đất 20% cho địa phương. Ảnh: H.Lộc |
Mới đây, huyện đã kiến nghị đoàn giám sát của HĐND tỉnh, các sở, ngành tháo gỡ những vướng mắc trên.
10 dự án chưa bàn giao quỹ đất 20%
Huyện Trảng Bom có nhu cầu lớn về nhà ở. Vì vậy, nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương, khởi công xây dựng, đưa vào sử dụng. Theo quy định, các dự án quy mô trên 10 hécta phải dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Quỹ đất này, nhà đầu tư có thể tự triển khai dự án hoặc bàn giao lại cho địa phương kêu gọi đầu tư sau khi đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thế nhưng, nhiều dự án rất chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ này.
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam thông tin, có 10 dự án đang “nợ”, chậm bàn giao quỹ đất 20% do dự án chưa hoàn thiện pháp lý về đất đai, xây dựng, đầu tư; mới hoàn thiện một phần hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Dự án Khu trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Bàu Xéo tại thị trấn Trảng Bom của Công ty CP Thống Nhất là một ví dụ. Theo quy định, quỹ đất phải dành làm nhà ở xã hội gần 3,5 hécta. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện đầu tư các hạ tầng kỹ thuật trong dự án là: đường giao thông, điện, cấp và thoát nước, thông tin liên lạc. UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi đất quỹ đất nói trên giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Trảng Bom quản lý. Thế nhưng, hạ tầng kỹ thuật kết nối bên ngoài (tuyến giao thông đối ngoại đường D1) chưa được đầu tư, dẫn đến hồ sơ dự án đầu tư nhà ở xã hội chưa được phê duyệt.
Hay Dự án Khu dân cư Bàu Xéo tại thị trấn Trảng Bom do Công ty TNHH MTV Địa ốc cao su Đồng Nai làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích hơn 1 hécta, đã hoàn thiện đầu tư các hạ tầng kỹ thuật nội khu và đảm bảo kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với khu vực. Thế nhưng, chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ đất 20% cho địa phương quản lý để triển khai dự án nhà ở xã hội.
Một dự án khác tương tự cũng do Công ty TNHH MTV Địa ốc cao su Đồng Nai làm chủ đầu tư là Khu dân cư và siêu thị tại thị trấn Trảng Bom. Theo quy định, chủ đầu tư phải bàn giao 20% diện tích đất ở trong dự án về huyện, song nhà đầu tư chỉ dành khoảng 19% quỹ đất để bàn giao, phải tiến hành điều chỉnh.
7 khu đất còn lại trong quỹ đất 20% dự án nhà ở thương mại phải bàn giao có diện tích từ khoảng 0,5-3,5 hécta. Vướng mắc chung là chủ đầu tư chưa thực hiện bàn giao; dự án chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng xong; chủ đầu tư chưa được điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng…
Huyện Trảng Bom hiện có khoảng 80,7 ngàn người có nhu cầu nhà ở. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nhà ở có thể tăng lên khoảng 136 ngàn người. Do đó, thu hồi quỹ đất 20% từ các dự án thương mại để làm nhà ở xã hội là giải pháp giảm áp lực về chỗ ở.
Cần có chế tài với nhà đầu tư
Huyện Trảng Bom có khoảng 130 ngàn lao động đang làm việc tại 5 khu và cụm công nghiệp. Trong đó, lao động ngoài huyện chiếm khoảng 60%. Đây là áp lực lớn của địa phương trong giải quyết các nhu cầu về: giáo dục, y tế, đảm bảo an ninh trật tự và bức thiết nhất là chỗ ở.
Để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân lao động, nhiều năm qua, huyện kêu gọi và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh đã xây dựng 6 dự án nhà ở, ký túc xá có khả năng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 3,5 ngàn công nhân. Hơn 2,7 ngàn cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng phòng trọ cho thuê, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 65 ngàn người. Bên cạnh đó, có một dự án nhà ở công nhân đã đưa vào sử dụng hơn 100/600 căn hộ. Dù vậy, so với nhu cầu thực tế thì những con số trên vẫn còn khiêm tốn.
Kết quả thống kê và dự báo của huyện cho thấy, nhu cầu nhà ở hiện tại trên địa bàn khoảng 80,7 ngàn người. Đến năm 2030, quỹ đất công nghiệp của huyện tăng thêm khoảng 600 hécta nên phải tuyển nhiều lao động nên dự báo sẽ có 136 ngàn người có nhu cầu về nhà ở.
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho biết, nhiều dự án nhà ở cho công nhân, người dân trên địa bàn đang gặp vướng mắc. Riêng với 10 dự án nhà ở thương mại chưa, hoặc chậm bàn giao quỹ đất 20%, huyện đã có báo cáo, chỉ ra vướng mắc, đề xuất hướng tháo gỡ. Huyện kiến nghị Tổ Giám sát HĐND tỉnh, các sở, ngành quan tâm giải quyết các kiến nghị; đốc thúc, có chế tài đối với nhà đầu tư chậm trễ triển khai dự án nhà ở xã hội hoặc bàn giao đất về địa phương thực hiện.
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Trảng Bom Nguyễn Thị Nga, Tổ trưởng Tổ Giám sát HĐND tỉnh đơn vị huyện Trảng Bom, khi đi giám sát 3 dự án và làm việc với UBND huyện cho rằng, địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở. Huyện ủy đã ban hành nghị quyết, chỉ đạo triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Trong số các nguyên nhân, có việc quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại chậm được thu hồi.
Bà Nga đề nghị các sở, ngành quan tâm hỗ trợ địa phương; UBND huyện chủ động chỉ đạo, hỗ trợ, đôn đốc nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ và thực hiện trách nhiệm làm nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại theo quy định.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin