Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai sẽ trồng 18 triệu cây xanh

03:04, 27/04/2021

Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai dự kiến sẽ trồng 18 triệu cây xanh gồm: rừng tập trung, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và trồng cây phân tán.

Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai dự kiến sẽ trồng 18 triệu cây xanh gồm: rừng tập trung, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và trồng cây phân tán.

Biểu đồ thể hiện tổng nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (Nguồn: Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai; (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Biểu đồ thể hiện tổng nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (Nguồn: Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai; (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Tỉnh cũng đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng tiêu chí về diện tích cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 với phong trào thi đua, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng tạo thảm xanh cho các vùng nông thôn.

* Nông thôn thiếu thảm xanh

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh trồng mới được 355ha rừng tập trung gồm 185ha rừng đặc dụng, 155ha rừng phòng hộ, 15ha rừng sản xuất. Trồng cây phân tán chủ yếu thông qua phong trào Tết trồng cây được phát động hằng năm. Trong 5 năm qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã trồng hơn 2 triệu cây phân tán các loại như: sao, dầu, xà cừ, keo lai…Tỷ lệ cây sống sau trồng đạt bình quân 70%. Ngoài ra, diện tích rừng trồng lại sau khai thác là 4.560ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 29% vào năm 2020.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, tổng nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025 là gần 317 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh đầu tư dự kiến 30% với kinh phí trên 95 tỷ đồng, nguồn dịch vụ môi trường 10 tỷ đồng, các nguồn vốn khác gần 212 tỷ đồng. Trong các nguồn vốn khác, chủ yếu từ nguồn huy động xã hội hóa, kêu gọi tài trợ hợp tác quốc tế, kết hợp với các chương trình, dự án đầu tư công…

Ông Ngô Văn Vinh, Phó chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, công tác trồng rừng được các địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, công tác trồng rừng mới gặp khó về quỹ đất, đòi hỏi chi phí trồng rừng cao trong khi vốn ngân sách còn hạn chế. Mặt khác, mật độ dân số cao, sức ép vào rừng ngày càng tăng do người dân thiếu đất sản xuất nông nghiệp; tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp. Việc trồng cây phân tán được duy trì thực hiện trong nhiều năm. Địa điểm trồng được thực hiện trong các khuôn viên đơn vị quân đội, UBND các xã, phường, ấp, trung tâm học tập cộng đồng, nhà thờ, nghĩa trang… góp phần bảo vệ môi trường, tăng tỷ lệ cây xanh và độ che phủ rừng. Tuy nhiên, vẫn còn mặt hạn chế là công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ sống của cây trồng phân tán thấp, sinh trưởng và phát triển chậm. Các địa phương, đơn vị chưa chủ động trong việc bố trí nguồn kinh phí, huy động nguồn kinh phí từ các nguồn lực xã hội để thực hiện việc trồng cây xanh trên địa bàn quản lý.

Cắt hom tràm sản xuất giống cây tràm tại xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Cắt hom tràm sản xuất giống cây tràm tại xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Nói về những khó khăn trong thực hiện tiêu chí cảnh quan xanh, các vùng quê vẫn thiếu những thảm xanh, ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất nhận xét, giai đoạn 2016-2020, địa phương được hỗ trợ 15,5 ngàn cây giống nhưng tỷ lệ cây trồng sống chỉ khoảng 30%. Tỷ lệ cây trồng sống thấp vì không được chăm sóc. Ngoài ra, hạn chế là địa phương không còn quỹ đất trồng rừng, chủ yếu là trồng ở đình, chùa, cơ quan hành chính. “Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện, mặt đường hẹp, không có lề nên không có chỗ trồng cây xanh, chưa kể còn nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc. Trong đó có nguyên nhân là nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, chưa quan tâm, giữ gìn cây xanh” - ông Tùng nói.

Cùng quan điểm, bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho rằng, tiêu chí cảnh quan xanh, sạch đẹp trong xây dựng NTM vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Xét cảnh quan chung về môi trường khi đánh giá NTM, NTM nâng cao hay NTM kiểu mẫu hiện mới ở mức độ yêu cầu có một tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp làm điểm. Thực tế, nhiều địa phương chưa thực hiện được các tuyến đường xanh chứ chưa xét đến ở góc độ từng hộ gia đình, khu công cộng khác... Tỷ lệ cây xanh sống thấp do việc trồng cây phân tán ở một số nơi còn mang tính đối phó; các địa phương cũng chưa có mô hình tự quản nào chăm sóc, quản lý cây xanh sau khi Nhà nước trồng; dù quy định pháp luật có, mức phạt có nhưng không thực thi nên các hành vi xả rác, làm cây chết chưa bị xử lý...

* Trồng 18 triệu cây xanh

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỷ cây xanh, mục tiêu của Đồng Nai đến năm 2025 sẽ trồng 18 triệu cây xanh. Trong đó có 13,6 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 4,4 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Mục tiêu nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng sống người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Trồng cây xanh tại núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc).  Ảnh: Hoàng Lộc
Trồng cây xanh tại núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc). Ảnh: Hoàng Lộc

Tuy nhiên trong thực tế đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh chỉ mới đăng ký trồng 6,6 triệu cây, cây phân tán đạt gần 70%, cây tập trung khoảng 30%, đạt mức thấp so với mục tiêu đặt ra theo đề án của Thủ tướng Chính phủ.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Phó chánh Văn phòng điều phối chương trình NTM tỉnh Lê Văn Gọi cho biết, mục tiêu Đồng Nai đặt ra trong xây dựng NTM là xây dựng nông thôn giàu bản sắc hơn, nông thôn có môi trường sinh thái tốt hơn. Nhưng trong quá trình thực hiện tiêu chí này còn nhiều bất cập, nhất là nội dung “xanh” trong tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp vẫn chưa được cụ thể hóa. Theo đó, hàm lượng “xanh” này còn nhiều vấn đề và phải thừa nhận rằng có nơi vẫn nặng về hình thức và nặng về tính đối phó. Mục tiêu đặt ra là phải thực hiện được những mảng xanh thực sự bền vững cho các vùng nông thôn, đô thị. “Chúng tôi đề xuất đưa chỉ tiêu trồng cây xanh, trồng cây phân tán vào Bộ tiêu chí NTM và được thực hiện ngay từ năm 2021. Về căn cứ pháp lý là Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành NN-PTNT nghiên cứu đưa chỉ tiêu trồng cây phân tán vào chỉ tiêu NTM. Căn cứ pháp lý thứ 2 là việc trồng cây cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc” - ông Gọi nói.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều