Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

01:06, 02/06/2023

(ĐN) - Sáng 2-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có buổi làm việc về tình hình thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập.

(ĐN) - Sáng 2-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có buổi làm việc về tình hình thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Dự buổi làm việc có Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, lãnh đạo các sở ngành và địa phương.

* Toàn tỉnh hiện thiếu hơn 2.400 giáo viên, thiếu nhiều nhất ở cấp tiểu học

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng số giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến THPT là 25.586 người, trong khi đó giáo viên cần có theo định mức là 27.994 người, thiếu 2.408 người. Thiếu nhiều nhất ở cấp tiểu học: 929 người, tiếp đến là THCS: 657 người, mầm non: 595 người và THPT đang thiếu 227 người.

Ở cấp tiểu học chủ yếu thiếu giáo viên thể dục, tin học, trong khi ở bậc THCS thiếu giáo viên các môn như Văn, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên, Thể chất, Nghệ thuật, Tin học. Đối với bậc THPT thiếu nhiều nhất vẫn là các môn Lịch sử, nhóm môn lựa chọn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng báo cáo về tình hình sử dụng và tuyển dụng giáo viên trong ngành GD-ĐT
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng báo cáo về tình hình sử dụng và tuyển dụng giáo viên trong ngành GD-ĐT

Tại buổi họp, các địa phương báo cáo, nguyên nhân thiếu giáo viên vẫn là chế độ thu nhập chưa hấp dẫn so với các ngành nghề khác. Nhiều trường ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa ngày càng khó tuyển dụng, nhất là với giáo viên mầm non. Các địa phương kiến nghị tỉnh cần có thêm chính sách đãi ngộ riêng với giáo viên, có như vậy mới thuận lợi giữ chân, thu hút tuyển dụng giáo viên.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ báo cáo các giải pháp của ngành về tình hình thiếu giáo viên
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ báo cáo các giải pháp của ngành về tình hình thiếu giáo viên

* Huyện nào không tuyển đủ, Phó chủ tịch phụ trách văn xã phải chịu trách nhiệm

Phát biểu tại buổi họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, việc có đủ giáo viên là một mục tiêu quan trọng để phát triển giáo dục ổn định, chất lượng và bền vững. Do đó đồng chí chỉ rõ địa bàn, trường nào thiếu giáo viên thì phải tuyển cho đến khi đủ. Nếu tuyển mà vẫn thiếu thì phải xem xét hợp đồng thêm, tăng giờ để đáp ứng.

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo rõ, biên chế đã được giao cho các địa phương, địa bàn nào không tuyển đủ thì Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực phải chịu trách nhiệm. Đồng chí gợi mở, lãnh đạo các địa phương phải đến trường sư phạm tìm nguồn tuyển, đồng thời phải thường xuyên thăm hỏi, động viên bám trường, bám lớp.

Trước tình hình giáo viên mầm non thiếu và khó tuyển dụng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, phải coi trọng giáo viên mầm non từ trình độ chuyên môn đến chế độ chính sách để giáo viên cống hiến và làm tốt công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý, phải xem xét đối tượng nào cần hỗ trợ trước thì phải hỗ trợ sớm. Với thu nhập hiện nay thì giáo viên mầm non khó có thể an tâm làm việc, còn ngành giáo dục khó có thể thu hút.

Ngoài chế độ thu nhập, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, xã hội phải tạo môi trường làm việc tốt cho giáo viên mầm non, có cơ chế khuyến khích giáo viên mầm phát triển sự nghiệp.

* Chính sách hỗ trợ giáo viên cần trình HĐND tỉnh thông qua trước khi khai giảng năm học mới 2023-2024

Cũng liên quan đến chính sách đãi ngộ giáo viên, Bí thư Tỉnh ủy giao Sở GD-ĐT, UBND tỉnh khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên. Cần trình HĐND tỉnh xem xét thông qua trước khi khai giảng năm học mới 2023-2024 để công bố cho giáo viên an tâm, phấn khởi.

Trong tình hình còn thiếu giáo viên, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, các ngành, các địa phương không được lấy giáo viên sang công tác ở các lĩnh vực khác trong hệ thống chính trị cho đến khi có đủ giáo viên. Cần tính toán đào tạo có địa chỉ, đào tạo tại chỗ. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tính toán, nếu thiếu thì cử con em là người địa phương đi đào tạo để phục vụ địa phương.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, các địa phương có thể xem xét những giáo viên đến tuổi về hưu nhưng còn sức khoẻ thì vận động họ ở lại thêm thời gian. Có cơ chế tự chủ tài chính một phần cho các cơ sở giáo dục để tăng thêm thu nhập cho giáo viên.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh có báo cáo cho Tỉnh ủy về nhân lực ngành giáo dục, đồng thời kiến nghị với Bộ Nội vụ nêu rõ tình hình của tỉnh để Bộ Nội vụ xem xét thêm biên chế cho tỉnh. Về lâu dài, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị phải tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để giảm bớt áp lực đầu tư cho ngân sách và biên chế giáo viên.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều