Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp

08:12, 20/12/2022

Dịp cuối năm, thị trường lao động có nhiều biến động, thực trạng doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm lao động vẫn đang "nóng". Dự báo, từ nay tới đầu năm 2023 sẽ có thêm nhiều lao động gặp khó khăn về việc làm và thu nhập.

Dịp cuối năm, thị trường lao động có nhiều biến động, thực trạng doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm lao động vẫn đang “nóng”. Dự báo, từ nay tới đầu năm 2023 sẽ có thêm nhiều lao động gặp khó khăn về việc làm và thu nhập.

Nhiều công nhân lao động bị ảnh hưởng đến việc làm đang mong có thêm các gói hỗ trợ để vượt qua khó khăn Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Topband Việt Nam (H.Long Thành) trong giờ làm việc
Nhiều công nhân lao động bị ảnh hưởng đến việc làm đang mong có thêm các gói hỗ trợ để vượt qua khó khăn Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Topband Việt Nam (H.Long Thành) trong giờ làm việc. Ảnh: N.Hòa

Trước thực trạng DN gặp khó khăn phải cắt giảm lao động, các cấp Công đoàn đang kiến nghị Chính phủ kịp thời có những gói hỗ trợ giúp DN tiếp tục cầm cự sản xuất và giữ chân người lao động (NLĐ).

* Nhiều DN phải cắt giảm lao động

Đầu năm 2022, Công ty TNHH Phospin (H.Nhơn Trạch) có trên 1 ngàn lao động. Những tháng cuối năm, do đơn hàng giảm nên DN phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm hơn 300 lao động. Để những lao động này vượt qua khó khăn trước mắt, Công đoàn công ty đã thương lượng với DN thưởng Tết 1 tháng lương cơ bản và tặng mỗi người 1 phần quà trị giá 500 ngàn đồng. Trước đó, Công đoàn cơ sở đã tổ chức hỗ trợ gạo, thực phẩm cho những lao động bị mất việc cuối năm.

Là một trong những công nhân nằm trong danh sách tạm ngừng việc không lương, anh Trần Văn Hậu (làm việc tại Khu công nghiệp Long Thành, H.Long Thành) cho hay, gần 3 tháng nay, anh phải làm bảo vệ tại các quán ăn để kiếm thu nhập lo cho gia đình và trả tiền ở trọ. Dãy phòng trọ của anh ở, nhiều lao động do không cầm cự được tiền thuê trọ và các chi phí khác đã trả phòng trọ về quê. Anh Hậu cố bám trụ để mong DN có đơn hàng để trở lại làm việc.

Tại hội nghị trực tuyến đề xuất các kiến nghị với Chính phủ về giải pháp hỗ trợ NLĐ bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, các địa phương kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH cho phép các DN chậm trích nộp quỹ phòng chống thiên tai; tiếp cận thuận lợi hơn với hỗ trợ 2% lãi suất từ gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng của Chính phủ để mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại tìm các thị trường xuất khẩu mới.

“Những năm trước, thời điểm cận Tết, chúng tôi tăng ca liên tục và thu nhập cũng vì thế tăng lên. Nhờ đó, NLĐ có tiền về quê và trang trải Tết. Năm nay, tôi và nhiều lao động xa quê đều lâm vào cảnh thiếu việc. Những người sống một mình có thể cầm cự được, còn nếu ở trọ, gia đình đông người thì không biết xoay xở ra sao. Nhất là những công nhân phải nuôi con ăn học, nếu về quê buộc phải chuyển trường cho con và kéo theo nhiều khó khăn khác” - anh Hậu buồn rầu kể.

Trong đợt kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các DN mới đây, các DN đều cho biết tình trạng thiếu đơn hàng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Dự báo đầu năm 2023, đơn hàng vẫn ít và DN sẽ phải giảm thêm lao động hoặc cho lao động nghỉ việc không lương. Trước đó, từ tháng 10-2022, các DN đã phải sắp xếp lại lao động, tổ chức các phương án sản xuất và công nhân chỉ làm việc từ 4-5 ngày/tuần để có thu nhập.

Thực tế những tháng qua, các DN phải cầm cự sản xuất để giữ chân lao động. Tuy nhiên, nếu tình trạng trên vẫn kéo dài thì việc làm, thu nhập của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Khi bị ảnh hưởng đến việc làm, nhiều lao động đã chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần gây ra nhiều hệ lụy, khiến thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó không được bảo lưu. Đồng thời, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

* Cần những gói hỗ trợ kịp thời

Theo Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, trong quý III và IV-2022, rất nhiều DN, nhất là DN lĩnh vực dệt may, giày da, chế biến gỗ ở khu vực phía Nam bị cắt giảm đơn hàng. Theo đó, có khoảng 1.500 DN bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng với số công nhân lao động bị ảnh hưởng là 500 ngàn người và 42 ngàn NLĐ bị mất việc làm. Dự báo trong tháng 12-2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 DN tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của hơn 271 ngàn lao động và 88 DN có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15 ngàn lao động.

Tại Đồng Nai, theo Sở LĐ-TBXH, qua khảo sát nhanh tại 284 DN trên địa bàn tỉnh, có 227 DN bị giảm đơn hàng, doanh thu, giảm quy mô sản xuất. Nhiều DN thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất. Theo đó, đã cắt giảm hơn 22 ngàn lao động. Đồng thời, thỏa thuận bố trí ngày nghỉ hằng năm cho hơn 150 NLĐ; giảm giờ làm khoảng 48 ngàn lao động, trả lương ngừng việc gần 9 ngàn NLĐ và thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng với 1 ngàn lao động. Sở đã phối hợp các sở, ngành hướng dẫn các DN phải cắt giảm lao động xây dựng phương án sản xuất, đảm bảo quyền lợi và duy trì việc làm cho NLĐ.

Công đoàn Công ty TNHH Phospin (H.Nhơn Trạch) tặng quà Tết 2023 hỗ trợ công nhân lao động. Ảnh: T.My
Công đoàn Công ty TNHH Phospin (H.Nhơn Trạch) tặng quà Tết 2023 hỗ trợ công nhân lao động. Ảnh: T.My

Thời gian qua, nhiều Công đoàn cơ sở đã nỗ lực thương lượng với DN tìm các phương án sản xuất, giúp NLĐ vẫn có việc làm dịp cuối năm. Các cán bộ Công đoàn cho hay, từ tháng 9-2022, các DN đã bị ảnh hưởng, nhưng đến thời điểm cuối năm này mới “thấm” nặng nề nhất. Các DN hầu như không tổ chức tăng ca đã tác động rất lớn đến thu nhập của công nhân. Trong khi đó, hiện DN phải “tung hết lực” giữ công nhân để khi đơn hàng trở lại không phải đôn đáo đi tuyển dụng. Bên cạnh đó, nỗ lực để đảm bảo chi trả lương, thưởng Tết cho NLĐ.

Trước thực trạng khó khăn của DN và NLĐ, ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, lao động và xã hội, Bộ LĐ-TBXH cho rằng, cần sớm có giải pháp căn cơ để giúp DN phục hồi, có thêm đơn hàng và mở rộng được thị trường. Ngoài ra, cần có những gói hỗ trợ NLĐ và DN để giúp DN tiếp tục cầm cự, giữ chân NLĐ, hỗ trợ các nguồn tín dụng để trả lương cho công nhân. Đối với những lao động mất việc làm, cần có chính sách hỗ trợ để họ có nguồn thu nhập tối thiểu. Ông Vinh cho rằng, có thể huy động từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động.

Mới đây, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao Sở LĐ-TBXH chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng dự thảo hồ sơ Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn. Trước đó, Sở LĐ-TBXH đã trình UBND tỉnh đề xuất 2 nhóm đối tượng được thụ hưởng.

Đối tượng thứ nhất là NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và NLĐ đang làm việc tại các DN, HTX trên địa bàn tỉnh, tham gia bảo hiểm xã hội nhưng bị chấm dứt hợp đồng lao động. Thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1-7 đến 30-6-2023. Mức hỗ trợ một lần với số tiền 1,5 triệu đồng/người. Dự kiến có khoảng 30 ngàn lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí 45 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng thứ 2 là NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (NLĐ đang làm việc tại những DN, HTX trên địa bàn Đồng Nai, có tham gia bảo hiểm xã hội và phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên). Mức hỗ trợ một lần với số tiền 1,5 triệu đồng/người. Dự kiến có khoảng 20 ngàn lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí 30 tỷ đồng.


Ông PHAN VĂN ANH, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Tập trung nguồn lực hỗ trợ công nhân dịp Tết 2023

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa trao đổi với Bộ LĐ-TBXH, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam để thống nhất đánh giá lại tình hình, từ đó kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và NLĐ. Riêng tổ chức Công đoàn, trong kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ sắp tới, dự kiến có trên 1 triệu đoàn viên, NLĐ được hỗ trợ với mỗi suất quà trị giá 500 ngàn đồng. Ngoài chăm lo Tết, Tổng Liên đoàn dự kiến sẽ có thêm một gói hỗ trợ công nhân, NLĐ trong dịp Tết và sau Tết nhằm tập trung hết nguồn lực chăm lo cho công nhân.

Công nhân NGUYỄN HỮU YÊN (quê tỉnh Thanh Hóa): Mong sớm có việc làm và các chính sách hỗ trợ dịp Tết

Suốt nhiều ngày qua, tôi luôn trong tâm trạng lo lắng vì bị mất việc làm và DN nợ lương chưa trả. Trước đây, khi việc làm bình thường, tính cả tăng ca, tôi có thu nhập 9 triệu đồng/tháng để lo cho gia đình và nuôi con ăn học. Nay không có việc làm và thu nhập, tôi không biết xoay xở ra sao, trong khi vợ tôi làm công nhân thời vụ với thu nhập thấp. Tôi mong nhanh chóng có việc làm và địa phương có các gói hỗ trợ công nhân bị mất việc làm dịp cuối năm để kịp thời chia sẻ khó khăn với NLĐ. 

T.M (ghi)


Thảo My

Tin xem nhiều