Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên xã hội hóa hoạt động tham vấn tâm lý học đường

03:04, 18/04/2022

Cuộc sống ngày càng phát triển thì những vấn đề liên quan đến tâm lý học đường ngày càng phức tạp. Có khá nhiều "khủng hoảng" vô hình đang diễn ra trong học đường và tâm lý học trò.

Cuộc sống ngày càng phát triển thì những vấn đề liên quan đến tâm lý học đường ngày càng phức tạp. Có khá nhiều những “khủng hoảng” vô hình đang diễn ra trong học đường và tâm lý học trò.

Học sinh trường THCS Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) trong giờ học tại Thư viện trường
Học sinh trường THCS Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) trong giờ học tại Thư viện trường

Đó là tình trạng học sinh nghiện game, tiếp xúc với bạo lực thông qua các trò chơi trực tuyến, phim ảnh, văn hóa phẩm không lành mạnh. Không ít gia đình đang buông lỏng việc quan tâm giáo dục con một cách thường xuyên vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh đó, lại có những gia đình quan tâm đến con quá mức, dẫn đến những áp lực học hành ngày càng đè nặng lên các em.

Dù vấn đề tâm lý học đường ngày càng đóng một vai trò quan trọng, tuy nhiên thực tế hiện nay có rất ít trường trên địa bàn tỉnh có được bộ phận tham vấn tâm lý học đường, hay có chuyên gia tâm lý học đường đến hỗ trợ thường xuyên.

Có rất nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý học sinh phải đối diện ở giai đoạn hậu Covid-19 nhưng các em không thể tìm được chuyên gia tâm lý để được tham vấn, hỗ trợ. Những vấn đề này nếu các em không được hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, tâm sinh lý, thậm chí có thể xảy ra cả những hành vi tiêu cực do các em không thể tìm ra lối thoát cho bản thân.

Ban giám hiệu nhiều trường cho biết, tham vấn tâm lý học đường là hoạt động khó, đòi hỏi cách tiếp cận chuyên môn sâu và cần được quan tâm một cách đúng mức. Dù đã có quy định các trường phải có bộ phận tham vấn tâm lý học đường, có giáo viên tâm lý học đường nhưng không dễ thực hiện.

Nhiều nguyên nhân khiến hoạt động tham vấn tâm lý học đường khó phát triển rộng trong trường học, trong đó nguyên nhân chủ yếu là thiếu biên chế và giáo viên tâm lý trường học. Không chỉ khó với các trường công lập vốn eo hẹp về tài chính, ngay cả những trường tư thục có đủ điều kiện mở phòng tham vấn tâm lý học đường và hợp đồng chuyên gia thì cũng khó duy trì hoạt động này một cách thường xuyên vì tìm được một chuyên gia tâm lý đủ khả năng giải quyết những vấn đề tâm lý phát sinh trong học đường hiện nay không dễ.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch chia sẻ, nhiều năm qua, ngành đang tháo gỡ dần những khó khăn về giáo dục tham vấn tâm lý học đường nhưng đây là vấn đề khó không dễ giải quyết một sớm một chiều. Hiện nay, hằng năm, Sở GD-ĐT thường tổ chức phối hợp với các chuyên gia tâm lý tổ chức từng đợt tham vấn tâm lý về các trường phổ thông. Khi được gặp gỡ với các chuyên gia, các em học sinh có được cơ hội chia sẻ, tháo gỡ nhiều khó khăn về tâm lý đang gặp phải. Với cách tiếp cận của các chuyên gia, học sinh luôn cảm thấy an tâm, thậm chí là tự tin, thoải mái hơn cả khi chia sẻ cùng vấn đề với giáo viên chủ nhiệm hay người thân trong gia đình. Khi biên chế chưa đảm bảo để mỗi trường có một chuyên gia tâm lý thì hướng xã hội hóa hoạt động này cũng cần được tính đến khuyến khích các trường triển khai.

Thành Nam

Tin xem nhiều