Khó khăn lớn nhất hiện nay của nông dân là sản phẩm chăn nuôi, nông sản đến lúc thu hoạch không bán được; cạn kiệt nguồn vốn để duy trì sản xuất.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của nông dân là sản phẩm chăn nuôi, nông sản đến lúc thu hoạch không bán được; cạn kiệt nguồn vốn để duy trì sản xuất.
Các cơ sở giết mổ hoạt động ổn định góp phần gỡ khó đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Trong ảnh: Cơ sở giết mổ tại TP.Long Khánh. Ảnh: L.Q |
Cả nông dân lẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mong được hỗ trợ khơi thông đầu ra cho nông sản và tiếp cận được nguồn vốn vay để vực dậy sản xuất trong khó khăn.
* Khơi thông đầu ra
Hiện nhiều loại nông sản, nhất là mặt hàng trái cây tươi có sản lượng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấn đang chờ tiêu thụ. Cụ thể, hơn 1 tháng qua, toàn tỉnh có 89 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và trang trại sản xuất các nông sản và thực phẩm đã liên hệ với đường dây nóng của Sở NN-PTNT đề nghị được hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản. Sản lượng nông sản bình quân 1 ngày đề nghị hỗ trợ tiêu thụ gồm: hơn 128 tấn rau, trên 184 tấn trái cây, gần 65 tấn thịt gà, gần 119 tấn thịt heo, 14 tấn thủy sản...
Thời gian qua, nông sản bị ùn ứ chủ yếu do hàng loạt chợ đầu mối và chợ truyền thống là kênh tiêu thụ chính đều đồng loạt đóng cửa. Ông Võ Văn Vịnh, thương lái tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) kiến nghị, các chợ đầu mối và chợ truyền thống là đầu mối tiêu thụ và cũng là kênh phân phối chính các mặt hàng thịt, cá, rau củ quả đến người tiêu dùng. Mong chính quyền các địa phương sớm có giải pháp vừa đảm bảo công tác phòng dịch, vừa tổ chức hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Ngoài ra, các tỉnh nên có sự phối hợp chặt chẽ với những giải pháp linh hoạt để tổ chức lưu thông nông sản, kết nối các thị trường tiêu thụ thích ứng với bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Ngoài ra, theo phản ảnh của nhiều thương lái, khó khăn cần tháo gỡ hiện nay là việc vận chuyển nông sản qua các chốt kiểm soát dịch tại nhiều địa phương hiện không dễ, chi phí tăng. Sản phẩm chăn nuôi rớt giá sâu, bị ùn ứ còn có nguyên nhân khâu giết mổ, sơ chế bị gián đoạn khi hàng loạt lò giết mổ lớn ở TP.HCM ngừng hoạt động. Cần sớm có giải pháp để các cơ sở giết mổ hoạt động ổn định mà vẫn đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch.
* Cần tiếp sức bằng nguồn vốn
Trước những khó khăn đang bủa vây sản xuất nông nghiệp, nông dân, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này mong muốn được tiếp sức kịp thời về nguồn vốn để duy trì, ổn định sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Tổ trưởng Tổ Nuôi cá tra VietGAP ở ấp Vàm, xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) cho hay: “Tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng tiền con giống, thức ăn cho ao cá đang nuôi. Tiền đầu tư một phần vay vốn từ ngân hàng đang phải gánh gồng trả lãi. Tôi đành bỏ cá chết dần vì cá đến lứa thu hoạch không bán được, nên không còn vốn để mua thức ăn cho cá”. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh hiện nay. Mong muốn được tiếp cận thêm nguồn vốn vay đang là nhu cầu bức thiết của nông dân, người chăn nuôi.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) cho biết, do thua lỗ nên người chăn nuôi heo không dám đầu tư tái đàn. Từ khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, trại nuôi hầu như không bán được con giống heo thịt cũng như giống hậu bị. Doanh nghiệp đang lỗ khoảng 3 triệu đồng/mỗi con giống hậu bị đang bán ra với giá heo thịt.
Ông Hậu bày tỏ: “Thời điểm này, doanh nghiệp đang đầu tư trang trại sản xuất giống với công nghệ hiện đại nên rất cần nguồn vốn để duy trì sản xuất. Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là vay được nguồn vốn ngân hàng để gồng gánh vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhưng đây là điều rất khó vì trước đây, cùng tài sản thế chấp, doanh nghiệp có thể vay được 10 tỷ đồng thì nay chỉ còn vay được hơn phân nửa vì phía ngân hàng cũng thận trọng hơn do đây là giai đoạn rủi ro cao”.
Lê Quyên