Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

08:01, 25/01/2022

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới...

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM); phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Chế biến trái cây tại Công ty TNHH Thuận Hương (H.Định Quán)
Chế biến trái cây tại Công ty TNHH Thuận Hương (H.Định Quán). Ảnh: B.NGUYÊN

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai nằm trong tốp đầu phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM của cả nước. Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn mới, tỉnh cũng chủ động định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

* Giữ vị trí quan trọng

Tại hội nghị toàn quốc đóng góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa diễn ra, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26 đánh giá, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt được mức khá cao (2,94%/năm), chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tăng trưởng gần 8,2%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM về đích sớm trước 1,5 năm, với những thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử…

Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN, trong giai đoạn tới cần giảm mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ nông thôn, giảm mạnh tỉ trọng nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển. Tuy tỉ trọng nông nghiệp giảm nhưng giá trị sản xuất trên 1ha và thu nhập nông dân phải tăng so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta hiện vẫn còn nhiều tồn tại như: tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững; nhiều vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu; công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc; nhiều địa phương có xu hướng tập trung phát triển thiên về công nghiệp tăng thu ngân sách, chưa chú trọng đúng mức phát triển nông nghiệp, kể cả những vùng có lợi thế về nông nghiệp; kết quả xây dựng NTM ở một số địa phương chưa thực sự bền vững...

Để khắc phục những hạn chế trên trong giai đoạn mới với nhiều biến đổi, trong đó bao gồm cả thuận lợi và khó khăn đan xen như: tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh; quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ; cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội; thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp; biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh; những vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phân tầng xã hội; hậu quả và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã, đang tiếp tục ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận xét, kết quả thực hiện Nghị quyết 26 về tam nông đã xác định rõ hơn thế mạnh của cây trồng, vật nuôi từ đó tái cơ cấu nông nghiệp sẽ xác định rõ thêm các thế mạnh cần phát huy. Hướng tới là xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, chất lượng vì về sản lượng, nền nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt trội. Thời gian qua, nông dân đã làm tốt vai trò tiếp cận khoa học - công nghệ, trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi và nhất là đã chú ý đến vấn đề thương hiệu nông sản. Đặc biệt, chương trình NTM, nông dân đã phát huy được vai trò dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng… Trong 10 năm xây dựng NTM, cả nước huy động sức dân trên 2 triệu tỷ đồng đóng góp cho chương trình. Vấn đề nông thôn, thành quả 10 năm đạt được rất to lớn không phải chỉ ở của cải vật chất mà là nông dân đã có sự chuyển biến rất lớn về mặt nhận thức. Thời gian tới, cần tập trung vào quản lý quy hoạch phát triển nông thôn để xây dựng NTM gắn với đô thị, gắn với công nghiệp hóa. Ngoài ra, cần quan tâm đào tạo người nông dân theo hướng nông dân công nghệ số để tiếp cận với khoa học - công nghệ, tiếp cận với thị trường, tiếp cận với pháp luật… để tiếp tục nâng cao vai trò của họ.

* Đồng Nai xây dựng nông thôn hiện đại

Là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn đạt nhiều thành quả ấn tượng trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM như: nằm trong tốp đầu của các tỉnh, thành có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước; thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn… góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị.

Về mục tiêu phát triển nông nghiệp, Đồng Nai đã chủ động thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Quan điểm phát triển là tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên; sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển tích hợp, đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường nông sản.

Trong giai đoạn mới, mục tiêu của tỉnh là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM theo hướng hiện đại; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường; công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng.

Mục tiêu của Đồng Nai phù hợp với định hướng của Bộ NN-PTNT là cơ cấu lại sản xuất gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo nền tảng phát triển nông nghiệp số. Ngành Nông nghiệp cũng chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Góp ý cho Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đề nghị bổ sung thêm nội dung, trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 của nghị quyết mới, phải có chiến lược toàn diện về giống cây trồng, vật nuôi, thủy - hải sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; đưa thêm nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung phát triển đa dạng hệ thống chế biến và bảo quản sau thu hoạch gắn với hệ thống logistics góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, giải quyết được tình trạng được mùa mất giá của nông sản.

Trong xây dựng NTM, cần duy trì mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều vì đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá quá trình phát triển nông thôn bền vững. Đồng Nai kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung thêm phát triển ngành nghề nông thôn, nhất là thực hiện chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) vì chương trình này là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển nông thôn, chuyển dịch cơ cấu nông thôn, tạo việc làm tại chỗ.

Bình Nguyên


Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư VÕ VĂN THƯỞNG:

Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Trong bối cảnh tình hình đất nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm như: hoàn thiện hơn về thể chế về đất đai để phục vụ phát triển nông nghiệp; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp; đảm bảo môi trường bền vững; đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao…

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam LƯƠNG QUỐC ĐOÀN:

Nông dân chưa được đầu tư tương xứng với sự đóng góp

Nông dân tham gia cổ phần hóa ruộng đất trong Nghị quyết 26 đề ra chưa trở thành xu hướng như kỳ vọng của nông dân và doanh nghiệp. Nông dân góp đất chưa được cơ hội tương xứng vì ruộng đất bị doanh nghiệp định giá thấp, nông dân có ít cổ phần, lợi nhuận không đáng kể, không đủ điều kiện tham gia điều hành doanh nghiệp, giá trị cổ phần ngày càng nhỏ đi khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ.

Chất lượng lao động nông thôn đang bị tác động bởi xu hướng di cư về thành thị và xuất khẩu lao động đặt ra nhiều thách thức cho cả khu vực đô thị và nông thôn. Vai trò chủ thể của nông dân đã được khẳng định nhưng chưa được đề cao, chưa được đầu tư tương xứng so với đóng góp để họ phát huy đầy đủ vai trò, vị trí chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn tới, cần phát triển nguồn nhân lực nông thôn để đáp ứng nhu cầu cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nông thôn bền vững; thu hút đội ngũ trẻ có tri thức, năng lực về công tác tại nông thôn đáp ứng nhu cầu chuyển hướng nền nông nghiệp nhỏ lẻ sang nền nông nghiệp phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao… Trong đó, phải đặt nông dân ở vị trí trung tâm, trước hết và trên hết vì chính những người nông dân mới là người phát huy những giá trị của nông thôn.              

B.N


 

Tin xem nhiều