Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng tầm văn học nghệ thuật Đồng Nai

09:04, 06/04/2023

Năm 2023 tròn 15 năm Đồng Nai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới.

Năm 2023 tròn 15 năm Đồng Nai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới.

Các CLB đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh ra đời, hoạt động sôi nổi góp phần phát triển đời sống văn học nghệ thuật ở các địa phương. Ảnh: L.Na
Các CLB đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh ra đời, hoạt động sôi nổi góp phần phát triển đời sống văn học nghệ thuật ở các địa phương. Ảnh: L.Na

15 năm qua, hoạt động VHNT Đồng Nai có bước phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong đội ngũ văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đời sống xã hội và xu thế hội nhập hiện nay, VHNT tỉnh nhà vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

* Sáng tạo hàng ngàn tác phẩm

Trong 15 năm triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 78-CTr/TU ngày 29-5-2009 của Ban TVTU về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, VHNT Đồng Nai dù có lúc thăng trầm nhưng bao giờ cũng đồng hành cùng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. VHNT đã bám sát hiện thực sôi động, cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới. Nhiều tác giả đã tìm tòi, sáng tạo, hướng tới chân - thiện - mỹ và có những tác phẩm rất đáng ghi nhận về nghệ thuật cũng như tinh thần hội nhập quốc tế.

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho biết, trong 15 năm qua, văn nghệ sĩ Đồng Nai có thêm nhiều điều kiện thuận lợi về môi trường, không gian hoạt động từ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Đã có hàng chục ngàn công trình, tác phẩm VHNT được sáng tác, dàn dựng, xuất bản, giới thiệu, công bố, phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhân dân trong tỉnh và cả nước. Văn nghệ sĩ ở các ban chuyên ngành: Văn học, mỹ thuật, âm nhạc, múa, sân khấu điện ảnh, nhiếp ảnh và văn nghệ dân gian đã xuất sắc đoạt hàng trăm giải thưởng trong nước và quốc tế.

15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức (5 năm) và giải thưởng VHNT hàng năm.

Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn cho văn nghệ sĩ tỉnh nhà không ngừng nỗ lực, nâng tầm tác phẩm VHNT về đất và người Đồng Nai nói riêng, con người Việt Nam nói chung.

 

“VHNT Đồng Nai được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có chiều sâu. Một trong những mô hình được Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam đánh giá cao là Đồng Nai chú trọng phát triển lực lượng trẻ kế cận. Mỗi năm, Hội tổ chức 1 trại cho văn nghệ sĩ trẻ dưới 36 tuổi. Văn nghệ sĩ tỉnh nhà chủ động đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống bằng các tác phẩm VHNT. Việc quảng bá tác phẩm thông qua liên kết, giao lưu với các địa phương trong và ngoài tỉnh và qua các chương trình nghệ thuật đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia” - NSND Giang Mạnh Hà nói.

Đời sống VHNT ở các địa phương trong 15 năm qua hoạt động sôi nổi với nhiều hình thức sinh hoạt từ các CLB đờn ca tài tử, thơ, dân ca, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Hàng năm, hệ thống thư viện đã bổ sung tài liệu tác phẩm văn học dân tộc thiểu số; tài liệu nghiên cứu về lịch sử phát triển văn hóa, từ điển, tạp chí phục vụ bà con. Đặc biệt, để lưu truyền tiếng mẹ đẻ cho con cháu, nhiều già làng, người uy tín đã tự đứng ra mở các lớp dạy tiếng nói và chữ viết cho con em mình. Trong đó, có các cơ sở dạy Hoa văn hay các trường song ngữ Việt - Hoa; hoặc mở lớp dạy tiếng Chăm và chữ viết Chăm của ông Đô Hô Sên ở xã Bình Sơn (H.Long Thành)...

Văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật trưng bày tại Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai
Văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật trưng bày tại Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai

Nhằm thúc đẩy phát triển VHNT trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho hay: “Thành phố đã chỉ đạo 30 phường, xã nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Trong đó, nhân rộng và lan tỏa mô hình VHNT như CLB thơ, đội văn nghệ; tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại những không gian văn hóa công cộng. Đặc biệt, trong năm 2023, TP.Biên Hòa sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai và lắp đặt mô hình Ngôi nhà trí tuệ tại hệ thống thiết chế văn hóa của 30 phường, xã. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân có không gian đọc sách, vẽ tranh, giao lưu nghệ thuật tại chính địa phương”.

* Trăn trở và những kỳ vọng

Mặc dù hoạt động VHNT của Đồng Nai 15 năm qua phát triển sôi nổi, đạt nhiều kết quả, nhưng nếu nhìn nhận thẳng thắn, chỉ trong vòng 10-15 năm nữa, Đồng Nai sẽ thiếu vắng những cây bút, những nghệ sĩ có tên tuổi, bởi phần lớn những người trẻ hôm nay có tài năng nhưng thường hoạt động độc lập và chưa xác định con đường theo đuổi VHNT chuyên nghiệp.

Theo NSND Giang Mạnh Hà, một trong những khó khăn hiện nay không chỉ Đồng Nai mà ở nhiều tỉnh, thành phố đang gặp khó khăn là việc thiếu hụt lực lượng phê bình VHNT. Mặc dù hàng năm, Hội đã giới thiệu hội viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức của Hội đồng Lý luận VHNT do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức song công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động phê bình chưa có nhiều đánh giá, lý giải sắc sảo và phản ánh một cách kịp thời.

“Đứng trước bối cảnh này, Hội VHNT Đồng Nai đã và đang tăng cường hơn nữa công tác phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ tác giả, nghệ sĩ trẻ, cũng như duy trì và phát triển chuyên ngành lý luận phê bình để tham gia đánh giá tác phẩm VHNT của Đồng Nai. Qua đó, nghiên cứu các công trình phê bình mới, sáng tạo những tác phẩm chất lượng cao phục vụ một thế hệ công chúng mới của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung” - NSND Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm tiếp tục cụ thể quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về VHNT ở địa phương; các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút tài năng trẻ, bổ sung lực lượng văn nghệ sĩ kế cận.

Ly Na


NSND GIANG MẠNH HÀ, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai:

Ứng dụng công nghệ trong sáng tạo, quảng bá và lan tỏa tác phẩm

Đồng Nai đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực và VHNT cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Hội viên các ban chuyên ngành đã và đang ứng dụng công nghệ số, đổi mới hoạt động, trang bị cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho hoạt động biểu diễn, lưu trữ, quảng bá, lan tỏa tác phẩm cũng như kết nối văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Các chương trình nghệ thuật không đơn thuần là biểu diễn theo hình thức truyền thống mà đã có live stream trên nhiều nền tảng: Facebook, Zalo, YouTube. Khán giả chỉ cần dùng thiết bị thông minh như điện thoại hay máy tính bảng có kết nối internet là có thể thưởng thức tác phẩm VHNT ngay tại nhà.

Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Đồng Nai THÂN THẾ THỜI:

Sáng tạo tác phẩm đi sâu vào đời sống người lao động

Các nghệ sĩ trẻ, nhất là nghệ sĩ trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi bản lĩnh và phát huy tài năng sáng tạo, đi sâu vào đời sống của người lao động (nông dân, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số…). Từ đó, tạo nên những tác phẩm mang hồn cốt, bản sắc vùng đất Biên Hòa Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển, có cá tính độc đáo, hấp dẫn, nhân văn, hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ.               

My Ny (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích