Tại hội thảo phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức cuối tuần qua, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ sự lo lắng trước những khó khăn của doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) trong những tháng cuối năm 2022.
Tại hội thảo phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức cuối tuần qua, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ sự lo lắng trước những khó khăn của doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) trong những tháng cuối năm 2022. Dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 DN tiếp tục giảm giờ làm của hơn 271 ngàn lao động. Nhiều DN khác cũng đã lên kế hoạch cắt giảm giờ làm, thậm chí là cho NLĐ nghỉ việc không lương nếu không tìm kiếm được đơn hàng mới.
Những khó khăn của DN và thị trường lao động đang khiến đời sống của NLĐ gặp vô vàn thách thức, nhất là ở thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề. Tình trạng mất việc làm tăng cao khiến số công nhân lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp gia tăng. Trong tháng 10-2022, số công nhân lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam bộ như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Và theo dự báo, nhiều khả năng tình trạng này còn “lan” sang cả năm 2023, nhất là với những ngành nghề có đông lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ…
Đứng trước tình hình trên, các ngành, đơn vị có liên quan đang tìm giải pháp nhằm hỗ trợ DN và NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất vẫn là từ sự chủ động của các DN trong việc tìm kiếm đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu để đảm bảo việc làm cho NLĐ. Hơn lúc nào hết, DN đang rất cần sự trợ lực từ các ngành, đơn vị có liên quan bằng chính sách, cơ chế, nguồn lực… để duy trì hoạt động. Những gói hỗ trợ phù hợp đến trong thời điểm này sẽ giúp DN duy trì sản xuất, giữ chân được NLĐ, vượt qua khủng hoảng, sớm ổn định được tình hình. Bên cạnh đó, tinh thần hỗ trợ, chia sẻ của NLĐ lúc này đối với DN là vô cùng ý nghĩa, giúp DN có thêm động lực để vượt qua khó khăn.
Trong Công điện số 1170/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống NLĐ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương và kêu gọi người dân, DN, NLĐ chung sức, đồng tâm, hiệp lực tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt, vượt qua thách thức, bảo đảm việc làm, thu nhập và tập trung chăm lo đời sống NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm chỉ đạo chính quyền các cấp, cơ quan chức năng theo dõi sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi trả tiền lương, thưởng cho NLĐ, nhất là đối tượng mất việc, thiếu việc sớm ổn định cuộc sống. Các DN tích cực, chủ động duy trì sự ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; nỗ lực duy trì, bảo đảm việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết các chế độ lương, thưởng cho NLĐ…
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà cả DN và NLĐ đang cần thêm trợ lực để tiếp tục duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm và đời sống.
Minh Ngọc