Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Quốc hội chất vấn về lĩnh vực thông tin, truyền thông và nội vụ

08:11, 04/11/2022

Ngày 4-11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông và nội vụ.

Ngày 4-11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông và nội vụ.

Đại biểu Nguyễn Huy Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu chất vấn. Ảnh: Hải Yến
Đại biểu Nguyễn Huy Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu chất vấn. Ảnh: Hải Yến

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn buổi sáng, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên chất vấn tập trung vào các vấn đề: việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng chính phủ số, chính quyền số; công tác kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia; việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho biết, trên các nền tảng và trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo hay TikTok thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái được chào bán một cách rất công khai. Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, đây là một vấn nạn cần phải siết lại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng TT-TT cho biết giải pháp trong thời gian tới để xử lý tình trạng này như thế nào?

Trả lời đại biểu về vấn nạn quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khoảng 2-3 năm vừa qua, có một hình thức quảng cáo mới - mạng lưới quảng cáo trung gian (ad network), tức các báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tin điện tử… bán khoảng trống trên bề mặt trang nhất của mình, sau đó công ty quảng cáo nước ngoài đưa các nội dung quảng cáo.

“Bộ TT-TT đã sửa các văn bản, nghị định, tổ chức thanh tra, kiểm tra, các cơ quan báo, tạp chí, trang tin điện tử đã ý thức hơn việc này. Các quảng cáo trên các phương tiện này được quản lý tương đối tốt. Hiện chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới: Facebook, YouTube… rất nhiều quảng cáo sai quy định pháp luật” - Bộ trưởng cho biết.

Về các giải pháp xử lý vấn nạn này, Bộ trưởng nêu, hiện đã có quy định pháp luật nên thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ chính thức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo. Bên cạnh đó, những thông tin sai sự thật, nhất là quảng cáo các thực phẩm chức năng (thuộc các bộ chuyên ngành) sẽ phải xác minh xem quảng cáo đúng pháp luật hay chưa. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, địa phương trong thẩm quyền của mình cùng vào cuộc, cùng rà soát không gian, lĩnh vực của mình, thẩm tra, đánh giá. Bộ TT-TT có thể rà quét, phát hiện, nhưng về mặt pháp luật, để khẳng định sai phạm phải do các bộ chuyên ngành. Bộ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay xử lý vấn đề quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới.

Sau phần chất vấn nhóm vấn đề thứ 2, buổi chiều Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ. Trong đó, Quốc hội đã tập trung chất vấn việc bảo đảm biên chế cho ngành Giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu dạy - học; giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Theo đó, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) chất vấn 2 vấn đề giải pháp về tình trạng thiếu giáo viên. Một là, Bộ Chính trị đã có quyết định giao bổ sung 65.850 giáo viên cho giai đoạn 2022-2026. Tuy nhiên, năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn rất lớn; nhất là đối với các tỉnh/thành phố có số lượng học sinh tăng cao. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết giải pháp cụ thể về vấn đề này?

Hai là, vấn đề lương tối thiểu theo vùng, đội ngũ nhân viên làm công tác đơn vị hành chính sự nghiệp như: văn thư, thủ quỹ, kế toán thì mức lương cơ bản thấp. Đại biểu đề nghị giải pháp cho vấn đề này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu về lương tối thiểu theo vùng, đội ngũ nhân viên làm công tác đơn vị hành chính sự nghiệp như: văn thư, thủ quỹ, kế toán thì mức lương cơ bản thấp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, tăng lên 20,8%, như vậy nhân viên đơn vị hành chính cũng trong diện được điều chỉnh lương này. Sau khi thực hiện điều chỉnh lương này, nếu điều kiện đất nước năm 2023 và những năm tới ổn định tốt, tăng trưởng tốt sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn chiều 4-11, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, với tinh thần cầu thị, không né tránh, phần trả lời chiều 4-11 của Bộ trưởng Nội vụ đã hoàn thành tương đối tốt. Đối với 7 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày 5-11 Bộ trưởng Nội vụ có 30 phút để trả lời các câu hỏi này của đại biểu.

T.H (tổng hợp)

 

Tin xem nhiều