Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo thiếu nguồn cung vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm

09:04, 08/04/2023

Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang và sắp được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về vật liệu san lấp trong thời gian tới là rất lớn.

Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang và sắp được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về vật liệu san lấp trong thời gian tới là rất lớn.

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh hiện vẫn đang thiếu nguồn đất đắp để thi công đường dẫn các cầu vượt trên tuyến
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh hiện vẫn đang thiếu nguồn đất đắp để thi công đường dẫn các cầu vượt trên tuyến. Ảnh: P.Tùng

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án có thể tiếp tục tái diễn.

* “Nóng” đất đắp

Theo yêu cầu của Bộ GT-VT, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác vào ngày 30-4-2023. Thế nhưng, mốc tiến độ này đang bị ảnh hưởng rất lớn, bởi tình trạng thiếu đất đắp để hoàn thành các hạng mục còn lại như: đường dân sinh, đường song hành, đường dẫn các đầu cầu vượt.

Mới đây, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương gia hạn các dự án cải tạo đất nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung đất đắp cho dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Mặc dù vậy, trong thời gian chờ các cơ quan chức năng đánh giá, rà soát để gia hạn đối với dự án này, các nhà thầu thi công dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn đang ở trong tình trạng “chờ đất”.

Theo Sở GT-VT, đối với 2 dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nếu sử dụng tầng đất phủ của khu mỏ đá Phước Tân thì trữ lượng có khoảng 900 ngàn m3 đất. Như vậy, đối với cả 2 dự án còn thiếu khoảng 5 triệu m3 đất đắp và hơn 1,9 triệu m3 cát.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc liên doanh gói thầu xây lắp số 3 dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho hay, hiện nay việc thiếu hụt nguồn đất đắp là thách thức lớn nhất trong việc đảm bảo tiến độ của dự án.

Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được triển khai thực hiện. Kéo theo đó, nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp sẽ tiếp tục tăng cao.

Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn cho biết, chỉ tính riêng dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh sẽ được khởi công trong năm 2023, nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp đã lên đến gần 10 triệu m3, gồm hơn 5,8 triệu m3 đất đắp và hơn 1,9 triệu m3 cát. Nếu tính thêm 2 dự án giao thông trọng điểm khác dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới là dự án Đường vành đai 4 - TP.HCM và Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp sẽ lên tới hơn 14 triệu m3.

* Nhà đầu tư không mặn mà

Đối với các dự án do trung ương triển khai, khi thực hiện đấu thầu, các đơn vị thi công dựa trên quy hoạch về các mỏ vật liệu san lấp tại địa phương có dự án đi qua để lựa chọn, đưa vào hồ sơ dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục để đưa các mỏ vật liệu san lấp từ quy hoạch đi vào khai thác là không hề dễ dàng. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư không mặn mà tham gia thực hiện các dự án để cung cấp nguồn vât liệu san lấp.

Tại dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, trong quá trình triển khai đã có 2 hồ sơ xin thăm dò vật liệu san lấp được các doanh nghiệp gửi các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay cả 2 dự án này đều chưa thể đi vào khai thác. Do đó, Đồng Nai đã phải cấp phép cho 4 dự án cải tạo đất nông nghiệp kém hiệu quả có thu hồi vật liệu san lấp để cung cấp nguồn đất san lấp cho dự án.

Theo UBND tỉnh, quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 thì đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Do vậy, việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp phải tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gặp nhiều khó khăn do bất cập giữa Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và Luật Đầu tư.

Đơn cử như tại dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM đang gặp một số vướng mắc liên quan đến các thủ tục trong cấp phép khai thác vật liệu san lấp cho dự án. Cụ thể, đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác thì trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh, thành phố nơi có mỏ khoáng sản. Thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan. Việc này không thể thực hiện do hầu hết các khu vực quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng đều thuộc sở hữu của người dân, nhà thầu thi công chỉ có thể thực hiện cơ chế trên khi đã sở hữu các khu đất nói trên.

Mặt khác, theo Khoản 1, Điều 51 Nghị định số 158/NĐ-CP (ngày 29-11-2016) của Chính phủ quy định thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với nhà đầu tư trong nước thì phải có quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, theo Khoản 4, Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 thì để được cấp quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất. Trong khi đó, theo Điểm đ, Khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không được thu hồi đất mà nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân. Chính vì những lý do nêu trên làm cho việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản mất nhiều thời gian. Do đó, nếu thực hiện đúng theo các quy định liên quan thì không thể có nguồn vật liệu san lấp để cung cấp kịp thời cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích