Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nghiệp hỗ trợ 'hút' doanh nghiệp FDI

03:03, 22/03/2021

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành cung ứng sản phẩm đầu vào cho thị trường trong nước và xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vì thế, Đồng Nai nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành cung ứng sản phẩm đầu vào cho thị trường trong nước và xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

Đồ họa thể hiện tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và số lượng doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và số lượng doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh hiện nay. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

[links()]Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là lĩnh vực các DN FDI rất chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

* Nhiều dự án lớn

Những năm gần đây, các dự án đầu tư mới của DN FDI vào các khu công nghiệp ở Đồng Nai có khoảng 40% thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì thế, ngành Công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai ngày càng phát triển, đúng theo yêu cầu của tỉnh cũng như cả nước là ưu tiên thu hút, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, các nước châu Âu. Trong đó, DN chủ yếu đầu tư vào các sản phẩm như: điện tử, linh kiện, thiết bị máy móc, phụ tùng, xơ sợi dệt, vải...

Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết: “Khoảng 4 năm nay, các DN Nhật Bản liên tục đầu tư mới, mở rộng dự án tại Đồng Nai. Hiện các DN Nhật Bản xếp thứ 3 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký gần 5 tỷ USD. Lĩnh vực các DN Nhật Bản đầu tư nhiều là sản xuất linh kiện máy móc, thiết bị cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu”. Trung bình nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Đồng Nai những năm gần đây tăng 200-250 triệu USD/năm.

Theo Sở Công thương, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, có hơn 60% thuộc các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 500 DN FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

Từ năm 2019 đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận được nhiều dự án mới về công nghiệp hỗ trợ có vốn lớn như: dự án Công ty TNHH Otsuka Techno Việt Nam (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (H.Nhơn Trạch), vốn đăng ký 72 triệu USD, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử. Dự án Công ty TNHH Sebang Battery Vina (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch, vốn đầu tư đăng ký hơn 60 triệu USD, sản xuất các loại pin, ắc-quy. Dự án Nhà máy Công ty TNHH Dae Young Textile Việt Nam (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6, vốn đầu tư đăng ký 16 triệu USD sản xuất các loại vải. Dự án Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity (Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 2 (H.Trảng Bom - TP.Biên Hòa), với tổng vốn 100 triệu USD, sản xuất linh kiện điện tử...

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2. Ảnh: Hương Giang
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2. Ảnh: Hương Giang

Cũng trong hơn 2 năm qua, hàng loạt DN FDI tăng thêm vốn lớn để xây dựng nhà xưởng, sản xuất các sản phẩm đầu vào cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó có dự án Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành), vốn đầu tư tăng thêm 72 triệu USD sản xuất các loại xi lanh, van, cụm van, chi tiết thiết bị khí nén. Dự án Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam (Đức) tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa), tăng vốn thêm 50 triệu USD để sản xuất các loại vòng bi lớn, nhỏ cho các loại máy móc công nghiệp, nông nghiệp, robot. Dự án Nhà máy Bosch Powertrain Solutions tại Việt Nam (Hà Lan) tại Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành), tăng vốn gần 94 triệu USD nâng công suất nhà máy sản xuất một số linh kiện cho ô tô. Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Đài Loan) Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, tăng vốn gần 93 triệu USD sản xuất các loại sợi xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Long Đức, tăng thêm 70 triệu USD...

Theo ông Georg F.W. Schaeffler, Chủ tịch Tập đoàn Schaeffler, sau một thời gian đầu tư vào Đồng Nai khá hiệu quả, tập đoàn đã quyết định tăng thêm vốn, xây dựng nhà máy, mở thêm các dây chuyền sản xuất tự động ứng dụng công nghệ 4.0 đưa ra các loại vòng bi hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế. Dự định của Tập đoàn Schaeffler sẽ còn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Đồng Nai.

* Tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng

Các DN FDI đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phần lớn đã có liên kết với các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, nên đầu ra của sản phẩm tương đối thuận lợi. Đơn cử, có nhiều DN FDI tại Đồng Nai đang sản xuất các loại linh kiện điện tử cung ứng cho Tập đoàn Samsung như: Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity, Công ty TNHH Platel Vina. Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, sản xuất các động cơ máy bay cho các tập đoàn sản xuất máy bay lớn của thế giới. Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai cung ứng sản phẩm sợi cho nhiều tập đoàn lớn tại Hoa Kỳ, châu Âu...

Ông Kim Byunggi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity chia sẻ: “Mấy năm trước, công ty đầu tư một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Amata để cung cấp cho Tập đoàn Samsung. Gần đây, Samsung đề nghị công ty tăng công suất, đáp ứng các đơn hàng lớn. Do đó, công ty quyết định đầu tư thêm dự án mới khoảng 100 triệu USD để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc lắp đặt dây chuyền với công suất 10,8 triệu sản phẩm module hiển thị tinh thể lỏng, bản mạch điện tử/năm bán cho Samsung”.

Sản xuất thiết bị máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom)
Sản xuất thiết bị máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom)

Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp của nhiều nước trên thế giới. Trong đó, có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ phải đóng cửa hàng loạt các nhà máy, dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất trong 2-3 tháng liền. Do đó, các tập đoàn đa quốc gia đã có những cuộc đàm phán, phân bố lại chuỗi cung ứng toàn cầu để không quá lệ thuộc vào một vài quốc gia lớn như Trung Quốc, Ấn Độ. Việt Nam như nơi được các tập đoàn đa quốc gia chọn dịch chuyển nhiều đơn hàng qua vì phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tốt, chính trị ổn định, DN có trình độ tay nghề khá đáp ứng những đơn hàng khó trong thời gian ngắn.

Ông Ahn Seong Ho, Tham tán Thương mại, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM đánh giá: “Trong 5 năm qua, các DN Hàn Quốc liên tục mở rộng đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, có nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ thuộc ngành nghề tỉnh đang ưu tiên mời gọi. Những DN Hàn Quốc ở Đồng Nai hầu hết có liên kết cung cấp sản phẩm cho những tập đoàn lớn của thế giới và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Do thu hút đầu tư có chọn lọc nên tỉnh đã mời gọi được nhiều DN FDI bỏ vốn để sản xuất các sản phẩm đầu vào cho các ngành hàng: giày dép, dệt may, máy móc, máy tính. Có những DN FDI lúc đầu chỉ đăng ký vốn từ triệu đến vài chục triệu USD, nhưng sau thời gian tìm được các đối tác là những tập đoàn lớn trên thế giới, ký hợp đồng dài hạn đã tăng vốn đầu tư gấp 2-4 lần để nâng công suất. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới Đồng Nai tiếp tục là nơi được nhiều DN FDI đầu tư mới và mở rộng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Vì thế, tỉnh có thêm các cơ hội để lựa chọn các dự án công nghiệp hỗ trợ có vốn lớn, giá trị gia tăng cao góp phần phát triển công nghiệp bền vững cho tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích