Báo Đồng Nai điện tử
En

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng...

11:04, 12/04/2021

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất, Sở Y tế đề nghị tất cả các cơ sở tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai quy trình tiêm chủng an toàn.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài đề nghị tất cả các cơ sở tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật lực, trang thiết bị để triển khai quy trình tiêm chủng an toàn.

Tiêm vaccine phòng bệnh thông thường cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: A.Yên
Tiêm vaccine phòng bệnh thông thường cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: A.Yên

* Những điều cần biết về vaccine AstraZeneca

Vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất được nghiên cứu và phát triển bởi Trường đại học Oxford, được Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15-2-2021 cùng với 2 loại vaccine khác. Vaccine này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Việt Nam, vaccine AstraZeneca được Bộ Y tế phê duyệt ngày 1-2-2021, đóng gói mỗi hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml. Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh Covid-19 từ 62-90%. Vaccine này được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8OC và không để đông băng vaccine. Lọ vaccine chưa mở bảo quản ở 2-8OC được phép sử dụng trong vòng 6 tháng kể từ ngày sản xuất. Lọ vaccine đã mở chỉ được sử dụng trong vòng 6 giờ kể từ khi mở và được bảo quản ở 2-8OC, tránh tiếp xúc trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời. Mỗi điểm tiêm chủng được bố trí không quá 100 người được tiêm/buổi tiêm.

Vaccine AstraZeneca được chỉ định tiêm cho người từ đủ 18 tuổi trở lên. Mỗi người tiêm 2 mũi, cách nhau từ 4-12 tuần.

* Quy trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, các điểm tiêm chủng được bố trí theo nguyên tắc một chiều, đảm bảo giãn cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng.

Người dân khi đến tiêm chủng sẽ được cán bộ y tế đón tiếp, yêu cầu đeo khẩu trang, hướng dẫn thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, sàng lọc những trường hợp nghi ngờ có bệnh đường hô hấp và có yếu tố dịch tễ.

Người được tiêm chủng sẽ được khám sức khỏe sàng lọc trước tiêm (tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, những vấn đề sức khỏe đặc biệt, tiền sử tiêm chủng trong vòng 14 ngày). Sau đó, nhân viên y tế đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của người được tiêm chủng, kiểm tra thân nhiệt, đo huyết áp, khám thực thể tùy từng trường hợp và chỉ định tiêm hay không.

Người dân ngồi chờ, theo dõi 30 phút sau tiêm tại một cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh
Người dân ngồi chờ, theo dõi 30 phút sau tiêm tại một cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh

Nếu được chỉ định tiêm, đối tượng được tiêm sẽ được nhân viên y tế tư vấn đọc thông tin và ký phiếu đồng ý tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19; hướng dẫn các đối tượng tiêm chủng sau khi tiêm vaccine vẫn phải thực hiện tốt thông điệp 5K trong phòng, chống dịch bệnh; tải app Sổ sức khỏe điện tử và đăng ký tài khoản trên ứng dụng để theo dõi lịch sử tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và chủ động khai báo về sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

* Sau khi được tư vấn kỹ, người thuộc diện được tiêm sẽ được tiêm vaccine

BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai lưu ý các nhân viên y tế cần bảo quản vaccine đúng quy định, kiểm tra nhãn lọ vaccine, hạn sử dụng lọ vaccine, màu sắc lọ vaccine, nếu không có nhãn, quá hạn sử dụng, thay đổi màu sắc phải hủy bỏ. Đặc biệt, không được lắc lọ vaccine. Vaccine đóng lọ 10 liều. Tuy nhiên trên thực tế, lọ vaccine đóng trên 5ml nên cần thực hiện tiêm cho đến khi hết lượng vaccine có trong lọ. Trường hợp liều cuối cùng không đủ 5ml thì nhân viên y tế không sử dụng và hủy bỏ cả bơm kim tiêm đã hút vaccine, không dồn vaccine từ 2 lọ khác nhau để tiêm cho một đối tượng.

Những phản ứng thông thường sau tiêm vaccine thường gặp như: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh, sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Ngoài ra, cũng có thể có các trường hợp tai biến nặng như dị ứng, sốc phản vệ.

Người được tiêm cũng sẽ được hướng dẫn ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Sau khi về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe, không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm, theo dõi biểu hiện tại chỗ tiêm, theo dõi thân nhiệt, nếu sốt thì sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường gì về sức khỏe thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và kịp thời xử trí. Người dân cần đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: sốt cao trên 39OC, khó hạ nhiệt độ, co giật, phát ban, khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ, khó thở…

* Những trường hợp tạm hoãn và không tiêm vaccine

Nhân viên y tế sẽ không tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đối với các trường hợp có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trước đó; những người quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vaccine AstraZeneca.

Tạm hoãn tiêm chủng với các trường hợp sau: đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mạn tính tiến triển; những người đang mắc bệnh Covid-19 được xét nghiệm chẩn đoán dương tính bằng phương pháp PCR (những người này có thể được chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh); người có tiền sử điều trị sử dụng kháng thể kháng Covid-19 trước đó; những người đã tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trở lại trước khi muốn tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đối với nhóm người từ 65 tuổi trở lên, nhóm người mắc bệnh nền là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc Covid-19 nặng và tử vong cao nên được xác định là nhóm đối tượng nguy cơ, cần được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Nhóm người phụ nữ mang thai được khuyến cáo tiêm chủng nếu lợi ích của việc tiêm phòng vượt trội hơn các rủi ro tiềm ẩn của vaccine. Chẳng hạn như họ là nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc có các bệnh đi kèm nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19. Nhóm phụ nữ cho con bú nên tiêm vaccine nếu họ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ như nhân viên y tế, không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vaccine.

Trong quá trình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất tại Việt Nam, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% các trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị gì. Đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vaccine phòng Covid-19 mà còn ở các loại vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như: sởi, ho gà, uốn ván…

An Yên

 

Tin xem nhiều