Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm nghẽn trong tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư công

11:10, 20/10/2021

Khó khăn về nguồn lao động được xem là một trong những trở lực lớn nhất để đẩy nhanh tiến độ các dự án cũng như tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công hiện nay.

[links()]Khó khăn về nguồn lao động được xem là một trong những trở lực lớn nhất để đẩy nhanh tiến độ các dự án cũng như tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công hiện nay. Do đó, nếu không giải quyết được điểm nghẽn này, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư sẽ rất khó đạt được kết quả như kỳ vọng.

Công nhân thi công công trình xây dựng Trường mầm non số 3 tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, H.Long Thành. Ảnh: Q.Nhi
Công nhân thi công công trình xây dựng Trường mầm non số 3 tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, H.Long Thành. Ảnh: Q.Nhi

* Khó giải quyết trong ngắn hạn

Kết thúc quý III-2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 40%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu giải ngân đạt 60% nguồn vốn đầu tư công mà tỉnh đặt ra. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này chính là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do đó, để tăng tốc hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn, việc thực hiện tăng ca ở các công trường xây dựng là một trong những giải pháp cấp bách. Tuy nhiên, việc khan hiếm trầm trọng nguồn lao động đang khiến cho giải pháp này khó có thể thực hiện được.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, nguồn lao động tại các công trường xây dựng thuộc các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh chủ yếu đến từ các địa phương khác trong cả nước. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một lượng lớn lao động tại các công trình đã trở về quê. Hiện nay, số lượng lao động trở lại làm việc tại các công trường cũng chưa nhiều. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất đối với việc thực hiện tăng ca, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công hiện nay.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị đang tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của nhà thầu thi công tại các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư để xem xét, kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ, tháo gỡ. Từ đó, hỗ trợ các nhà thầu trong đẩy nhanh tiến độ các dự án.

“Các đơn vị trúng thầu các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh phần lớn là các đơn vị ở các địa phương khác. Do đó, lực lượng công nhân thi công cũng đến từ nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam bộ. Do đó, vấn đề nguồn nhân lực thi công các công trình hiện nay rất khó khăn. Nếu không giải quyết được điểm nghẽn này thì rất khó đẩy nhanh tiến độ các dự án” - ông Hồ Văn Hà cho hay.

Trên thực tế, ngành Xây dựng là một trong những ngành nghề sử dụng rất lớn lực lượng lao động tự do. Trong khi đó, đây lại chính là lực lượng lao động chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch bệnh Covid-19 và một số lượng lớn nguồn lao động này đã trở về quê để giảm bớt khó khăn vì dịch bệnh. Hiện nay, dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội cũng đã được nởi lỏng nhưng số lượng lao động tự do từ các địa phương trở lại Đồng Nai làm việc chưa nhiều.

Theo một số nhà thầu xây dựng, với tình hình dịch bệnh hiện nay, tâm lý lo ngại trong người dân vẫn còn lớn. Vì vậy, nguồn lao động, nhất là lao động tự do tham gia thi công tại các công trình xây dựng sẽ chưa thể giải quyết trong ngắn hạn mà cần thời gian dài mới có thể hồi phục trở lại.

* Cần chính sách ưu tiên để thu hút lao động

Theo ông Hồ Văn Hà, tại các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện lực lượng công nhân đa phần đều đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 để phục vụ thi công. Đây cũng là một trong những ưu tiên của tỉnh để hỗ trợ các nhà thầu xây dựng vừa có thể đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, vừa đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, đối với lực lượng lao động tự do đã trở về các địa phương, nhất là các địa phương “vùng xanh”, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 còn đạt thấp. Đây chính là một trong những khó khăn khiến cho số lượng lao động trở lại làm việc tại công trường xây dựng còn rất thấp. Để thu hút lực lượng lao động tự do trở lại làm việc, ông Hồ Văn Hà cho rằng, trong các đợt thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 thời gian tới cần có sự ưu tiên để tiêm phòng cho lực lượng này.

Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, thị trường lao động hoạt động theo cơ chế cung cầu. Do đó, về nguyên tắc, các nhà thầu xây dựng phải tự chủ động về nguồn lao động để đáp ứng tiến độ thi công. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đơn vị cũng đã có kiến nghị để hỗ trợ các nhà thầu, nhất là trong công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động.

Ngay từ cuối tháng 9-2021, để thực hiện mục tiêu tăng ca, đẩy nhanh tiến độ các dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã có văn bản yêu cầu các nhà thầu xây dựng kế hoạch tăng ca, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Trong đó, đơn vị cũng đã yêu cầu các nhà thầu thống kê, rà soát số lượng công nhân sẽ bổ sung tại các công trình để đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với lực lượng công nhân tăng thêm.

Quỳnh Nhi

 

Tin xem nhiều