Đồng Nai là một trong 3 địa phương trên cả nước được chọn làm điểm mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái. Trong đó, doanh nghiệp (DN) cộng sinh phát triển công nghiệp rất được chú trọng vì giúp giảm chi phí đầu vào, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, giữ sản xuất ổn định.
Đồng Nai là một trong 3 địa phương trên cả nước được chọn làm điểm mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái. Trong đó, doanh nghiệp (DN) cộng sinh phát triển công nghiệp rất được chú trọng vì giúp giảm chi phí đầu vào, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, giữ sản xuất ổn định.
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham quan Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam trong Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) thực hiện tốt cộng sinh công nghiệp. Ảnh: H.GIANG |
Theo Bộ KH-ĐT, trong giai đoạn 2020-2023, Đồng Nai, TP.HCM và TP.Hải Phòng là 3 địa phương được chọn làm điểm mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế. Sau khi 3 KCN: Amata (TP.Biên Hòa), Hiệp Phước (TP.HCM) và Deep C (TP.Hải Phòng) thực hiện thành công sẽ là tiền đề để nhân rộng trên cả nước.
Cùng được hưởng lợi
Hiện nay, cả nước có 403 KCN đang hoạt động, riêng Đồng Nai có 31 KCN đang hoạt động với gần 2 ngàn dự án của các DN trong nước và nước ngoài. Mỗi KCN đều có nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, trong đó có nhiều sản phẩm đầu ra của DN này là đầu vào của DN kia và năng lượng sử dụng tương đồng nhau. Vì thế, các DN cộng sinh trong phát triển công nghiệp sẽ cùng được hưởng lợi: giảm chi phí đầu vào, hạn chế tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, chủ động sản xuất và giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.
Giai đoạn 2015-2019, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với UNIDO, SECO và các nhà tài trợ khác triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái tại Đà Nẵng, Cần Thơ và Ninh Bình. Có 72 DN thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và giảm được hàng chục tấn khí CO2/năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. |
Ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Sản xuất sạch hơn (CPART) Việt Nam cho hay: “Có 5 hình thức cộng sinh các KCN có thể triển khai là: sử dụng chung hạ tầng và tiện ích; sắp đặt cùng vị trí theo chuỗi cung ứng; kết nối DN để trao đổi phụ phẩm, chất thải để tạo thành sản phẩm có giá trị; cộng sinh dịch vụ là cùng đào tạo nhân viên hoặc cùng sử dụng một nhà thầu bảo dưỡng; các DN liên kết thu gom, xử lý và tái sử dụng nguyên vật liệu, rác thải, năng lượng và nước”.
Các công ty hạ tầng KCN có thể thành lập website chia sẻ thông tin cho DN về cơ hội tiếp cận vốn đầu tư, nguồn cung cấp nhân lực lao động, nguyên vật liệu, nhà cung cấp thiết bị, vận chuyển hàng hóa, khách hàng. Những công ty nằm gần nhau có thể dùng chung bể chứa nước cứu hỏa, lò hơi, nguồn điện mặt trời, kho tàng, nhân viên bảo trì cao cấp sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư. DN giảm được thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa, giá thành sản phẩm sẽ hạ, tăng được khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Bà Nguyễn Trâm Anh, chuyên gia kỹ thuật quốc gia Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO), Ban Quản lý dự án KCN sinh thái Việt Nam cho biết: “DN cộng sinh trong phát triển công nghiệp là một trong những bước để xây dựng KCN sinh thái, đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành các KCN sinh thái còn là xu hướng chung các nước trên thế giới đang hướng đến nhằm thúc đẩy hình thành một nền công nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường”.
Cũng theo bà Trâm Anh, KCN Amata đang triển khai mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế, bước đầu đã đem lại hiệu quả cho các DN và đã xác định được cơ hội cộng sinh công nghiệp. Do đó, công ty hạ tầng KCN Amata nên vận động các DN trong khu cùng tham gia để ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường.
Sẽ nhân rộng ra các KCN khác
Dự kiến của Đồng Nai, sau khi KCN Amata xây dựng KCN sinh thái thành công sẽ nhân rộng mô hình ra những KCN khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài các KCN đang hoạt động, tỉnh còn 8 KCN đang trong quá trình hoàn thành thủ tục hồ sơ để thành lập và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Với những KCN đang hoạt động, việc áp dụng mô hình KCN sinh thái sẽ có những thuận lợi, khó khăn nhưng cộng sinh công nghiệp có thể triển khai rộng rãi.
Công ty TNHH quốc tế Fleming Việt Nam trong Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) thực hiện tốt cộng sinh công nghiệp. Ảnh: H.GIANG |
Đơn cử, một số KCN của Đồng Nai trước đây trong thu hút đầu tư đã đề ra những nhóm ngành cụ thể để DN vào thuê đất làm nhà xưởng. Vì thế, hình thành nhiều DN có cùng lĩnh vực, việc cộng sinh sẽ thuận lợi hơn. Trong đó, có nhiều DN có thể kết nối để trở thành đối tác cung ứng sản phẩm cho nhau hoặc sử dụng chung hạ tầng, tiện ích, dịch vụ.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, mô hình KCN sinh thái đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Mô hình này đang được UNIDO, Thụy Sĩ đồng hành với Chính phủ Việt Nam để triển khai. Trong đó, Việt Nam được hỗ trợ về thông tin, tài chính, công nghệ. Việt Nam đang cần thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật từ các bộ, ngành, chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt là cộng sinh công nghiệp. Bên cạnh đó, để khuyến khích phát triển KCN sinh thái, Chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN, DN chuyển đổi.
Ông Surakij Kiatthanakorn, Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa (DN đầu tư hạ tầng KCN Amata) cho biết: “Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã có hơn 30 năm đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN. Hiện các nước trong khu vực Đông Nam Á hầu hết đều có các KCN của tập đoàn. Khi đến Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư KCN Amata (TP.Biên Hòa) đầu tiên, sau đó mới mở rộng ra các nơi khác. Mục tiêu phát triển của tập đoàn là sẽ xây dựng các KCN sinh thái, KCN thông minh. KCN Amata sẽ được xây dựng thành KCN sinh thái và công ty sẽ chú trọng việc hỗ trợ DN trong khu thực hiện cộng sinh DN, sử dụng năng lượng xanh và tái sử dụng nước thải”. Tới đây, KCN Công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành) cũng được Tập đoàn Amata xây dựng thành KCN sinh thái.
Các chuyên gia của UNIDO, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) cho rằng, đa số các nhãn hàng quốc tế đều có các cam kết phát triển bền vững nên DN tham gia cộng sinh công nghiệp chính là con đường tiến đến gần sản xuất xanh, bền vững. Như vậy, DN dễ dàng đáp ứng được yêu cầu của các nhãn hàng và nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn.
Hương Giang
Ông LÊ VĂN DANH, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai:
Sẽ đầu tư các KCN sinh thái
Mục tiêu của Đồng Nai là sẽ xây dựng nền công nghiệp xanh nên mô hình KCN sinh thái rất phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh. Sau KCN Amata, tỉnh sẽ nhân rộng ra các KCN khác trên địa bàn nhằm giúp các DN kết nối, hợp tác với nhau để mở rộng sản xuất, tiêu thụ, tiết kiệm chi phí đầu vào, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.
Với 8 KCN mới, tỉnh sẽ quy hoạch và phát triển theo mô hình KCN sinh thái để tối ưu hóa tất cả các khía cạnh về kinh tế, môi trường và xã hội. Cụ thể, thu hút các công ty vào KCN có định hướng cộng sinh, tối ưu hóa phân vùng, nhóm ngành, cơ sở hạ tầng, tiện ích hiện tại và tương lai…
Bà SIBYLLE BACHMANN, Phó trưởng đại diện Văn phòng Hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam:
Cần sớm có chính sách cụ thể, rõ ràng
Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp, chính sách trong phát triển kinh tế xanh, bền vững và công nghiệp cũng như các ngành khác đều có chiến lược riêng về phát triển xanh. Tuy nhiên, Chính phủ cần có chính sách cụ thể, rõ ràng cho ngành công nghiệp về công nghệ, đầu tư xanh của khu vực tư nhân, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về mặt pháp lý với quản lý nước thải, năng lượng mặt trời, tái chế chất thải... Nếu các vướng mắc trên được tháo gỡ nhanh, tôi nghĩ phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.
Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành tại Việt Nam được chọn làm điểm trong xây dựng KCN sinh thái, việc này sẽ giúp cho tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài nhanh và thuận lợi hơn.
Khánh Minh (ghi)