Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng quán 'bủa vây' không gian công cộng

04:04, 12/04/2021

Là đô thị loại I với hơn 1,2 triệu dân, TP.Biên Hòa đang nỗ lực cải tạo cảnh quan chung như: tạo thêm những mảng xanh cho thành phố; ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường… nhằm từng bước lập lại trật tự đô thị,...

Là đô thị loại I với hơn 1,2 triệu dân, TP.Biên Hòa đang nỗ lực cải tạo cảnh quan chung như: tạo thêm những mảng xanh cho thành phố; ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường… nhằm từng bước lập lại trật tự đô thị, nhất là ở các khu vực, không gian công cộng (công viên, vỉa hè, khu đất công…) đang bị hàng quán “bủa vây”.

Một quán cà phê lấn chiếm hết cả lối đi trên vỉa hè công viên Long Bình. Ảnh: P.LIỄU
Một quán cà phê lấn chiếm hết cả lối đi trên vỉa hè công viên Long Bình. Ảnh: P.LIỄU

Hiện nay, nhiều không gian công cộng trên địa bàn thành phố, trong đó có một số công viên, vỉa hè đang được sử dụng làm nơi buôn bán, để hàng hóa và giữ xe… khiến khoảng xanh vốn ít ỏi lại càng bị thu hẹp, làm giảm chất lượng hưởng thụ đời sống tinh thần của người dân Biên Hòa, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.

* “Biến” không gian công cộng thành nơi buôn bán

Công viên Long Bình (thuộc P.Bình Đa) được xem là “lá phổi xanh” rất quan trọng trong việc làm giảm tác hại của khí thải từ hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp; hấp thụ khói bụi, ô nhiễm, tiếng ồn từ hoạt động lưu thông trên quốc lộ 1 và đường Bùi Văn Hòa; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt tinh thần, vui chơi giải trí cho hàng trăm ngàn cư dân của các phường: Long Bình, Tam Hiệp, Tam Hòa, Bình Đa… Quan trọng thế, nhưng lâu nay, một công viên ở vị trí đắc địa, xanh và đẹp như công viên Long Bình đã không được nhiều người dân lựa chọn đến vui chơi. Hơn 1 năm trước đây là do không khí bị ô nhiễm bởi một bãi trung chuyển rác được đặt gần công viên (bãi rác này đã được dời đi nơi khác vào tháng 4-2020 ), còn hiện nay là do công viên bị hàng quán bao quanh.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, trên địa bàn thành phố hiện có 30 không gian xanh, bao gồm: công viên, hoa viên và khu du lịch. Thế nhưng, không gian xanh thực sự đáp ứng các tiêu chí của một công viên thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn chiếu theo tiêu chuẩn quốc gia đối với công viên ở đô thị loại I thì không có công viên nào ở TP.Biên Hòa đạt chuẩn. Thế nhưng, hiện nay nhiều công viên đang bị hàng quán lấn chiếm, khiến cho không gian sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân bị ảnh hưởng khi những khoảng xanh bị thu hẹp.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai vào ngày 8-4, tại công viên Long Bình có 7 quán cà phê, giải khát bao quanh. Hàng trăm chiếc ghế được đặt san sát nhau trên lối đi quanh công viên. Tối đến, thêm hàng chục xe bán hàng rong, thức ăn nhanh kéo tới… khiến không gian ở đây chật chội, ồn ào.  Ngoài ra, một số người còn ngồi đánh bài sát phạt nhau ở những quán cà phê này.

Công viên 30-4 (thuộc P.Tân Biên) - nằm ở khu vực tiếp giáp với quốc lộ 1 và đường Nguyễn Ái Quốc cũng là “điểm nhấn xanh” cho khu vực có mật độ dân cư lớn ở các phường: Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa. Tuy nhiên, người dân rất ít đến công viên 30-4 để thư giãn vì lâu nay công viên đã bị biến thành…  “tư viên”.

Buổi sáng hằng ngày, những người buôn bán ở khu chợ tự phát gần công viên 30-4 tận dụng công viên để làm nơi tập kết hàng hóa, đặt để dụng cụ buôn bán. Thêm vào đó là một điểm giữ xe trên vỉa hè và một số xe đẩy bán đồ ăn sáng, ăn vặt bao quanh. Nếu thấy lực lượng chức năng của phường đi kiểm tra thì các xe hàng rong được đẩy đi nơi khác; hàng hóa được lấy ra khỏi công viên. Nhưng chỉ cần lực lượng chức năng đi khỏi thì đâu lại vào đấy.

Không chỉ ở các công viên, một số tuyến đường cũng có vỉa hè bị lấn chiếm để buôn bán suốt nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể như vỉa hè ở đường quanh khu vực hành lang sân vận động Đồng Nai (thuộc P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) bị các hàng quán lấn chiếm để kinh doanh quán nhậu, đồ ăn vặt, nước giải khát. Sau nhiều lần nỗ lực, cơ quan chức năng vẫn chưa cưỡng chế giải tỏa được “phố nhậu” này.

Ngoài ra, một số khu vực đất công cũng đang bị lấn chiếm để buôn bán như khu đất trống bên cạnh di tích Nhà lao Tân Hiệp (thuộc P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) được quy hoạch xây dựng công viên B5. Không gian ở đây đang bị nhiều hàng quán lấn chiếm để buôn bán (chủ yếu là buổi tối) ồn ào, bát nháo.

* Trả lại “không gian xanh” cho người dân

Lý giải cho nghịch lý công viên có sẵn, cỏ cây xanh tươi nhưng không mấy người dân ghé đến như công viên Long Bình, bà Nguyễn Thị Lành (ngụ P.Long Bình) cho hay, hiện hàng quán lấn chiếm không còn lối cho người đi bộ quanh công viên, nhất là vào buổi chiều và tối. Tình hình an ninh ở khu công viên này lại phức tạp.

Nhiều hàng quán lấn chiếm công viên 30-4 (TP.Biên Hòa) để buôn bán
Nhiều hàng quán lấn chiếm công viên 30-4 (TP.Biên Hòa) để buôn bán

“Tôi rất mong cơ quan chức năng dẹp bớt hàng quán đang lấn chiếm công viên để trả lại không gian xanh yên lành cho người dân, đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh ở đây để người dân yên tâm đến công viên thư giãn” - bà Lành kiến nghị.

Tương tự, chị Lương Thị Hoàng (ngụ P.Tân Biên) cho biết: “Tôi thấy UBND P.Tân Biên cũng ráo riết dọn dẹp hàng quán ở công viên. Vào giờ hành chính không có hàng quán ở khu vực công viên. Nhưng vào sáng sớm khi người dân cần đến công viên để tập thể dục thì nơi đây lại được dùng làm nơi tập kết hàng hóa và những xe hàng rong bán đồ ăn sáng cho công nhân. Chiều tối mọi người cần ra công viên thư giãn, đưa trẻ con đi hóng mát thì quán cà phê, xe đẩy bán thức ăn nhanh đậu chật kín, trẻ con không còn chỗ mà chạy nhảy”.

Nhiều ý kiến người dân cho rằng, các ngành chức năng của TP.Biên Hòa và chính quyền các địa phương cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa để dẹp bỏ các hàng quán ở các không gian công cộng, đặc biệt là các công viên có vị trí đắc địa nói trên nhằm trả lại không gian xanh cho người dân thành phố; giữ gìn mỹ quan đô thị, từng bước lập lại an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo kiến trúc sư HÀ DUY THẠCH, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, công viên là mảng xanh rất giá trị trong đời sống đô thị, không chỉ giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế tiếng ồn mà còn góp phần tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan, tạo sự tương tác cộng đồng. Ở Biên Hòa quy hoạch những công viên đạt chuẩn, đặc biệt là đạt chuẩn về diện tích công viên của một đô thị loại I là rất khó vì quỹ đất khan hiếm. Do đó, đối với những không gian xanh hiện có, cần bảo tồn và phát huy giá trị cao nhất, tránh để xảy ra tình trạng hàng quán lấn chiến công viên, làm mất đi giá trị cảnh quan, yên tĩnh cũng như sự riêng tư của người dân khi đến với công viên.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích