Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp trong nước bứt phá giữa khó khăn

02:12, 16/12/2022

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế cả nước, nhưng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước tại Đồng Nai vẫn có những bứt phá để phát triển. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 42% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế cả nước, nhưng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước tại Đồng Nai vẫn có những bứt phá để phát triển. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 42% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) chuẩn bị sản phẩm thạch dừa xuất khẩu. Ảnh: H.Giang
Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) chuẩn bị sản phẩm thạch dừa xuất khẩu. Ảnh: H.Giang

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 11 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của DN có vốn đầu tư trong nước đạt hơn 5,3 tỷ USD, tăng gần 142%, trong khi DN FDI tăng hơn 10%. Do đó, DN có vốn đầu tư trong nước chiếm 23,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Tăng trưởng cao vào đầu năm

Dù quý IV-2022, các DN trên nhiều lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu nhưng tính chung cả năm thì khối DN trong nước vẫn có mức tăng trưởng ngoạn mục, cao nhất từ trước đến nay. Đơn cử như: năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của DN trong nước chỉ đạt 2,3 tỷ USD, đến năm 2020, tăng lên 3,6 tỷ USD và năm 2022 dự kiến sẽ đạt hơn 5,5 tỷ USD.

Phó cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Lê Thị Hoa Hồng lý giải về việc các DN trong nước có những bước tăng trưởng vượt bậc trong năm nay như sau: “Cuối năm 2021, sau thời gian giãn cách xã hội, các DN trong nước nhận được rất nhiều đơn hàng cho dịp cuối năm và đầu năm 2022. Vì thế, nhiều DN đã tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng và tập trung xuất khẩu vào đầu năm 2022. Các DN trong nước sản xuất trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những ngành hàng ít chịu tác động của suy giảm kinh tế nên xuất khẩu vẫn ổn định và tăng trưởng khá cao”.

Thực tế, DN bắt đầu gặp nhiều khó khăn từ tháng 10-2022 và ngành bị ảnh hưởng lớn là dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ. Các nhóm hàng khác tuy có giảm đơn hàng nhưng DN vẫn duy trì sản xuất và xuất khẩu. Đặc biệt, lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm lại khá thuận lợi và đơn hàng nhiều, vì hậu dịch bệnh Covid-19, lạm phát, người tiêu dùng ưu tiên mua những sản phẩm thiết yếu và tốt cho sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Năm nay, xuất khẩu mặt hàng nông sản chế biến từ nha đam, thạch dừa… của GC tăng 30% so với năm trước. Thị trường xuất khẩu mở rộng ra hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, công ty vẫn tiếp tục tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng của đối tác”.

Cũng theo bà Tâm, trong gần 3 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, sản xuất và xuất khẩu của GC vẫn giữ mức tăng trưởng khá cao. Sản phẩm của công ty thuộc nhóm hàng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích nên thị phần ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều tăng khá tốt. Vì thế, GC lên kế hoạch năm 2023 tiếp tục giữ mức tăng trưởng 30% cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo các DN thì năm nay, ngành thực phẩm lại “ăn nên làm ra”, đơn hàng khá dồi dào. Một số ngành khác như: sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm từ chất dẻo… có những DN trong nước sản xuất và xuất khẩu trong 3 quý đầu của năm 2022 đã vượt kế hoạch năm. Do đó, trong quý IV, dù đơn hàng có bị thu hẹp nhưng tính chung kết quả cả năm vẫn đạt mức tăng trưởng cao.

Đơn cử như ngành giày dép, 3 tháng cuối năm đơn hàng giảm từ 30-50%, nhiều DN trong nước, nước ngoài phải cho người lao động nghỉ không lương 1-3 ngày/tuần. Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng trong năm 2022 vẫn đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm trước.

DN chủ động ứng phó

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn do suy giảm, lạm phát, các DN Đồng Nai đã chủ động ứng phó, tìm ra các giải pháp để duy trì sản xuất, kinh doanh và phát triển. Vì thế, từ đầu năm đến nay, lượng DN có vốn đầu tư trong nước phải giải thể và dừng hoạt động lên đến hơn 1,5 ngàn, nhưng cũng có 3,8 ngàn DN thành lập mới. Cơ hội và thách thức đan xen, các DN phải tự cơ cấu lại để vượt qua “sóng gió”.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho biết: “Từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 đến nay, DN vừa và nhỏ gặp rất nhiều trở ngại do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá nguyên liệu, cước vận tải tăng cao, đơn hàng giảm… Tuy nhiên, các DN đã chủ động, linh hoạt tìm nhiều nguồn cung nguyên liệu để đảm bảo sản xuất và tìm thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng hậu Covid-19. Do đó, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng nhiều DN vẫn trụ được và tiếp tục phát triển, đóng góp cho ngân sách nhà nước”.

Theo ông Long, trong những tháng cuối năm nay, DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước gặp rất nhiều “rào cản” do thiếu vốn, ít đơn hàng. Tuy Chính phủ có chính sách nới room tín dụng để hỗ trợ các DN duy trì, phục hồi sản xuất nhưng DN nhỏ vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn. Nếu như Chính phủ ưu tiên dòng vốn cho những DN có đơn hàng sản xuất, xuất khẩu với lãi suất thấp thì xuất khẩu của khối DN có vốn đầu tư trong nước trong thời gian tới sẽ bớt khó khăn và tiếp tục tăng trưởng khá.

Các DN trong nước cũng mong muốn tỉnh sẽ tổ chức các đợt xúc tiến thương mại tại chỗ, ra nước ngoài theo từng ngành hàng để kết nối và cung ứng sản phẩm cho DN FDI. Hiện các DN FDI tại Việt Nam cũng đang tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước để giảm chi phí vận tải, chủ động nguyên liệu cho sản xuất. DN có sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của DN FDI đảm bảo chất lượng, số lượng, giá cạnh tranh sẽ dễ dàng tìm được đối tác mua hàng.

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty luôn ưu tiên tìm nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, chỉ những nguyên liệu thị trường nội địa không đáp ứng được mới nhập khẩu. Hiện công ty liên kết với hàng trăm DN trong nước để cung ứng sản phẩm đầu vào cho các nhà máy của C.P. Việt Nam”.

Dự báo đầu năm 2023, tình hình kinh tế sẽ còn khó khăn hơn thời điểm hiện nay, DN đang tìm cách đương đầu để vượt qua giai đoạn này.                                    

Hương Giang


Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG:

Xúc tiến thương mại để giúp DN mở rộng thị trường

Trong năm 2022 và năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều đợt xúc tiến thương mại để giúp các DN kết nối, mở rộng được thị trường tiêu thụ hàng hóa ở trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức một số hội nghị với DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ để qua đó các DN trong nước có thể trao đổi kinh nghiệm, liên kết trong sản xuất và cung ứng sản phẩm cho nhau.

Hiện nay, nhiều DN Đồng Nai đã trở thành nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN FDI trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành khác trên cả nước. Ngoài ra, tỉnh liên kết với lãnh sự quán các nước tại TP.HCM, tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để có thêm thông tin hỗ trợ DN trong định hướng kế hoạch sản xuất và tìm thêm thị trường mới.

Phó tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM KWON SUN CHIL:

Tiếp tục mở rộng giao thương với Đồng Nai

Hiện nay, Hàn Quốc đã đầu tư vào Đồng Nai với gần 430 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 7,2 tỷ USD. Các DN Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh đều muốn tìm nguyên liệu trong nước để giảm bớt nhập khẩu. Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc trên lĩnh vực công nghiệp và các ngành khác, việc này sẽ mở ra cơ hội cho cả 2 bên trong hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Về phía Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM sẽ luôn là cầu nối hỗ trợ các DN Đồng Nai các thông tin về thị trường Hàn Quốc cũng như nhu cầu hợp tác cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam.

Khánh Minh (ghi)


 

Tin xem nhiều