Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần nghiêm túc trong việc cấp phép thành lập trường đại học

10:01, 09/01/2012

(ĐN)-Ngày 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách các tỉnh, thành thảo luận về các dự án: Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì  hội nghị.

(ĐN)-Ngày 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách các tỉnh, thành thảo luận về các dự án: Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì  hội nghị. Tại đầu cầu Đồng Nai, đồng chí Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH chuyên trách cùng tham dự.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh đóng góp ý kiến cho Luật Công đoàn sửa đổi tại hội nghị trực tuyến.
Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh đóng góp ý kiến cho Luật Công đoàn sửa đổi tại hội nghị trực tuyến.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp cho Luật Công đoàn (sửa đổi) bày tỏ sự đồng tình với việc cần điều chỉnh điều kiện thành lập tổ chức công đoàn tại đơn vị, không nên quy định “có từ 20 lao động thì được thành lập tổ chức công đoàn”. Luật cũng nên xem xét cho lao động là người nước ngoài được quyền gia nhập và hoạt động trong hệ thống công đoàn Việt Nam, bởi Việt Nam đang có hàng chục ngàn người là chuyên gia, lao động kỹ thuật và lao động phổ thông đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp của Việt Nam cần được bảo vệ.
Bên cạnh dự án Luật Công đoàn sửa đổi, tại hội nghị, dự án Luật Giáo dục đại học cũng được đưa ra đóng góp ý kiến. Trong đó, nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng: dự án Luật giáo dục đại học còn nhiều bất cập, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để. Việc có nhiều điều khoản không được làm rõ trong luật mà giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định sẽ gây khó cho vấn đề thi hành luật trên thực tiễn. Vấn đề giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, cao đẳng cũng cần được quy định cụ thể và có cơ chế rõ ràng, nhất là trong các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ và đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu ở các tỉnh, thành cũng cho rằng: Cần nghiêm túc hơn trong việc cấp phép cho dự án thành lập trường đại học. Mỗi dự án cần phải có luận chứng được xét nghiêm túc, nghiêm minh và đảm bảo tính khả thi.
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của các đại biểu đối với 2 Luật trên. Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ tiếp tục xem xét và lấy ý kiến đóng góp để những vấn đề còn vướng mắc được thống nhất, nhằm đưa luật vào cuộc sống thực tiễn hợp lý và khả thi hơn.

Phương Uyên

 

Tin xem nhiều