Thời gian gần đây, việc xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm chở quá tải bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ tinh thần không có vùng cấm...
Việc xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm chở quá tải của các ngành chức năng bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, thể hiện rõ tinh thần không có vùng cấm trong kiểm tra, xử lý cũng như kiên quyết không để xảy ra tình trạng “bảo kê”, “chống lưng” xe quá tải, góp phần thiết lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng thanh tra giao thông dùng cân xách tay kiểm tra lưu động tải trọng xe tải ben trên quốc lộ 20 (đoạn qua H.Định Quán). Ảnh: V.NGUYÊN |
[links()]* Không có vùng cấm trong kiểm tra, xử lý
Trong thời gian qua, không chỉ Đồng Nai mà tại nhiều địa phương khác tình hình xe ô tô chở quá tải có dấu hiệu tái diễn ở những địa bàn có mỏ vật liệu, khu vực có các công trình đang thi công. Tình hình khai thác cát tại các mỏ vật liệu có phép và trái phép vẫn diễn ra phức tạp gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây bức xúc dư luận. Do đó, việc kiểm soát, xử lý xe chở quá tải trọng đòi hỏi phải được đẩy mạnh và quyết liệt.
Theo Sở GT-VT, trên địa bàn tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp vận tải, đầu mối hàng hóa đều đã ký cam kết không xếp hàng quá tải lên phương tiện. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tải trọng và đường truyền dữ liệu bàn cân tại 32 hầm mỏ khai thác, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Mới đây, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng hoàn thành lắp đặt hơn 50 camera giám sát tải trọng phương tiện tại 45 cảng, bến thủy nội địa.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm quy định về tải trọng. Đối với một số chủ xe, lái xe vẫn lợi dụng và tìm mọi cách để đối phó, trốn tránh lực lượng chức năng khi phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm; không để tình trạng xe chở quá tải gây hư hỏng công trình hạ tầng giao thông và mất an toàn giao thông. |
Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bùi Văn Tuấn cho biết, việc đưa hệ thống camera giám sát tải trọng tại các mỏ, cảng và bến thủy nội địa vào hoạt động giúp công tác giám sát, xử lý xe quá tải trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn. Việc kiểm soát tải trọng được giám sát, kiểm tra ngay tại nguồn đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn xe chở quá tải lưu thông trên đường.
Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, hiện nay Công an tỉnh đã tăng thêm cán bộ, chiến sĩ tham gia tổ công tác đặc biệt từ 2 tổ lên 4 tổ. Lực lượng đông sẽ tập trung kiểm tra, xử lý quá tải tại nhiều địa bàn, những “điểm nóng” gây hư hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Để công tác xử lý phương tiện chở quá tải đạt hiệu quả cao, lực lượng chức năng sẽ liên tục điều chỉnh thời gian, bố trí lực lượng để phát hiện, xử lý phương tiện vi phạm.
* Tiếp tục tăng cường kiểm soát tải trọng
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và người dân về đường dây nóng của đơn vị, từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng xe quá tải đã tái diễn và ngày càng gia tăng, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường phối hợp triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông trên địa bàn, không để tái diễn tình trạng xe chở quá tải.
Trong đó, các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng công an, thanh tra giao thông, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và các nhiệm vụ khác của địa phương, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
Tại các cảng biển, cảng sông và bến thủy nội địa, lực lượng chức năng phải kiểm tra thường xuyên. Những trường hợp không có giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng giấy phép lưu hành xe giả, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ cần xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm (trong đó có Đồng Nai) kiểm tra, rà soát các xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ-moóc được gắn bộ ben thủy lực và thùng hàng kiểu container 40 feet để chở hàng quá tải.
Võ Nguyên