Báo Đồng Nai điện tử
En

Để phụ phẩm nông nghiệp trở thành nguồn tài nguyên tái tạo

07:10, 11/10/2022

Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp với những mô hình sản xuất khép kín, các phế phẩm nông nghiệp trở thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản xuất khác, vừa tăng giá trị sản phẩm, vừa hạn chế tối đa lượng chất thải ra môi trường là xu hướng mới đang được quan tâm.

Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp với những mô hình sản xuất khép kín, các phế phẩm nông nghiệp trở thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản xuất khác, vừa tăng giá trị sản phẩm, vừa hạn chế tối đa lượng chất thải ra môi trường là xu hướng mới đang được quan tâm. Đồng Nai cũng là địa phương tiên phong triển khai chương trình này khi thu hút được cả doanh nghiệp (DN), HTX, nông dân đầu tư.

Vỏ và thịt trái ca cao vốn là chất thải đã được Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) tận dụng sản xuất rượu vang và phân bón hữu cơ. Ảnh: B.Nguyên
Vỏ và thịt trái ca cao vốn là chất thải đã được Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) tận dụng sản xuất rượu vang và phân bón hữu cơ. Ảnh: B.Nguyên

Tuy trong thực tế có nhiều dự án, chương trình làm nông nghiệp tuần hoàn thành công nhưng việc ứng dụng trên diện rộng vẫn chậm, hiệu quả thấp. Theo đó, phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu trở thành rác thải gây ô nhiễm môi trường.

* Hơn 80% phế, phụ phẩm nông nghiệp là rác

Trên thế giới có nhiều nước diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất nhỏ nhưng mang lại giá trị kinh tế cao nhờ phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, hầu hết các phế, phụ phẩm nông nghiệp được họ tái sử dụng. Trong khi đó, Việt Nam có khối lượng lớn các phụ phẩm nông nghiệp nhưng tỷ lệ sử dụng để tạo giá trị tăng thêm và giảm tác động tiêu cực đến môi trường thấp.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, khối lượng nguồn thải ra môi trường của ngành chăn nuôi khoảng 84,5 triệu tấn/năm. Trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn..., còn lại thải ra môi trường. Ở lĩnh vực trồng trọt, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường.

Theo TS NGUYỄN HỮU NINH, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, chi phí để xử lý các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp còn lớn so với thu nhập của nông dân. Cần có cơ chế khuyến khích tái sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp vì đây là nguồn nguyên liệu lớn làm phân hữu cơ để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp.

Tại hội thảo quốc tế Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo do Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 28-9, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy nhận xét: “Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng ta chỉ chú trọng tăng năng suất mà chưa quan tâm đến lượng dư thừa, chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học”.

Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, với một số lĩnh vực chủ đạo như: trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này chưa được quan tâm tái sử dụng hiệu quả và đúng mục đích, mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân khiến nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành sản xuất lúa gạo.

* Phải làm nông nghiệp tuần hoàn

Làm nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng mới ngày càng thu hút sự quan tâm từ các DN, nông dân đến nhà khoa học. Tại Đồng Nai, nhiều DN, HTX, nông dân đi tiên phong làm nông nghiệp tuần hoàn, biến rác thành tiền.

Đề tài Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu gom, xử lý phân và xác hữu cơ từ các trang trại chăn nuôi gà để sản xuất phân bón hữu cơ là mô hình điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp của H.Xuân Lộc trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đề tài trên do Công ty TNHH Trang Trại Việt triển khai từ năm 2019 với việc đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phân và chất thải trong chăn nuôi gà với công suất đạt 200 tấn/ngày. DN ký hợp đồng xử lý chất thải cho một số tập đoàn chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh, hoạt động sản xuất phân bón theo quy trình khép kín từ khâu chăn nuôi với mô hình trang trại nuôi gà không mùi hôi, không chất thải được làm khô, xử lý ngay trong trại nuôi.

Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH Trang Trại Việt, tổng khối lượng phân gà phát sinh tại các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh gần 1,46 triệu tấn/năm gồm phân gà lẫn trấu. Ngoài ra, gà bị loại, gà chết trong quá trình chăn nuôi cũng là lượng chất thải lớn. Theo đó, DN đang triển khai đề tài cấp bộ “Nâng cấp hệ thống xử lý phân và xác gà làm phân hữu cơ” bằng công nghệ hiện đại, quy mô đạt 500 tấn/ngày. Điểm nổi bật của đề tài là tất cả chất thải trong chăn nuôi từ phân đến xác gà, gà loại thải đều trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vừa giúp chủ trại chăn nuôi tăng thu nhập, vừa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) cũng là DN tiên phong làm nông nghiệp tuần hoàn. Sản phẩm nổi bật của DN là rượu vang ca cao được ủ từ thịt của trái ca cao trước đó vốn bị đổ bỏ trong quá trình sản xuất. Vỏ trái ca cao cũng được DN này đưa vào xay nhỏ, ủ thành phân bón hữu cơ tái sử dụng cho các vườn cây ca cao. Nhờ đó, DN giảm được rất lớn lượng rác thải ra môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến.

Ngoài ra, nhiều HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng rất quan tâm làm nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) là đơn vị tiên phong tham gia kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp với mô hình xuất khẩu trái chuối tươi, sản phẩm chế biến từ chuối cho đến sản xuất bẹ chuối khô xuất khẩu. Trước đây, nông dân sau khi thu hoạch chuối phải tốn tiền thuê nhân công chặt bỏ cây chuối thì nay họ có thể trực tiếp bán cây chuối tươi hoặc bỏ công tách bẹ chuối, phơi khô bán cho HTX. Sản phẩm bẹ chuối khô của HTX là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường, xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…


TS LÊ NGỌC LIỄU, giảng viên ngành Công nghệ thực phẩm Trường đại học Quốc tế TP.HCM: Cần khuyến khích mô hình sản xuất nông nghiệp không chất thải

Lĩnh vực công nghệ thực phẩm mà tôi đang tập trung nghiên cứu giúp giải quyết được vấn đề ô nhiễm do nguồn phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp; tạo giá trị cao hơn cho sản phẩm; giúp tăng thu nhập cho người nông dân cũng như tạo đầu ra cho nguồn nông sản của Việt Nam.

Một ví dụ cụ thể là dự án nghiên cứu gần đây của tôi thực hiện cùng với Trường University of Liege - Gembloux Argo-Bio Tech (Bỉ) tận dụng nguồn phế phẩm từ thanh long. Các nhánh thanh long già chặt bỏ đi được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Còn vỏ của trái thanh long được dùng để trích ly polymer sinh học, có thể phát triển thành bao bì phân hủy sinh học. Bao bì nhựa đang là vấn đề về môi trường bức bách không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, vì nó không phân hủy được mà tích lũy trong lòng đất, trong lòng đại dương qua hàng trăm, hàng ngàn năm. Do đó, khi phát triển được bao bì sinh học có thể giúp giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tôi còn tham gia nhóm các nhà khoa học của Trường đại học Quốc tế hợp tác với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) triển khai nhiều đề tài nghiên cứu chế biến thực phẩm, sản phẩm từ phế phẩm của trái ca cao. Vỏ trái ca cao chiếm hơn 70% trọng lượng trái và bị bỏ đi trong quá trình chế biến, gây lãng phí rất lớn. Trong khi đó, vỏ chứa một lượng lớn chất xơ, pectin và các hợp chất kháng oxy hóa có nhiều ứng dụng và lợi ích cho sức khỏe. Nhóm chúng tôi đã tận dụng vỏ cứng này để chế biến các sản phẩm thực phẩm như: xúc xích chay, bánh cracker và dùng vỏ cứng này trích ly hợp chất pectin và hợp chất phenolic (có tính kháng oxy hóa). Bằng cách này, chúng ta có thể đem lại giá trị gia tăng cho cây ca cao.

PGS-TS BÙI BÁ BỔNG, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: Cần chính sách hỗ trợ theo chuỗi giá trị tuần hoàn

Việt Nam có khối lượng lớn các phụ phẩm nông nghiệp nhưng tỷ lệ sử dụng để tạo giá trị tăng thêm và giảm tác động tiêu cực đến môi trường thấp.

Để phát triển, áp dụng diện rộng sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, cần chuyển đổi chính sách hỗ trợ theo chuỗi giá trị tuần hoàn; nâng cao vị thế của nông dân tốt hơn, xứng đáng hơn trong các ý tưởng mới về nông nghiệp; chú trọng thực hiện nông nghiệp tuần hoàn ngay tại hộ nông dân, trang trại nhỏ, HTX; nhân rộng mô hình hay, khuyến khích các mô hình mới ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đối với DN và trang trại, chính sách cần nhất là được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng, kịp thời và có quỹ đất phù hợp để đầu tư lâu dài.       

Lê Quyên


         Bình Nguyên

Tin xem nhiều