Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

03:05, 02/05/2022

Đến cuối tháng 3-2022, Đồng Nai có hơn 2,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ 81,5% dân số, thấp hơn 10,5% so với chỉ tiêu mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT vì thế đang cần có thêm giải pháp...

Đến cuối tháng 3-2022, Đồng Nai có hơn 2,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ 81,5% dân số, thấp hơn 10,5% so với chỉ tiêu mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Người dân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: HẠNH DUNG

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân và cần có thêm giải pháp để đến cuối năm 2022, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn Đồng Nai đạt chỉ tiêu đề ra.

* Giảm 178,8 ngàn người tham gia BHYT so với cuối năm 2021

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, trong số các nhóm đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn Đồng Nai, nhóm người lao động và người sử dụng lao động hiện chiếm tỷ lệ cao nhất với 31,3%.  Tiếp đến là nhóm người tham gia BHYT hộ gia đình (25,4%), nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT (21,9%, trong số này, nhóm học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ 98,8%); nhóm ngân sách nhà nước đóng BHYT (18,1%). Cuối cùng là nhóm được tổ chức BHXH đóng (3%).

Để đạt được tỷ lệ 92% người dân trên địa bàn Đồng Nai tham gia BHYT, từ nay đến cuối năm, ngành BHXH Đồng Nai phải phát triển thêm hơn 321,7 ngàn người tham gia BHYT. Trong đó, trách nhiệm của Văn phòng BHXH tỉnh cần phát triển thêm hơn 112,5 ngàn người, các địa phương trong tỉnh phát triển thêm hơn 209,2 ngàn người.

Ông Phạm Long Sơn, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho biết, đến cuối tháng 3-2022, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh giảm hơn 178,8 ngàn người so với cuối năm 2021, tương đương với 10% dân số.

Cụ thể, nhóm người thuộc hộ gia đình cận nghèo chưa tham gia BHYT là hơn 6,7 ngàn người do từ năm 2022, ngân sách nhà nước đã không còn hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho nhóm đối tượng này như trước. Nhóm học sinh, sinh viên giảm hơn 30,7 ngàn người. Nguyên nhân là do nhiều gia đình học sinh, sinh viên là lao động nhập cư, thu nhập giảm sút do dịch bệnh Covid-19 hoặc gia đình cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn dẫn đến chưa tham gia BHYT.

Đặc biệt, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình giảm đến 150 ngàn người do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chi phí vật giá ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân, đặc biệt đối với một số nhóm cá biệt, yếu thế như: người dân tộc thiểu số có thu nhập thấp, người mắc bệnh hiểm nghèo, người từ 60-79 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình mới thoát nghèo, thoát cận nghèo; người lao động mất việc làm đã hết thời gian hưởng BHYT trợ cấp thất nghiệp quá 3 tháng; người dân thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình nhưng chưa có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT.

Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã giảm 1 ngàn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc ấp 4, xã Tà Lài, H.Tân Phú do không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ BHYT.

* Triển khai nhiều giải pháp

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, bên cạnh những nguyên nhân khách quan dẫn đến sụt giảm số người tham gia BHYT, phải kể đến nguyên nhân chủ quan là một bộ phận người dân chưa nhận thức sâu sắc về chính sách BHYT, về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, chưa có ý thức dự phòng bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và gia đình, còn có tư tưởng chờ đến khi ốm đau mới mua thẻ BHYT.

Đối với những bệnh nhân chạy thận, thẻ bảo hiểm y tế là “cứu cánh” của họ và gia đình
Đối với những bệnh nhân chạy thận, thẻ bảo hiểm y tế là “cứu cánh” của họ và gia đình

Ngoài ra, chính sách khám, chữa bệnh BHYT chưa thực hiện được đa dạng dạng các dịch vụ BHYT, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân trong xã hội; chưa điều chỉnh các mức đóng, mức hưởng chế độ BHYT phù hợp với phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao nên cũng ảnh hưởng đến việc vận động người dân tham gia BHYT.

Thực trạng trên cho thấy, việc ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội để tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn và giúp nâng cao tỷ lệ bao phủ người tham gia BHYT.

Để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, BHXH tỉnh và các địa phương, đơn vị có liên quan trong tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp sát sườn.

Cụ thể, từ đầu năm 2022, BHXH tỉnh đã giao dự toán thu, phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho BHXH cấp huyện để các đơn vị chủ động lên kế hoạch và triển khai tại địa phương. Chỉ đạo BHXH cấp huyện tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT đến cấp xã.

Căn cứ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp về những cá nhân, đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT, cơ quan BHXH xây dựng kế hoạch hằng tuần, hằng tháng, hằng quý để tuyên truyền, vận động, yêu cầu người sử dụng lao động đóng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm, trong đó có BHYT cho người lao động theo quy định của pháp luật. Kết quả, 3 tháng đầu năm 2022, cơ quan BHXH đã rà soát 711 doanh nghiệp với hơn 21 ngàn người lao động từ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp. Qua rà soát, tuyên truyền, có 53 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho 287 người lao động.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đại lý thu, đẩy mạnh các giải pháp để duy trì và phát triển người tham gia mới. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội về lợi ích khi tham gia BHYT để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân…

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, là địa phương có dân số đông nhất tỉnh nên thời gian qua, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu đề ra không phải dễ.

Để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao, TP.Biên Hòa đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ thành phố đến xã, phường, giao mảng BHXH, BHYT cho Phòng LĐ-TBXH phụ trách. Phát triển mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn, giao trách nhiệm cho Thành đoàn và các đoàn thể chính trị xã hội làm đại lý thu để tăng sức cạnh tranh trong thực hiện nhiệm vụ.

“Chúng tôi phát triển mạng lưới thu đến từng khu phố, ấp để sát dân. Thực tế cho thấy, nhiều người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, không nắm được thông tin liên quan đến quyền lợi khi tham gia BHYT nếu chẳng may bị ốm đau. Vì thế, nơi nào mà Tổ trưởng khu phố đến tận nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia BHYT thì nơi đó người dân tham gia BHYT đông và ngược lại” - ông Nguyễn Duy Tân nói.

Để nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng giao Sở LĐ-TBXH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo tờ trình, nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khóa X vào kỳ họp giữa năm 2022 đảm bảo đúng quy định.

Giao BHXH tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia BHYT và tham gia. Tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT để xử lý nghiêm theo quy định.

Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển BHYT, xem việc hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xem xét thi đua, khen thưởng.

Hạnh Dung


Ông NÔNG VĂN DŨNG, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH:

Thêm giải pháp nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT

Về tiến độ tham mưu Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2022-2025, ngày 12-4, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành tờ trình và đến ngày 18-4, HĐND tỉnh đã có văn bản nhất trí với chủ trương ban hành chính sách này của UBND tỉnh.

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện lập đề nghị xây dựng nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu chính sách này được ban hành, dự kiến sẽ có trên 210 ngàn người dân được đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT, qua đó nâng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh.

TS-BS VÕ TUẤN ANH, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai:

BHYT thực sự là “cứu cánh” của người bệnh

 Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để điều trị các bệnh lý về tim mạch nguy hiểm cho bệnh nhân như: mổ ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ điều trị bệnh thông liên nhĩ, hở van 3 lá nặng; đặt stent graft động mạch chủ bụng; mổ tim hở…

Chi phí cho những ca phẫu thuật này rất cao, có khi lên đến vài trăm triệu đồng. Do đó, nếu người bệnh tham gia BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả một số tiền khá lớn, giúp bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đỡ được một khoản chi phí cao. Bởi vậy, người dân nên tham gia BHYT ngay cả khi đang rất khỏe mạnh để đề phòng những trường hợp không hay có thể xảy ra.

Lộc Dung (ghi)


 

Tin xem nhiều