Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề

04:04, 05/04/2021

Đồng Nai đang hoàn thiện đề án xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề đối với các ngành nghề bị cấm theo Thông tư 19/2018/TT-Bộ NN-PTNT…

Đồng Nai đang hoàn thiện đề án xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề đối với các ngành nghề bị cấm theo Thông tư 19/2018/TT-Bộ NN-PTNT với nhiều giải pháp đồng bộ như: xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, ngư cụ; đào tạo nghề; chính sách tín dụng…

Từ năm 2021, đánh bắt thủy sản bằng đăng chắn bị cấm. Trong ảnh: Đánh bắt thủy sản bằng đăng chắn trên hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.QUYÊN
Từ năm 2021, đánh bắt thủy sản bằng đăng chắn bị cấm. Trong ảnh: Đánh bắt thủy sản bằng đăng chắn trên hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.QUYÊN

Mục tiêu của chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích ngư dân đang làm nghề cấm chuyển đổi nghề dần ổn định cuộc sống, đảm bảo sinh kế và lợi ích kinh tế bền vững cho ngư dân.

* Nhiều chính sách hỗ trợ

Theo nội dung tờ trình về việc phê duyệt đề án xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nhằm tạo điều kiện cho ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề mới, mức hỗ trợ chuyển đổi ngư cụ được đề xuất bằng 50% so với mức đầu tư ngư cụ hiện nay. Trong đó, tùy vào loại ngư cụ mà có mức hỗ trợ cụ thể.

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khác. Cụ thể, hỗ trợ theo từng nhóm ngành nghề khuyến khích ngư dân lựa chọn để chuyển đổi. Với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngư dân trong độ tuổi lao động có thể tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn, trình độ sơ cấp hoặc trung cấp trở lên. Trong đó, các ngành nghề nông nghiệp được khuyến khích đào tạo cho ngư dân gồm: nghề nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt. Với nhóm ngành phi nông nghiệp, khuyến khích học các nghề du lịch, công nhân sơ chế, đóng gói, chế biến thực phẩm, nông sản, tiểu thủ công nghiệp…

Riêng với ngư dân là Việt kiều Campuchia, do phần lớn không biết chữ và trình độ học vấn thấp nên ưu tiên khuyến khích giai đoạn đầu chuyển sang những nghề đánh bắt thủy sản khác phù hợp với quy định về ngư cụ và kích thước mắt lưới và những nghề kỹ thuật đơn giản như: công nhân xây dựng, thợ hàn, công nhân may mặc, giày da…

Đề án cũng đưa ra chương trình miễn, giảm hoặc các hỗ trợ khác cho con em các ngư dân chuyển đổi nghề. Các ngư dân chuyển đổi nghề còn được hưởng các chính sách hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo…

* Đảm bảo sinh kế cho ngư dân

Góp ý để hoàn thiện đề án xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề theo Thông tư 19 trên địa bàn tỉnh, các địa phương đều rất quan tâm đến sinh kế và cuộc sống của ngư dân làm nghề trong danh mục cấm được đảm bảo khi chương trình triển khai trong thực tế.

Ông Nguyễn Trần Phước Lộc, Trưởng phòng NN-PTNT H.Vĩnh Cửu cho rằng, đa số các ngư dân phải chuyển đổi nghề tại địa phương là hộ nghèo, có cuộc sống khó khăn. Do đó, việc thực hiện chuyển đổi nghề cần quan tâm thêm chính sách hỗ trợ lương thực trong thời gian người dân đang học nghề hoặc tìm nghề mới. Đồng thời cần đơn giản hóa chính sách tín dụng đối với người dân khi thực hiện chuyển đổi nghề để họ dễ tiếp cận và tạo ra hiệu quả thực chất.

Cùng quan điểm, đại diện Phòng NN-PTNT H.Định Quán cho biết, trong số các hộ dân phải chuyển đổi nghề có một số hộ ngư dân là Việt kiều Campuchia về sống di cư và đánh bắt thủy sản ở khu lòng hồ Trị An nên rất khó để giải quyết các chính sách. Do đó, đề án cần xác định rõ chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng gồm người dân sống tại địa phương, người dân tạm trú và cả các hộ ngư dân không đăng ký tạm trú để địa phương có cơ sở khi triển khai vào thực tế. Nhiều địa phương khác cũng kiến nghị chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cần cụ thể và phù hợp với điều kiện riêng của từng địa phương. Hỗ trợ giải quyết vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân cho ngư dân là Việt kiều Campuchia đã cư trú ổn định trên địa bàn tỉnh để họ ổn định cuộc sống, được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, tạo điều kiện để con em họ được đến trường…

Trong dự thảo đề án xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề theo Thông tư 19/2018/TT-Bộ NN-PTNT trên địa bàn Đồng Nai, giải pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác thủy sản được chú trọng thực hiện.

Cụ thể, Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra các phương tiện khai thác thủy sản. UBND các huyện, thành phố lập các đoàn kiểm tra thuộc địa bàn quản lý. Ngoài ra, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an ở địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về sử dụng nghề, ngư cụ cấm. Đối với nhóm tàu không đăng ký, đăng kiểm hoạt động khai thác, thời gian tới tiếp tục thống kê đầy đủ kết hợp công tác thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lê Quyên

Tin xem nhiều