Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp FDI tiên phong với kinh tế tuần hoàn

03:12, 21/12/2022

Mấy năm gần đây, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh thường xuyên được nhắc đến và trở thành mục tiêu phát triển của doanh nghiệp (DN). Trong cuộc đua tham gia vào kinh tế tuần hoàn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai luôn đi trước.

Mấy năm gần đây, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh thường xuyên được nhắc đến và trở thành mục tiêu phát triển của doanh nghiệp (DN). Trong cuộc đua tham gia vào kinh tế tuần hoàn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai luôn đi trước.

Công ty TNHH Koikeya Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành) với quy trình sản xuất hiện đại có thể tham gia vào kinh tế tuần hoàn
Công ty TNHH Koikeya Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành) với quy trình sản xuất hiện đại có thể tham gia vào kinh tế tuần hoàn. Ảnh: H.GIANG

Theo Sở KH-ĐT, tính đến giữa tháng 12-2022, các DN FDI đã đầu tư vào tỉnh hơn 1,5 ngàn dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 33 tỷ USD. Hiện đã có 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh và số vốn giải ngân đạt khoảng 77%.

Có lộ trình thực hiện

Đồng Nai là một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu của Việt Nam do sớm đón được dòng vốn ngoại đổ vào đầu tư từ đầu năm 1990. Trong giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 75% thuộc về DN FDI, dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

Các dự án FDI tỉnh thu hút trong 5 năm trở lại đây đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Các DN FDI đầu tư vào tỉnh cũng rất chú trọng thay đổi máy móc công nghệ để giảm lao động, tăng công suất, chất lượng và đáp ứng yêu cầu của nhãn hàng quốc tế là sản phẩm phải thân thiện với môi trường. Đồng thời, DN từng bước tham gia vào kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Giám đốc Công ty TNHH UPM Việt Nam (100% vốn Phần Lan, ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Đoan Thanh cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các loại nhãn tự dính, giấy in nhãn cho ngành công nghiệp. Dây chuyền sản xuất của công ty ứng dụng công nghệ tiên tiến theo quy trình khép kín, thân thiện với môi trường, không xả thải gây ô nhiễm. Nhiều năm nay, UPM tham gia thu gom rác thải đại dương để tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. UPM có cam kết với các nhãn hàng lộ trình giảm khí thải CO₂ và xử lý nước thải để tái sử dụng”.

Cũng theo bà Thanh, những nỗ lực của DN trong tham gia vào kinh tế tuần hoàn giúp nhận được nhiều đơn đặt hàng từ đối tác trong nước và nước ngoài. UPM có kế hoạch sẽ tăng công suất gấp hơn 2 lần vào cuối năm 2022, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng tại thị trường nội địa và các nước châu Âu, ASEAN.

Tại Đồng Nai, nhiều DN FDI đi đầu trong tham gia vào kinh tế tuần hoàn và bước đầu đã gặt hái được một số thành quả. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách trở thành rào cản trong thực hiện. Những tập đoàn đi tiên phong trong kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững như: Ajinomoto, Paramount Bed, Kameko, Schaeffler,  Bosch, Nok, Fleming…

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, cho hay: “Các nhà máy của châu Âu tại Việt Nam đa số có công nghệ tiên tiến và sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Một số nhà máy của DN châu Âu tại Đồng Nai có phát thải bằng 0 hoặc đang theo lộ trình giảm dần phát thải và sử dụng nguyên liệu tái chế”.

Tương tự, các Hiệp hội DN Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… tại Việt Nam cũng khẳng định, những dự án đầu tư mới vào Việt Nam, trong đó có Đồng Nai, đều thân thiện với môi trường. Vì họ có cam kết với các hiệp hội, nhãn hàng quốc tế và đặt ra lộ trình tham gia vào kinh tế tuần hoàn để xây dựng nền công nghiệp xanh, ít tác động đến môi trường, góp phần chống biến đổi khí hậu.

Chậm chân, sẽ mất cơ hội

Xu hướng chung của công nghiệp trên thế giới là phát triển bền vững. Trong đó, mô hình kinh tế tuần hoàn được từng ngành hàng chú ý và lên kế hoạch đầu tư máy móc công nghệ cho các nhà máy sản xuất để thực hiện. Nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp các nhà máy chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguyên liệu đầu vào của ngành khác, góp phần gia tăng giá trị cho DN, giảm khai thác tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các DN FDI đi đầu trong tham gia kinh tế tuần hoàn cũng yêu cầu những DN liên kết cung ứng sản phẩm phải có lộ trình tham gia.

Sản xuất giường cho ngành y tế để xuất khẩu tại Công ty TNHH Paramount Bed Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành)
Sản xuất giường cho ngành y tế để xuất khẩu tại Công ty TNHH Paramount Bed Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành)

Bà Hà Thu Thanh, Phó chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Deloitte Việt Nam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát, các DN phải quản trị gắn với phát triển bền vững. Muốn phát triển bền vững, DN phải ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, giảm phát thải, liên kết cộng sinh để cung ứng đầu vào cho nhau, tái sử dụng các chất thải để tham gia vào kinh tế tuần hoàn, hình thành các nhà máy xanh sẽ tăng khả năng cạnh tranh”.

Hiện nay, các nhãn hàng quốc tế về giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác đều đưa ra các khuyến cáo yêu cầu các nhà máy gia công, liên kết với mình phải có quy trình tham gia vào kinh tế tuần hoàn. Các DN tiên phong trong kinh tế tuần hoàn thường được ưu tiên đơn hàng nhiều hơn. Đơn cử với ngành dệt may, những nhà máy sản xuất sợi, vải từ quần áo cũ bỏ đi hoặc cây trồng ít ảnh hưởng đến môi trường như: tầm gai, chuối sẽ được đón nhận nhiều hơn.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Trần Quang chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các loại nến thơm xuất khẩu sang nhiều thị trường. Trong gần 3 năm dịch bệnh Covid-19, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, người tiêu dùng các nước thắt chặt chi tiêu nhưng Fleming vẫn giữ được sản xuất ổn định và tăng trưởng cao. Lý do giúp công ty giữ chân được khách hàng truyền thống và tìm thêm được nhiều khách hàng mới là do nhà máy sản xuất đi đầu trong xanh hóa”.

Trên thế giới, những nước có công nghiệp phát triển đều đang tiến hành xây dựng những khu công nghiệp sinh thái để gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, làm chậm diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tại Đồng Nai, kinh tế tuần hoàn tuy còn mới mẻ nhưng thực tế các DN đã tham gia vào quy trình này bằng việc thay đổi máy móc hiện đại, giảm khí thải, tái chế chất thải làm đầu vào cho một số DN. Các DN FDI trên địa bàn tỉnh tham gia vào kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững thường nhanh hơn DN có vốn đầu tư trong nước. Bởi DN FDI có sẵn nguồn vốn để đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận những quy trình sản xuất mới để ứng dụng.

Hương Giang


Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG:        

Hướng đến phát triển công nghiệp bền vững

Đồng Nai là khu vực có công nghiệp phát triển hàng đầu của Việt Nam và công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 60% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do đó, từ nhiều năm trước, tỉnh đã tiến hành thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp tuần hoàn, từng bước chuyển sang sản xuất xanh để phát triển bền vững.

Đồng Nai hiện là một trong 3 tỉnh, thành trên cả nước được chọn làm điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí của quốc tế. Sau khi xây dựng thành công Khu công nghiệp Amata thành khu công nghiệp sinh thái, Đồng Nai sẽ nhân rộng ra những khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

Chuyên gia tư vấn của Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ ANKIT KAPASI:

Kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ cộng sinh công nghiệp

Các nước có công nghiệp phát triển trên thế giới đều có lộ trình tham gia vào kinh tế tuần hoàn để tiến đến sản xuất xanh, góp phần bảo vệ hành tinh. Trong sản xuất công nghiệp, DN cộng sinh sẽ giúp cho quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn nhanh và hiệu quả hơn. Đồng Nai đã bắt đầu triển khai từ Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa).

Cụ thể, các khu công nghiệp tập hợp các công ty từ những lĩnh vực khác nhau với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xuyên ngành thông qua hoạt động kinh doanh thương mại để tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên, giảm phát thải. Đồng thời, hợp lực giữa các DN hình thành chuỗi cung ứng khả thi về kinh tế, môi trường và xã hội. Đơn cử có thể tận dụng chất thải của DN này làm đầu vào của DN kia, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật, nguồn năng lượng tái tạo, lao động… Như vậy, sẽ giúp giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động hơn trong sản xuất.

Khánh Minh (ghi)


 

Tin xem nhiều