Báo Đồng Nai điện tử
En

Hãy bắt đầu từ gia đình

04:12, 30/12/2020

Để thay đổi hành vi giao tiếp, ứng xử của trẻ theo chiều hướng tích cực thì phải bắt đầu từ trong chính mỗi gia đình. Bên cạnh đó, nhà trường cần cho trẻ tham gia thảo luận trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử.

TS Lê Minh Công
TS Lê Minh Công

Để thay đổi hành vi giao tiếp, ứng xử của trẻ theo chiều hướng tích cực thì phải bắt đầu từ trong chính mỗi gia đình. Bên cạnh đó, nhà trường cần cho trẻ tham gia thảo luận trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Có như vậy, trẻ mới thực sự hiểu để tuân theo những chuẩn mực trong văn hóa, trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày.

Đó là những chia sẻ của TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) với Báo Đồng Nai.

* Dễ dàng tiếp cận nhưng chưa đủ “bộ lọc”

 Hiện nay, việc học sinh nói tục, chửi thề đã trở nên phổ biến. Theo ông, đâu là những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này?

- Thú thật mà nói là cho đến hiện nay, tôi chưa đọc tài liệu nghiên cứu nào liên quan đến hành vi nói tục, chửi thề trong học sinh. Vì vậy, khó có thể đưa ra những số liệu cụ thể về thực trạng này. Tuy nhiên, rõ ràng việc học sinh thường xuyên nói tục, chửi thề là một thực tế đang có chiều hướng gia tăng.

Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, tôi chỉ bàn ở 2 góc độ: xã hội và tâm lý.

Về mặt xã hội, cũng chính là nguyên nhân khách quan, thì yếu tố đầu tiên phải kể đến chính là sự ảnh hưởng về yếu tố văn hóa, bối cảnh xã hội, môi trường sống của học sinh. Môi trường sống ở đây bao gồm cả gia đình, khu phố, trường học. Những tác động từ môi trường sống rất quan trọng. Nếu trong chính gia đình, chòm xóm, trường học của trẻ thường xuyên có người nói tục, chửi thề thì chắc chắn trẻ sẽ bị ảnh hưởng.

Môi trường thứ 2 đang có tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến trẻ chính là mạng xã hội.  Không chỉ ngôn ngữ đời thường, các youtuber, facebooker, streamer… còn sử dụng cả những ngôn ngữ thô tục trên mạng. Rất nhiều trẻ lại thích coi những chương trình như vậy.

Nhờ có công nghệ thông tin, internet, quá trình tiếp cận, tiếp biến văn hóa diễn ra rất nhanh và rộng khắp. Do vậy, trẻ tiếp cận văn hóa quá nhanh nhưng lại chưa có đủ “bộ lọc” để chọn lọc những giá trị tích cực, loại bỏ yếu tố tiêu cực.

Về khía cạnh tâm lý, cũng là yếu tố mang tính chủ quan, thì trẻ ở độ tuổi THCS, THPT đang trong giai đoạn đồng nhất hóa. Tức là trẻ tiếp thu xã hội nhanh hơn lứa tuổi khác, học tập xã hội một cách mạnh mẽ, hướng tới hình ảnh xã hội mà trẻ đang sống để trưởng thành theo.

Một yếu tố nữa, học sinh THCS, THPT trong giai đoạn loạn năng phát triển. Các em bị mâu thuẫn giữa sự lớn lên nhanh chóng của cơ thể nhưng lại chưa đủ trải nghiệm, trưởng thành về mặt tâm trí. Do vậy, trẻ học theo để làm người lớn nhưng lại không kiểm soát được để chọn lọc cái tích cực và loại bỏ cái tiêu cực.

Mặt khác, chửi bậy có thể là sự phòng vệ hoặc phóng chiếu những cảm xúc tiêu cực của trẻ. Hiện nay, trẻ cũng phải chịu nhiều áp lực nhưng lại không có nơi để bộc lộ. Hai nơi an toàn để bộc lộ chính là trên mạng xã hội và với bạn bè. Đây cũng là 2 nơi đồng đẳng đối với các em nên các em có thể nói theo bất cứ cách thức nào. Chính vì vậy, ta có thể hiểu được vì sao khi nói chuyện với bạn bè hay giao tiếp trên mạng xã hội, trẻ lại thường thoải mái nói tục như thế.

 Hiện nay, ngành Giáo dục đang đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, các trường học đều có nội quy, bộ quy tắc ứng xử buộc học sinh phải tuân thủ. Vậy tại sao tình trạng này vẫn diễn ra, thưa ông?

- Nhìn một cách hệ thống và bối cảnh, không phải ngẫu nhiên người ta nói “cần cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”. Do vậy, ít nhất là gia đình và nhà trường cần phải có sự thống nhất trong việc giáo dục về văn hóa cho trẻ, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Chẳng hạn, ở trường trẻ buộc phải tuân theo chuẩn mực: không được nói tục, chửi thề, không được đánh nhau… nhưng về nhà lại phải chứng kiến những hành vi đó của cha mẹ mình thì mọi nội quy ở trường đưa ra cũng khó có tác dụng. Bởi lẽ chúng ta chỉ có thể cấm trẻ về mặt hành vi chứ không thay đổi nhận thức của trẻ được.

Theo tôi, muốn xây dựng nền tảng văn hóa cho trẻ phải bắt đầu xây dựng từ gia đình trước, không thể “đổ” cho nhà trường được. Nếu như 1 ngàn học sinh ở trường được giáo dục trong 1 ngàn gia đình có nền tảng văn hóa tốt thì lẽ đương nhiên là trường học đó sẽ tốt.

Về trách nhiệm của nhà trường, muốn trẻ tuân thủ bộ quy tắc ứng xử trong trường học thì trước tiên trẻ phải được hiểu về những chuẩn mực trong bộ quy tắc đó. Do vậy, thay vì đưa ra thông tin, nội quy một cách khô cứng thì giáo viên nên thảo luận với trẻ (kể cả học sinh tiểu học) để cùng đề ra những chuẩn mực cần tuân thủ. Như vậy, trẻ mới “ngấm”, hiểu được hành vi nào là đúng, hành vi nào là sai để thực hiện.

* Kết nối các thành viên trong gia đình

 Hiện nay, học sinh đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến từ môi trường internet. Tuy nhiên, phần nhiều cha mẹ, thầy cô vẫn chưa có sự kết nối với con trên “không gian mạng” để có sự kiểm soát, can thiệp cần thiết. Ý kiến của TS về vấn đề này như thế nào?

- Thật ra, hiện nay cấm trẻ sử dụng mạng xã hội là rất khó. Vấn đề là phải làm sao để hạn chế và để cho trẻ sử dụng phù hợp. Vì vậy, khi cho con sử dụng mạng xã hội thì cha mẹ phải có cách để tìm hiểu hoạt động của con trên môi trường mạng. Khi con có hoạt động không chuẩn mực, cha mẹ nên tìm cách nói chuyện, chia sẻ với con, giúp con nhận thức được những tiêu cực để dần tránh xa.

Phụ huynh nên thường xuyên gần gũi, lắng nghe và chia sẻ cùng con để giúp con tiến bộ (trong ảnh, phụ huynh tham gia hội thi làm lồng đèn cùng con)
Phụ huynh nên thường xuyên gần gũi, lắng nghe và chia sẻ cùng con để giúp con tiến bộ (trong ảnh, phụ huynh tham gia hội thi làm lồng đèn cùng con). Ảnh:H. Yến

Tôi biết có những giáo viên lập group (nhóm) chung của lớp, ngoài phục vụ chuyên môn còn chia sẻ những câu chuyện tích cực để tác động dần học trò. Nếu giáo viên quan tâm học trò thì họ sẽ biết cách để tác động đến trẻ.

Khi một xã hội hay một tổ chức bị loạn chức năng thì những cái xấu sẽ trỗi dậy, lấn át. Do vậy, giải pháp phải hướng đến làm sao cho tổ chức trường học, gia đình phát triển lành mạnh, đúng chức năng, thầy ra thầy, trò ra trò…

Tất nhiên, trẻ sẽ chịu ảnh hưởng từ bạn bè, từ mạng xã hội, nhất là đối với lứa tuổi học sinh THCS. Tuy nhiên, nếu như cha mẹ, thầy cô gần gũi với trẻ thì tôi tin là trẻ sẽ sẵn sàng chia sẻ. Tôi cho rằng, chúng ta nên thay đổi nhận thức về “dạy dỗ, bảo ban” theo cách truyền thống là áp đặt một chiều, mà phải có sự thảo luận, thậm chí là tranh luận để đồng hành với con.

Tôi tin là nếu có một hậu phương mà trẻ tin tưởng thì chắc chắn trẻ sẽ chia sẻ, bộc lộ. Cha mẹ, thầy cô hãy biết lắng nghe, chia sẻ và biết chấp nhận trẻ, kể cả những khuyết điểm, sai lầm của trẻ để dần dần giúp trẻ tiến bộ.

 Dường như ngày càng nhiều người lớn bàng quan trước thói hư, tật xấu của trẻ không phải là con mình. Bởi thế, người ta không sẵn sàng nhắc nhở nếu tình cờ bắt gặp một trẻ có hành vi thiếu chuẩn mực. Theo TS, có giải pháp nào cho vấn đề này không?

- Thành thực mà nói, hô hào để cộng đồng cùng làm là rất khó. Ta không thể hô hào người khác hãy làm thế nọ, hãy làm thế kia được. Vì vậy, giải pháp đầu tiên vẫn là mỗi người hãy theo đúng chức phận, vị trí của mình để ứng xử cho tốt.

Xã hội đang quá nhiều bất ổn trong khi con của chúng ta chưa có đủ kỹ năng, nhận thức để hiểu được như người lớn. Do vậy, phụ huynh hãy kiểm soát những bất ổn có thể tác động xấu đến con. Chính phụ huynh phải làm gương, thường trò chuyện với con cái để tăng cường nhận thức của con.

Phải có sự chuẩn mực từ gia đình trước. Khi cha mẹ thường xuyên chia sẻ, trò chuyện, nhắc nhở con thì trẻ mới biết đâu là đúng - sai để làm hoặc tránh. Hoặc trong trường hợp trẻ mắc phải sai lầm, nếu cha mẹ làm bạn được với trẻ thì trẻ mới dám chia sẻ, thổ lộ. Còn nếu gia đình thiếu gắn kết mà thừa sự tách biệt thì trẻ sẽ giấu trong lòng, điều đó có thể khiến trẻ trượt dài trong sai lầm. Phụ huynh hãy dành nhiều thời gian hơn cho con để làm bạn với con. Chúng ta hãy nhớ các tiêu chí: làm gương, lắng nghe, thấu hiểu chân tình. Đó không chỉ là cách để các thành viên trong gia đình kết nối với nhau mà cũng là điều kiện cần thiết để giáo dục tích cực cho trẻ.

 Xin cảm ơn ông!

Tường Vi (thực hiện)

Tin xem nhiều