Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động

09:05, 23/05/2023

Mới đây, khi góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, 8 hiệp hội đã có đề xuất cho người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) khi đã tham gia BHXH đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH.

Mới đây, khi góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, 8 hiệp hội đã có đề xuất cho người lao động (NLĐ) được về hưu sớm theo nguyện vọng (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) khi đã tham gia BHXH đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH.

Công nhân trực tiếp sản xuất đều mong giảm tuổi nghỉ hưu hơn giảm năm đóng bảo hiểm xã hội. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Long Long Thành trong giờ làm việc. Ảnh: L.MAI
Công nhân trực tiếp sản xuất đều mong giảm tuổi nghỉ hưu hơn giảm năm đóng bảo hiểm xã hội. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Long Long Thành trong giờ làm việc. Ảnh: L.MAI

Đề xuất này nhận được sự quan tâm của cán bộ Công đoàn, NLĐ, nhất là NLĐ trực tiếp sản xuất tại các doanh nghiệp (DN).

* Nhiều NLĐ đồng tình

Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Năm 2023, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng và lao động nữ là 56 tuổi. Tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Giải thích về đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu, 8 hiệp hội cho rằng, lao động Việt Nam chủ yếu làm việc tay chân, có nhiều trường hợp tham gia BHXH từ rất sớm, thời gian và mức đóng bảo hiểm cao. Khi họ 55-60 tuổi thì sức khỏe giảm sút, không đảm bảo yêu cầu công việc, có nguy cơ mất việc. Nếu NLĐ phải chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống. Ngoài ra, việc cho phép NLĐ được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ; NLĐ cũng giảm số năm bị trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng cho mỗi năm về hưu trước tuổi.

8 hiệp hội đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu 60 với nam và 55 với nữ gồm: Gỗ và lâm sản Việt Nam; Da giày - túi xách Việt Nam; Thực phẩm minh bạch; Nhựa Việt Nam; Dệt may Việt Nam; Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM; DN điện tử Việt Nam.

Ngay khi biết đề xuất của 8 hiệp hội, nhiều NLĐ trực tiếp sản xuất trong cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đều đồng tình với đề xuất trên. Theo NLĐ, từ sau đại dịch Covid-19 và DN thiếu đơn hàng do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhiều NLĐ bị mất việc làm và lâm vào cuộc sống khó khăn. Trong khi đó, lao động trực tiếp sản xuất đến độ tuổi 45-47, các DN đã có xu hướng cắt giảm để tuyển lao động trẻ. Lực lượng lao động ở độ tuổi ngoài 45 bị sa thải khỏi DN thì khó tìm được việc tiếp cho tới tuổi nghỉ hưu.

Anh Trần Văn Minh, làm việc tại DN sản xuất hóa chất ở H.Long Thành cho hay, đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ rất hợp lý với công việc và sức khỏe công nhân hiện nay. Theo anh Minh, khi DN làm ăn thuận lợi, họ đều có chính sách tốt để giữ chân NLĐ, nhưng khi làm ăn khó khăn thì tìm cách sa thải NLĐ và lao động ngoài 45 tuổi là lựa chọn đầu tiên của DN.

“Ở tuổi ngoài 45, các DN đều chê NLĐ mắt mờ, tay yếu, không đảm bảo công việc thì ai sẽ nhận NLĐ vào làm việc cho đến khi đến tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, chúng tôi mong giảm tuổi nghỉ hưu và giảm năm đóng BHXH để phù hợp tình hình hiện nay” - anh Minh chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, anh bị mất việc từ đầu năm 2023, đến nay vẫn chưa có việc làm trở lại. Nguyên nhân do DN tuyển lao động trẻ, còn lao động lớn tuổi như anh dù có kinh nghiệm vẫn khó xin được việc làm phù hợp. Từ những khó khăn trên, anh Dũng mong rằng, khi sửa đổi Luật BHXH cần khảo sát thực tế nguyện vọng của NLĐ, bởi công nhân bị mất việc khi đã lớn tuổi khó có thể xin được việc làm ngay để có thu nhập đảm bảo ở lại hệ thống BHXH và đợi đến tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu.

* Nhiều ý kiến trái chiều

Đồng tình với đề xuất của 8 hiệp hội và nguyện vọng của NLĐ, nhiều cán bộ Công đoàn cho biết, việc giảm tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ rất cần thiết vì lao động lớn tuổi khó có thể đảm bảo sức khỏe để làm việc tại DN. Nếu đợi đến tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu, nhiều NLĐ bị mất việc làm sẽ tìm đến rút BHXH 1 lần nếu không có chính sách đảm bảo việc làm bền vững cho NLĐ.

Tại buổi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, cán bộ Công đoàn và công nhân đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập của Luật BHXH, tập trung vào các vấn đề như: tuổi nghỉ hưu, lương hưu; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng và thực tế về đời sống của NLĐ.

Công nhân trực tiếp sản xuất đều mong giảm tuổi nghỉ hưu hơn giảm năm đóng bảo hiểm xã hội Ảnh minh họa: Công nhân Công ty TNHH Tokin Electronic Việt Nam (TP.Biên Hòa) trong giờ sản xuất. Ảnh: Huy Anh
Công nhân trực tiếp sản xuất đều mong giảm tuổi nghỉ hưu hơn giảm năm đóng bảo hiểm xã hội Ảnh minh họa: Công nhân Công ty TNHH Tokin Electronic Việt Nam (TP.Biên Hòa) trong giờ sản xuất. Ảnh: Huy Anh

Theo bà Phạm Thị Phương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Mabichi Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), Bộ LĐ-TBXH đang lấy ý kiến về dự thảo Luật BHXH. Nếu các quy định về BHXH thay đổi quá nhiều, NLĐ biết sẽ rút BHXH 1 lần vào cuối năm 2024. Việc này gây khó khăn cho DN và NLĐ. Vì vậy, nên giữ các chế độ BHXH như hiện nay và tuyên truyền cho NLĐ hiểu rõ về chính sách BHXH. Ngoài ra, cần cân nhắc để giảm tuổi nghỉ hưu cho NLĐ trực tiếp sản xuất tại DN.

Các chuyên gia lao động cho rằng, việc giảm tuổi nghỉ hưu theo nguyện vọng đối với NLĐ, nhất là với lao động chân tay thì cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi cần nghiên cứu theo hướng phù hợp với thực tiễn. Vì hiện nay có không ít NLĐ đi làm từ năm 20 tuổi, đến khi 55 tuổi đã đủ thời gian hưởng lương hưu tối đa, nhưng để đủ tuổi nghỉ hưu phải chờ thêm thời gian quá dài. Trước đây, tuổi hưu của nam là 60, nữ 55, nếu đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng 45%, nay đổi lại tuổi hưu, mức 62 tuổi cho nam và 60 tuổi cho nữ sẽ thiệt thòi cho NLĐ.

Trái ngược với ý kiến trên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Nguyễn Hữu Dũng khi trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đến khi nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là phù hợp với xu hướng quốc tế và thực tế Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, các hiệp hội, hội đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu như trước đây là mâu thuẫn với luật. Hơn nữa, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến, Bộ LĐ-TBXH đề xuất giảm số năm đóng BHXH. Theo đó, NLĐ đóng BHXH tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu cũng là tạo điều kiện nghỉ hưu sớm. Ngoài ra, những lao động làm việc ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được về hưu sớm 5 năm…

Dù hiện tại còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quay vấn đề giảm năm đóng BHXH, giảm tuổi nghỉ hưu từ đề xuất của 8 hiệp hội, song nhiều lao động cho biết, khi sửa đổi Luật BHXH, cần tiếp nhận ý kiến từ nhiều phía, trong đó có NLĐ. Đồng thời, cần đi thực tế cơ sở để khảo sát việc làm, thu nhập, mức sống của NLĐ làm việc tại các DN. Có như vậy, các chính sách ra đời mới đảm bảo phù hợp với thực tế.


Công nhân PHẠM MINH TRÍ, làm việc tại Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom): Phù hợp với sức khỏe và nguyện vọng của NLĐ

Lao động chân tay khi bước sang tuổi 55-60 đa số sức khỏe yếu nên muốn nghỉ hưu sớm. Do vậy, việc quy định tuổi nghỉ hưu nên được đánh giá cụ thể để phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng thiết thực của NLĐ. Nếu quy định cứng tuổi nghỉ hưu nên có chính sách bảo đảm được việc làm cho NLĐ.

Chị NGUYỄN THỊ PHƯƠNG TIÊN, Quản lý nhân sự Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom): Giảm tuổi nghỉ hưu tốt hơn giảm năm đóng BHXH

Hiện nhiều lao động khi nghe thông tin giảm năm đóng BHXH xuống còn 15 năm đã có ý định nghỉ việc sớm để rút BHXH 1 lần, nhất là những lao động đã có 14 năm 9 tháng đóng BHXH, mà không đợi đến tuổi nghỉ hưu để hưởng lương. Đây cũng là tổn thất lớn của công ty khi hiện nay, mặc dù đơn hàng giảm song DN vẫn nỗ lực giữ chân người lao động để đảm bảo sản xuất khi có đơn hàng trở lại. Thực tế, NLĐ không muốn giảm số năm đóng BHXH, mà họ cần giảm tuổi nghỉ hưu. Nếu NLĐ chọn rút BHXH một lần rất là thiệt thòi cho NLĐ và DN thiếu nguồn lực lao động sản xuất.     


Lan Mai

Tin xem nhiều
Tìm kiếm cơ hội việc làm chất lượng