Huyện Long Thành có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đang được tiến hành xây dựng, khi đi vào hoạt động sẽ giúp phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn...
Một sạp kinh doanh bánh kẹo tại chợ Long Thành (huyện Long Thành). Ảnh: H.Quân |
Thời gian qua, hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện diễn ra khá sôi động, mạng lưới thương mại bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng được củng cố và ngày càng mở rộng về quy mô kinh doanh, mẫu mã hàng hóa đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn Long Thành vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Chú trọng quy hoạch, phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ
Trong thời gian qua, huyện Long Thành đã triển khai nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, thúc đẩy thương mại điện tử; lập quy hoạch phát triển dịch vụ logistics và hạ tầng kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn huyện...
Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Long Thành, có 3 khu vực thương mại, dịch vụ gồm: khu vực thương mại, dịch vụ phía Tây Nam Sân bay Long Thành (ở các xã Long An và Long Phước) với diện tích 900 hécta; khu vực thương mại, dịch vụ phía Đông Bắc Sân bay Long Thành (xã Cẩm Đường) với diện tích 202 hécta; khu vực thương mại, dịch vụ phía Bắc Sân bay Long Thành (ở các xã Long An và Bình Sơn) với diện tích 209 hécta. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn quy hoạch 3 siêu thị và một trung tâm thương mại triển lãm hội chợ quốc tế; các khu vực bến cảng, cảng cạn liên quan đến hạ tầng logistics…
Trên thực tế, huyện còn gặp phải một số khó khăn cần có kế hoạch triển khai, báo cáo cụ thể hơn. Trong đó, cơ sở hạ tầng của nhiều chợ truyền thống đã xuống cấp; nhiều khu dịch vụ logistics, khu, điểm du lịch trên địa bàn chỉ mới trong giai đoạn quy hoạch…
Tại buổi giám sát chuyên đề vào tháng 5-2024 của HĐND tỉnh về kết quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên địa bàn huyện Long Thành, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trương Thị Mỹ Dung nêu ý kiến, để thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, huyện Long Thành cần tập trung phát huy những lợi thế, thế mạnh từ Dự án Sân bay Long Thành. Trong đó, cần chú trọng công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nhất là các quy hoạch liên quan đến hạ tầng thương mại, logistics trên địa bàn. Ngoài ra, huyện cũng cần lưu ý vấn đề khắc phục tình trạng chợ xuống cấp, rà soát, triển khai quy trình phát triển mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn, xử lý dứt điểm các điểm kinh doanh tự phát, nỗ lực phát triển thương mại điện tử. Đặc biệt, cần xác định rõ các mục tiêu, đề ra kế hoạch cụ thể để hướng tới phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững…
Tương tự, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước nhấn mạnh, địa phương cần có kế hoạch, mục tiêu cụ thể về đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các chợ, phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đồng thời, huyện chú trọng kết nối hạ tầng, tiếp cận, vận dụng các cơ chế, chính sách phù hợp, đúng quy định để phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên địa bàn huyện.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI BẢO:
Huyện Long Thành cần có sự đánh giá cụ thể, khách quan kết quả triển khai phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại trên địa bàn. Đồng thời, huyện chủ động lắng nghe ý kiến, phối hợp với các sở, ban, ngành để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn; đẩy nhanh, đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả, thực chất việc phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại.
Bên cạnh đó, huyện cần có sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế phù hợp, quan tâm đầu tư, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực… để tận dụng, phát huy những lợi thế, tiềm năng phát triển khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động, hướng tới phát triển đô thị, thành phố sân bay…
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Long Thành DƯƠNG MINH DŨNG:
Huyện có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, đặc biệt là khi Dự án Sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Trong thời gian tới, huyện sẽ chú trọng công tác quy hoạch và thực hiện các quy hoạch về thương mại - dịch vụ, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành để mời gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, triển khai các dự án phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ. Đồng thời, huyện sẽ chú trọng phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu dùng
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, vấn đề kết nối tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), thúc đẩy các kênh thương mại điện tử, tăng cường các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cũng là vấn đề địa phương cần quan tâm triển khai.
Bà Trương Thị Mỹ Dung cho biết thêm, địa phương cần quan tâm hơn nữa việc đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn thương mại điện tử của tỉnh, đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, huyện hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể OCOP tham gia kết nối giao thương, xúc tiến thương mại.
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Ngọc Kim Mai chia sẻ, để cụ thể hóa các mục tiêu về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, bên cạnh công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, huyện cần chú trọng các kênh kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, địa phương cần chú trọng hệ thống bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại, bố trí quỹ đất phát triển du lịch, sản phẩm du lịch sinh thái, đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng cho hay, địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, triển khai hiệu quả thực hiện các quy hoạch thương mại, du lịch, logistics; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về phát triển thương mại, dịch vụ, trong đó cần quan tâm hơn tới phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, huyện cũng cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền về vị trí, vai trò quan trọng của lĩnh vực thương mại, dịch vụ tổng hợp, hiện đại…
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo nhấn mạnh, việc phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại là xu thế tất yếu, là yêu cầu điều kiện để đáp ứng sự phát triển của địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong thời gian tới, địa phương cần chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao…
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin