Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo viên là tấm gương tự học, sáng tạo

11:11, 19/11/2021

Say mê với nghề dạy học, nhiều giáo viên đã không ngừng tự học, sáng tạo nhằm mang đến những điều mới lạ, bổ ích cho học sinh...

[links()]Say mê với nghề dạy học, nhiều giáo viên đã không ngừng tự học, sáng tạo nhằm mang đến những điều mới lạ, bổ ích cho học sinh. Bằng cách này, họ không chỉ trở thành những giáo viên giỏi chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mà thực sự đã trở thành những tấm gương sáng cho học trò noi theo.

Cô Phan Thị Bích Thủy, giáo viên Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) trong giờ dạy online. Ảnh: Tường Vi
Cô Phan Thị Bích Thủy, giáo viên Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) trong giờ dạy online. Ảnh: Tường Vi

* Để học trò vùng sâu không bị thua thiệt

Tốt nghiệp ngành Sư phạm kỹ thuật công - nông nghiệp (Trường đại học Nông lâm TP.HCM), cô Nguyễn Trần Kim Kiều trở về quê làm giáo viên môn Công nghệ Trường THPT Võ Trường Toản (H.Cẩm Mỹ). Vốn được xem như môn phụ nên không mấy học sinh thực sự chú tâm học tập môn Công nghệ. Vì vậy, làm thế nào để môn học trở nên hấp dẫn, hứng thú đối với học trò là điều mà cô Kiều luôn trăn trở.

Cô Kiều cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học sẽ khắc phục được sự “khô khan” của môn học thiên về kỹ thuật này. Vì vậy, cô đã không ngừng học hỏi, tích cực sử dụng các phần mềm, ứng dụng phù hợp để dạy học. Nhờ đó, các tiết học môn Công nghệ trở nên trực quan, sinh động, thu hút sự chú ý của học trò nhiều hơn.

Chia sẻ về những nỗ lực của mình, cô Kiều cho biết: “Tôi nghĩ rằng, chỉ có một lý do khiến mình luôn có gắng đó là tình yêu với học trò. Thấy học trò của mình có phần thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa ở những nơi có điều kiện thì mình phải học hỏi, áp dụng sao cho phù hợp với điều thực tế để dạy học hiệu quả hơn. Có như vậy, học sinh ở vùng sâu, vùng xa có thêm cơ hội tiếp cận được kiến thức, kỹ năng như học sinh ở các trường bạn”.

Thầy Lê Cảnh Thu, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Cô Kiều là giáo viên trẻ, giỏi công nghệ, thường xuyên ứng dụng nhiều phần mềm hỗ trợ dạy học. Đặc biệt, cô Kiều rất chịu khó soạn giảng e-learning và áp dụng trong dạy học. Việc soạn giảng e-learning vừa khó, vừa dày công nên rất ít giáo viên thực hiện. Mới đây, cô Kiều đã tham gia cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử do Bộ GD-ĐT phát động”.

Soạn giảng e-learning là nội dung chuyên môn đã được ngành GD-ĐT triển khai nhiều năm nay. Tuy nhiên, với nhiều giáo viên, đây vẫn là nội dung khá mới mẻ. Bởi lẽ, muốn có 1 bài giảng e-learning hoàn chỉnh không chỉ đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng ứng dụng CNTT tốt mà phải chịu khó đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả tâm huyết. Vì vậy, với điều kiện khó khăn của giáo viên vùng sâu, việc chịu khó học hỏi, ứng dụng CNTT và soạn giảng e-learning là điều rất đáng quý.

Cô Phan Thị Bích Thủy, giáo viên Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) cũng là một trong những giáo viên chịu khó tìm tòi, sáng tạo và thực hành soạn giảng e-learning. Cách đây hơn 2 năm, cô Thủy cùng chồng (cũng là giáo viên cùng trường) đã tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo và bắt đầu thường xuyên ứng dụng CNTT trong dạy học: đăng tải bài giảng trên YouTube, cho học sinh ôn bài trên Google Form và soạn giảng e-learning.

Theo cô Thủy, việc soạn giảng e-learning mất khá nhiều thời gian. Ngoài giáo án đã soạn sẵn, giáo viên còn cần chuẩn bị thêm PowerPoint, video clip, ghi âm bài giảng, thiết kế bài tập thông qua các ứng dụng phù hợp với môn học. Để chuẩn bị được 1 tiết bài giảng e-learning, giáo viên phải mất khoảng 1 tuần; nếu đã “quen tay” cũng phải mất từ 2-3 ngày.

Hiện nay, Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ đang dùng ứng dụng Microsoft Teams để dạy online. Vì vậy, giáo viên có thể ghi hình buổi học sau đó lưu lại để học sinh xem nếu có đoạn nào chưa hiểu. Như vậy, giáo viên sẽ nhàn hơn nhiều so với soạn giảng e-learning.

Ngoài 40 tuổi, đã có kinh nghiệm giảng dạy nhưng cô Thủy vẫn không ngừng tự học. Chính nhờ chịu khó học hỏi và thực hành nên ngay từ đầu năm học, khi phải thực hiện dạy học online 100%, cô Thủy đã đáp ứng được và thực hiện khá tốt công việc của mình.

* Khi giáo viên Văn giỏi công nghệ

Đối với cộng đồng giáo viên giỏi ứng dụng CNTT, đặc biệt là những giáo viên tham gia soạn giảng e-learning, thầy Hoàng Văn Hưởng, giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Phú Tân (xã Phú Tân, H.Định Quán) là cái tên khá quen thuộc.

Thầy Hưởng có kênh YouTube, web và Facebook riêng, chuyên hướng dẫn ứng dụng CNTT trong dạy học. Các video hướng dẫn trên kênh YouTube cá nhân của thầy Hưởng thu hút lượt người xem đông đảo, có từ hàng trăm đến hàng trăm ngàn lượt xem. Mỗi video clip hướng dẫn soạn giảng e-learning, cách sử dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ soạn bài giảng điện tử, bài giảng online… của thầy đăng trên website cá nhân thu hút hàng ngàn lượt xem, tương tác.

Thầy Hưởng không chỉ tập huấn offline cho các giáo viên ở Đồng Nai mà còn tập huấn online cho nhiều giáo viên ở các tỉnh, thành khác. Từ kinh nghiệm, kiến thức của mình, thầy Hưởng còn mở các khóa học (miễn phí hoặc thu phí), thu hút rất đông giáo viên đăng ký tham gia.

Cũng như thầy Hưởng, thầy Phan Tấn Phú, giáo viên môn Toán Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) nhưng lại rất đam mê môn CNTT. Thầy Phú đã dành nhiều thời gian để tự học các kiến thức liên quan đến CNTT, đặc biệt là học lập trình, đòi hỏi thầy phải có nhiều cố gắng.

Hơn 1 năm trước, nhận thấy nhu cầu làm bài tập trắc nghiệm online của học sinh, thầy Phú đã thiết kế 1 ứng dụng làm bài trắc nghiệm online. Ứng dụng này được đăng trên trang blog cá nhân, phục vụ trực tiếp quá trình dạy học của thầy. “Tôi không chuyên về lập trình nhưng đã tận dụng mã nguồn mở có sẵn để thiết kế ứng dụng làm bài trắc nghiệm trực tuyến cho học sinh, vừa làm vừa phát triển dần. Tất cả học sinh tôi dạy chính khóa ở trường đều được cấp mã số để truy cập và làm bài. Ngoài việc cho phép học sinh vào làm để kiểm tra 15 phút, ôn bài, tôi còn sử dụng ứng dụng như một cách để làm tăng sự tập trung, tương tác của học sinh trong quá trình học online” - thầy Phú cho biết.

Hiệu quả của ứng dụng là có thể kiểm tra được kiến thức của học sinh một cách nhanh chóng, có thể phân loại được ngay để chú ý nhiều hơn đến những em hay bị điểm thấp, nhờ đó việc học của lớp được đồng đều.

Hiện nay, đáp ứng yêu cầu làm bài trắc nghiệm của học sinh, nhiều đơn vị đã sáng tạo và cung cấp công cụ làm bài thi trực tuyến miễn phí. Việc sáng tạo ứng dụng của thầy Phú cho thấy thầy đã đi đúng xu hướng dạy học hiện nay. Điều này cũng thể hiện được sự năng động, sáng tạo của thầy.

Thầy PHAN TẤN PHÚ, giáo viên môn Toán Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi hy vọng việc tự học, tự nghiên cứu của mình có thể là một ví dụ để học sinh thấy rằng việc tự học là rất quan trọng và nếu có đam mê, chịu khó thì các em có thể làm được những điều mình mong muốn. Chúng ta đang sống trong “thời đại phẳng”, việc tiếp cận các hình thức, công cụ học tập trở nên dễ dàng hơn. Trong đó, tài nguyên trên internet chính là 1 trường học vô cùng rộng lớn, phong phú”.

Tường Vi

 

Tin xem nhiều