Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 262 người mắc. Cả 2 vụ ngộ độc thực phẩm này đều xảy ra tại bếp ăn tập thể của công ty và đối tượng mắc là công nhân lao động.
Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 262 người mắc. Cả 2 vụ ngộ độc thực phẩm này đều xảy ra tại bếp ăn tập thể của công ty và đối tượng mắc là công nhân lao động.
Các công nhân của Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (H.Trảng Bom) bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ngày 20-7. Ảnh: An Yên |
[links()]So với cùng kỳ năm 2019, trong 7 tháng đầu năm 2020, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhưng số người mắc lại tăng cao.
* Thức ăn nhiễm vi sinh dẫn đến ngộ độc
2 công ty để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể là: Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (chuyên sản xuất giường, tủ, bàn ghế, đóng tại Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom), xảy ra ngộ độc thực phẩm tối ngày 20-7 làm 113 công nhân mắc; Công ty TNHH Starite International Việt Nam (tên gọi khác là Công ty Kỳ Lợi, đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom), xảy ra vào cuối tháng 3-2020 làm 149 công nhân mắc.
Theo Sở Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc tập thể làm 262 người mắc, giảm 1 vụ ngộ độc thực phẩm nhưng tăng 218 người mắc so với cùng kỳ năm 2019 (7 tháng của năm 2019 toàn tỉnh có 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 44 người mắc). |
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền, bữa cơm mà công nhân ăn hôm bị ngộ độc gồm một số món như: cá biển chiên, trứng, canh. Các món ăn này được nhà thầu nấu tại bếp ăn tập thể của công ty. Rất có thể nguyên nhân gây ra các triệu chứng ngộ độc của công nhân là từ món cá biển chiên. Cá này được nhà cung cấp mua về để tại tủ đông của bếp ăn, sau đó rã đông và chiên lên.
Trong khi đó, theo kết luận của các cơ quan chức năng, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty Kỳ Lợi có nguyên nhân là do thực phẩm bị nhiễm vi sinh.
Ông Nguyễn Đình Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho hay, qua thực tế những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy, một số món ăn dễ bị nhiễm vi sinh nếu trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm, người thực hiện chế biến, bảo quản làm không tốt như: cá biển chiên để lâu, nấm xào, bạc hà.
Các chuyên gia khuyến cáo, vi sinh vật có thể bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu kỹ hoặc qua các chế độ tiệt trùng, không để thức ăn lâu ở nhiệt độ phòng. Chén bát và các dụng cụ nhà bếp như dao, thớt cần được rửa sạch và phơi khô để đảm bảo không bị nhiễm vi sinh.
Đặc biệt, nên thường xuyên làm vệ sinh tủ lạnh vì trong số những thực phẩm được cất giữ trong tủ lạnh có thể có vi sinh vật, vi sinh vật này có thể lây nhiễm từ thực phẩm sống sang thực phẩm đã được nấu chín và những thực phẩm ăn liền.
* Chủ động phòng ngừa
Ông Nguyễn Đình Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn, các cơ quan chức năng đã đến bếp ăn của các công ty, lấy mẫu các thức ăn mà công nhân đã ăn để đưa về xét nghiệm xác định nguyên nhân.
Thực tế thời gian qua cho thấy, đa số những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các công ty có liên quan đến một số món ăn như cá biển chiên, nấm. Qua các vụ ngộ độc tập thể cũng cho thấy một bếp ăn có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hay có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm hay không phụ thuộc khá nhiều vào việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, quy trình, biện pháp chế biến, bảo quản thực phẩm sau chế biến… của người tham gia chế biến thực phẩm.
Liên quan đến chất lượng thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra VSATTP tại doanh nghiệp có các bếp ăn công nghiệp hoặc các cơ sở kinh doanh, cung cấp suất ăn công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, rất cần việc tự giác và ý thức trách nhiệm của những người tham gia cung cấp thực phẩm, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Bởi lẽ một bếp ăn tập thể nếu được xây dựng, đầu tư trang thiết bị tốt nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào không tốt cũng rất dễ sinh ra những sản phẩm không đảm bảo VSATTP.
Ông Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng phòng Y tế TP.Biên Hòa cho hay, toàn TP.Biên Hòa đang quản lý hơn 3,5 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, ngành Y tế quản lý gần 3 ngàn cơ sở gồm 194 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, 290 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 1,9 ngàn cơ sở dịch vụ ăn uống (389 bếp ăn tập thể của công ty, trường học; 587 cơ sở dịch vụ ăn uống có giấy phép kinh doanh, hơn 1,5 ngàn cơ sở thức ăn đường phố).
Thời gian qua, ngoài công tác thanh, kiểm tra VSATTP được UBND TP.Biên Hòa rất quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, thì công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho người dân biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng cũng được đặc biệt chú trọng, nhất là cảnh báo trong bảo quản thực phẩm; tránh lạm dụng chất phụ gia, không sử dụng chất cấm.
An Yên