Ngay tháng đầu năm học 2022-2023, cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải (KDVT) cũng như pháp luật về an toàn giao thông liên quan đến xe đưa rước học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học và về nhà.
Ngay tháng đầu năm học 2022-2023, cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải (KDVT) cũng như pháp luật về an toàn giao thông liên quan đến xe đưa rước học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học và về nhà.
Đội Thanh tra giao thông số 3 (Thanh tra giao thông, Sở GT-VT) kiểm tra xe đưa rước học sinh trên đường Nguyễn Ái Quốc (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng |
Còn dừng, đậu xe tùy tiện
Trong những ngày đầu tháng 10-2022, lực lượng thanh tra giao thông (Sở GT-VT) toàn tỉnh đã liên tục phối hợp với công an các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý xe đưa rước học sinh khu vực trước cổng trường học.
Ghi nhận của lực lượng thanh tra giao thông tại một số trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa, hiện nay chất lượng xe đưa rước học sinh cơ bản đảm bảo đầy đủ các yêu cầu như: còn hạn đăng kiểm; có phù hiệu vận tải; trang bị bình chữa cháy, thiết bị thoát hiểm, camera giám sát hành trình... Một số xe đưa rước học sinh được giáo viên hoặc nhà trường đứng ra ký hợp đồng còn bố trí giáo viên đi kèm. Đến nay chưa ghi nhận xe đưa rước học sinh cũ kỹ, không còn hạn đăng kiểm như những năm trước đây.
Nguyên nhân là do tại một số trường học ở TP.Biên Hòa, xe đưa rước học sinh được phụ huynh, giáo viên hoặc nhà trường đứng ra ký hợp đồng với những HTX, doanh nghiệp vận tải đảm bảo yêu cầu. Do đó, để được ký hợp đồng ngay từ đầu năm học, các đơn vị KDVT, tài xế đã kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng cho phương tiện đạt chất lượng tốt và đảm bảo đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, lực lượng chức năng cũng ghi nhận một số vi phạm của xe đưa rước học sinh, chủ yếu là lỗi về dừng, đậu không đúng nơi quy định. Một số khu vực còn xảy ra tình trạng xe đưa rước học sinh dừng, đậu tùy tiện như tại khu vực ngã ba Lê Thoa - Nguyễn Ái Quốc (thuộc P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa), chân cầu vượt trên đường Nguyễn Ái Quốc, ngã ba Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Văn Trị (thuộc P.Quyết Thắng và P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa)… Tại những nơi này, nhiều xe đưa rước dừng ngay giao lộ, chân cầu vượt để cho học sinh bước xuống. Thậm chí có xe còn dừng, đậu ngay vị trí biển cấm dừng, đậu để đưa rước học sinh.
Theo Đội Thanh tra giao thông số 3 (Thanh tra giao thông, Sở GT-VT), phụ trách TP.Biên Hòa, việc một số tài xế dừng xe ở những vị trí chưa hợp lý (dừng ở dưới lòng đường, cách xa vỉa hè, ở vị trí cấm) khiến việc di chuyển của học sinh không đảm bảo an toàn và dễ xảy ra va quẹt các phương tiện khác. Những trường hợp này, lực lượng chức năng đã trực tiếp nhắc nhở, cảnh báo hoặc xử phạt khi tài xế tái phạm.
Nhưng về phía phụ huynh vẫn còn không ít người băn khoăn việc kiểm soát, đảm bảo chất lượng dịch vụ, độ an toàn của phương tiện này trong suốt cả năm học. Đặc biệt, phụ huynh lo ngại tình trạng đầu năm học mới, các đơn vị sử dụng phương tiện tốt để được ký hợp đồng nhưng sau một thời gian lại đổi sang các phương tiện khác, không đúng với hợp đồng, chất lượng kém hơn.
Chị Nguyễn Thị Thắm (ngụ KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) kiến nghị, hoạt động đưa rước học sinh bằng xe ô tô cần phải được quản lý chặt chẽ hơn nữa để các doanh nghiệp KDVT luôn ý thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về giao thông, cũng như các quy định về KDVT để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường và về nhà.
Tăng cường các kênh kiểm soát
Phó đội trưởng phụ trách Đội Thanh tra giao thông số 3 Lê Cao Trí cho hay, hơn 1 tháng qua, đơn vị tập trung kiểm tra hoạt động xe đưa rước học sinh tại các trường học trên tuyến đường chính, đông phương tiện qua lại, có lượng học sinh cao. Đặc biệt, tập trung kiểm tra danh sách, số lượng học sinh, hợp đồng đưa rước, phù hiệu vận tải, giấy đăng kiểm xe... Qua đó sẽ phát hiện ngay nếu đơn vị KDVT “tráo đổi” xe khác với hợp đồng, hoặc dùng các xe không đủ điều kiện, cơi nới thêm chỗ ngồi.
Đội Thanh tra giao thông số 3 (Thanh tra giao thông, Sở GT-VT) kiểm tra thời hạn đăng kiểm, phù hiệu vận tải của các xe đưa rước học sinh trên đường Nguyễn Ái Quốc (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng |
Ngoài ra, lực lượng thanh tra giao thông toàn tỉnh còn kiểm tra tài xế, chủ phương tiện có trang bị thiết bị thoát hiểm, bình chữa cháy, dây thắt lưng an toàn, camera giám sát hành trình. Không chỉ vậy, việc kiểm tra các phương tiện được lực lượng chức năng thực hiện thông qua nhiều khâu từ đăng kiểm đến kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị KDVT và kiểm tra đột xuất tại các cổng trường.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh. Trong đó, lưu ý hướng dẫn cụ thể, thực tế các quy định về an toàn ngồi trên xe ô tô, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, bị kẹt hoặc bỏ quên trên xe; nhất là đối với trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học (cách mở cửa lên/xuống xe; bấm còi gây sự chú ý cho người xung quanh, phát tín hiệu cấp cứu bằng âm thanh, ánh sáng, ký hiệu; sử dụng búa thoát hiểm trên xe...).
Hiện nay, tại một số trường học đã áp dụng cách làm hay để kiểm soát xe đưa rước học sinh. Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) đã xây dựng ứng dụng riêng để nhà trường, phụ huynh theo dõi lộ trình di chuyển của học sinh (theo thời gian thực) khi đăng ký đưa rước bằng xe do trường ký hợp đồng.
Qua ứng dụng này, phụ huynh sẽ biết con em của mình lên/xuống xe lúc mấy giờ, xe đang di chuyển tới đâu. Đồng thời, trên xe đều có nhân viên của trường đi kèm, kiểm soát, đảm bảo học sinh “đi đến nơi, về đến chốn”.
Cô Trần Thị Hoa, Phó hiệu trưởng Hành chính quản trị Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng cho biết, để được ký hợp đồng với trường, đơn vị KDVT phải cam kết về chất lượng, độ an toàn của xe. Bản thân mỗi tài xế phải có phiếu lý lịch tư pháp, xét nghiệm âm tính với chất ma túy và cam kết tuân thủ các quy định về giao thông đường bộ.
Đăng Tùng - Thành Nhân
Theo thanh tra giao thông (Sở GT-VT), qua tháng đầu tiên của năm học 2022-2023, lực lượng thanh tra giao thông toàn tỉnh đã kiểm tra 132 lượt xe ô tô đưa rước học sinh. Qua đó, lập biên bản xử lý 23 trường hợp vi phạm hành chính với các lỗi vi phạm như: dừng, đậu không đúng nơi quy định với số tiền hơn 39 triệu đồng.
Chánh thanh tra giao thông (Sở GT-VT) NGUYỄN PHAN TRONG:
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Ngay từ trước khi năm học 2022-2023 bắt đầu, thanh tra giao thông đã chỉ đạo các đội trực thuộc xây dựng kế hoạch và triển khai phối hợp với công an, phòng GD-ĐT các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm đối với xe đưa rước học sinh.
Lực lượng thanh tra giao thông cũng thường xuyên giải tỏa ùn tắc giao thông tại các trường trong nội ô TP.Biên Hòa lúc học sinh ra về. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra giao thông liên tục phối hợp với Phòng Quản lý phương tiện vận tải (Sở GT-VT) tiến hành làm việc, tuyên truyền đến các HTX, doanh nghiệp KDVT trên địa bàn toàn tỉnh để tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm các điều kiện KDVT quy định về đưa rước học sinh.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ XUÂN KHÁNH:
Đưa hoạt động xe đưa rước học sinh chặt chẽ, đảm bảo hơn
Sở GD-ĐT đã sớm triển khai đến các phòng GD-ĐT cấp huyện, các trường THPT và đơn vị trực thuộc về việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động đưa rước học sinh bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở GD-ĐT đề nghị các phòng GD-ĐT, trường THPT và đơn vị trực thuộc cần tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ cụ thể được giao; thông tin về điều kiện KDVT đối với loại hình xe đưa rước học sinh; tổng hợp, thống kê tình hình phương tiện tham gia đưa rước học sinh của các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh gửi về Sở.
Sở GD-ĐT đang tổng hợp số lượng xe đưa đón học sinh của các đơn vị để gửi Sở GT-VT và cùng phối hợp kiểm tra, theo dõi trong thời gian tới, nhằm giúp cho hoạt động đưa rước học sinh bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ, đảm bảo hơn.
Minh Thành - Thành Nhân (ghi)