Hơn 3 năm nữa, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án sân bay dân dụng lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, sẽ đi vào khai thác giai đoạn 1 với công suất dự kiến 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Hơn 3 năm nữa, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án sân bay dân dụng lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, sẽ đi vào khai thác giai đoạn 1 với công suất dự kiến 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đồng Nai đang nỗ lực quy hoạch, xây dựng một đô thị sân bay xứng tầm trong khu vực nhằm khai thác hết các lợi thế phát triển mà “siêu” dự án này đem lại. Xu hướng tận dụng lợi thế sân bay quy mô lớn để phát triển các khu vực xung quanh thành một đô thị, thậm chí một chuỗi đô thị, đang trở nên phổ biến trên thế giới.
Nhiều quốc gia đã xây dựng thành công các đô thị, thành phố sân bay với các mũi nhọn về dịch vụ tài chính, du lịch, xuất nhập khẩu, logistics, giáo dục, y tế… phát triển song song và bền vững cùng với sân bay. Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore, Hoa Kỳ… là những quốc gia đã xây dựng thành công các đô thị và thành phố sân bay lớn.
Chẳng hạn, Hàn Quốc đã xây dựng hẳn một vùng đô thị sân bay có thành phố sân bay Incheon là cốt lõi. Các đô thị khác trong vùng đô thị sân bay có Cheongna là trung tâm tài chính, giải trí; Song Do là thành phố tri thức tiên tiến và Young Jong là thành phố kinh doanh tốt nhất thế giới. Tất cả được lên ý tưởng, quy hoạch, xây dựng và phát triển song song với nhau thành một “hệ sinh thái sân bay” hiện đại và hiệu quả.
Vì vậy, ngay từ lúc này, song song với việc thi công xây dựng sân bay, việc tính toán xây dựng một đô thị sân bay là bức thiết. Ít nhất là khi sân bay Long Thành được hoàn tất xây dựng, đưa vào khai thác thì đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng phải có được các cơ sở vật chất đi kèm như: hệ thống khách sạn lưu trú, trung tâm tài chính, trung tâm hội nghị, các khu triển lãm giải trí, các khu công nghệ thông tin truyền thông, khu bán buôn, bán lẻ, các khu công nghiệp, trung tâm hàng hóa, kho bãi…
Và để xây dựng thành công các mô hình nói trên cần phải có một quy hoạch tổng thể cho H.Long Thành nói riêng và toàn tỉnh nói chung, trên cơ sở xem xét tính kết nối, hỗ trợ các địa phương lân cận trong vùng. Lộ trình đó có thể chia giai đoạn 5-10-15-20, thậm chí 25-30 năm, bởi không thể một sớm một chiều hình thành nên một đô thị sân bay sầm uất, vì nó liên quan đến nhu cầu, nguồn lực và hàng loạt vấn đề khác trong quy hoạch, phát triển. Tuy nhiên, cũng không thể chậm trễ hơn khi chỉ trong vài năm tới, sân bay Long Thành sẽ đón những lượt khách đầu tiên.
Một trong những khía cạnh thuận lợi trong việc định hình, phát triển đô thị sân bay mà vùng lõi H.Long Thành là nếu quy hoạch, xây dựng tốt thì sẽ tận dụng được mọi lợi thế đem lại, nhất là khu vực này còn gần các hệ thống cảng, gần các khu công nghiệp, gần cực tăng trưởng TP.HCM… Và thách thức là tại Việt Nam chưa từng có mô hình đô thị sân bay nào được xây dựng và đô thị sân bay Long Thành gần như không thể “học hỏi” mô hình nào trong nước. Vậy nên, sự tính toán các bước đi hợp lý, thận trọng, bao quát dựa trên sự tham khảo kỹ càng từ nhiều phía là điều tỉnh đã và đang làm để nỗ lực xây dựng đô thị sân bay xứng tầm trong tương lai sắp tới.
Vi Lâm