Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung nguồn lực cho 'xương sống' của nền kinh tế

08:02, 09/02/2022

Từ nhiều năm qua, công nghiệp chế biến, chế tạo được Chính phủ và các địa phương so sánh bằng hình ảnh "xương sống của nền kinh tế", là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành Công nghiệp Việt Nam và giữ vai trò quyết định trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ nhiều năm qua, công nghiệp chế biến, chế tạo được Chính phủ và các địa phương so sánh bằng hình ảnh “xương sống của nền kinh tế”, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành Công nghiệp Việt Nam và giữ vai trò quyết định trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, ngành này luôn nhận được sự ưu tiên về chính sách, kể cả các chính sách phát triển ngành trong nước lẫn chính sách thu hút đầu tư. 

Với sự chú trọng, ưu tiên đó, tỉ trọng các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu vốn đầu tư trong và ngoài nước tăng đều theo các năm.

Chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê, trong tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD thì vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Xác định rõ điều này, những năm qua, Đồng Nai luôn quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả khả quan. Kết thúc năm 2021 với những khó khăn “chưa từng có” do đại dịch Covid-19 mang lại, kim ngạch xuất khẩu của công nghiệp chế tạo tại Đồng Nai vẫn đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng hơn 29% so với năm 2020.

Đáng chú ý, một số ngành trong công nghiệp chế tạo đã trở thành ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Đặc biệt, sau hàng chục năm thu hút đầu tư và tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh đã thu hút hầu hết các tên tuổi lớn trong ngành đến xây dựng nhà máy sản xuất như: Bosch, Hansol Technics, Intops, Posco, Schaeffler, Nok, Meggitt… và các sản phẩm công nghiệp chế tạo của Đồng Nai hiện đã phủ sóng hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bước vào giai đoạn “hậu Covid-19”, ngành công nghiệp “xương sống” này tiếp tục được Chính phủ chú trọng đầu tư, phát triển, song với góc tiếp cận cao hơn dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lẫn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thách thức lớn nhất đặt ra có lẽ là việc huy động nguồn lực để đầu tư vào các giải pháp công nghệ cao nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, đồng thời hỗ trợ các DN trong nước phát triển nhanh, mạnh, tự tin hơn thông qua quá trình học hỏi và chuyển giao công nghệ từ các DN FDI dày dạn kinh nghiệm.

Một điểm cần chú ý khác là cần có các chính sách “sát sườn” để hỗ trợ các DN Việt Nam trong ngành dần dần xây dựng được thương hiệu bằng các sản phẩm thực sự có giá trị gia tăng cao. Thực tế, trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ DN FDI vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể sau nhiều năm tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.

Thêm một khía cạnh phải quan tâm nữa để củng cố nội lực cho ngành công nghiệp này là phải có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực căn cơ, bài bản để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của ngành trong cả hiện tại lẫn tương lai. Chỉ khi có những giải pháp đồng bộ thì công nghiệp chế biến, chế tạo mới có được sự tự tin để phát triển cao hơn, bền vững hơn về lâu dài trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.   

Vi Lâm


Tin xem nhiều