Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm niềm vui ngày hè thời dịch Covid-19

04:08, 05/08/2020

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ em không còn được đến các trung tâm để sinh hoạt mà tự sinh hoạt ở nhà. "Sân chơi" ngày hè bị thu hẹp lại, nhưng không vì thế mà trẻ không tìm được niềm vui.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ em không còn được đến các trung tâm để sinh hoạt mà tự sinh hoạt ở nhà. “Sân chơi” ngày hè bị thu hẹp lại, nhưng không vì thế mà trẻ không tìm được niềm vui.

Nhóm bạn Đặng Hồng Giang, Trần Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Hoàng Minh Thư, Đặng Bích Diệp (lớp 5 Trường tiểu học Phù Đổng, H.Tân Phú) bên sản phẩm Thiết bị bơm xe đạp dùng trong nhà xe học sinh. Đây là sản phẩm đoạt giải nhất lứa tuổi thiếu niên trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng H.Tân Phú. Ảnh: H.YẾN
Nhóm bạn Đặng Hồng Giang, Trần Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Hoàng Minh Thư, Đặng Bích Diệp (lớp 5 Trường tiểu học Phù Đổng, H.Tân Phú) bên sản phẩm Thiết bị bơm xe đạp dùng trong nhà xe học sinh. Đây là sản phẩm đoạt giải nhất lứa tuổi thiếu niên trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng H.Tân Phú. Ảnh: H.YẾN

Nhiều phụ huynh cho con về quê vừa để thăm ông bà, vừa để trải nghiệm cuộc sống ở vùng nông thôn.

* Rèn luyện năng khiếu - tăng khả năng hội nhập

Ngay khi vừa kết thúc năm học, bé Phạm Gia Cát Tường (lớp 4/2 Trường tiểu học Hà Huy Giáp, P.Trảng Dài) đã “bắt tay” ngay vào luyện tập bộ môn khiêu vũ thể thao (dancesport). Tham gia học từ khi 5 tuổi, Cát Tường đã có hành trình 5 năm gắn bó với bộ môn thể thao nghệ thuật này và giành được khá nhiều giải thưởng khi tham gia thi đấu vào dịp hè. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các giải đấu không được tổ chức, nhưng Cát Tường vẫn nỗ lực luyện tập mỗi ngày.

Mục tiêu luyện tập của Cát Tường không chỉ là để tham gia các giải đấu mà còn để thỏa mãn lòng yêu thích, sự đam mê. Chị Vương Thị Cúc, mẹ của Cát Tường cho hay: “Ban đầu, tôi cho bé tham gia học dancesport là để bé rèn luyện sức khỏe, thể lực, tăng chiều cao, tăng sức đề kháng. Nhưng càng theo đuổi lớp học năng khiếu này, con càng phát huy được các kỹ năng. Việc giao lưu thường xuyên với bạn mới, tham gia các giải đấu khiến con mạnh dạn hơn, tự tin hơn”.

Khi Đồng Nai xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên, CLB dancesport mà Cát Tường đang theo học đã tạm đóng cửa. Chị Cúc cho con về quê (ở H.Tân Phú) để chơi với ông bà nội. Hiện nay, chị vẫn chưa có kế hoạch đón con trở lại TP.Biên Hòa. Thời gian bé ở quê có thể sẽ kéo dài cho đến khi đi học.

Cũng như khởi đầu của Cát Tường, phần đông học sinh được cha mẹ cho đi học các lớp năng khiếu trong dịp hè là để con được tiếp cận, làm quen với một bộ môn âm nhạc, thể thao.

Theo chị Trần Trâm Anh (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa), ở trường trẻ cũng được học bộ môn âm nhạc, mỹ thuật và thể dục nhưng ít có cơ hội được thực hành. Vì vậy, chị đăng ký cho con học đàn organ để con biết chơi một loại nhạc cụ, tăng cường khả năng cảm thụ âm nhạc.

“Tôi chỉ mong con biết thôi chứ không đặt kỳ vọng là con sẽ giỏi. Thời bây giờ mà con không biết chơi một môn thể thao, một loại nhạc cụ hay ít nhất là biết cảm thụ một môn nghệ thuật nào đó thì tôi thấy quả là thiệt thòi cho con” - chị Trâm Anh cho hay.

* “Sân chơi” cho trẻ thời Covid-19

Năm nay, do Ban chỉ đạo hè tỉnh có quyết định không tổ chức các hoạt động hè nên việc tìm “sân chơi” cho trẻ hoàn toàn do phụ huynh chủ động. Các trung tâm dạy những môn năng khiếu âm nhạc, thể thao là ưu tiên trong lựa chọn của họ.

Vẫn còn nhiều trẻ không có “sân chơi”

Tại TP.Biên Hòa, trước khi dịch Covid-19 quay trở lại, nhiều trẻ được cha mẹ cho đi học thêm tiếng Anh hoặc các môn văn hóa ở nhà giáo viên hoặc các trung tâm. Ngoài giờ học, trẻ được đón về nhà tự chơi. Tivi và điện thoại lại trở thành “món đồ chơi” yêu thích của trẻ. Nhiều phụ huynh muốn cho con học năng khiếu nhưng do không thuận tiện thời gian đưa đón hoặc do điều kiện kinh tế không đáp ứng được nên đành phải cho con ở nhà. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những trẻ này chỉ có một phương án duy nhất là ở nhà đợi hết hè và dịch Covid-19 được khống chế tốt để đi học trở lại.

Trung tâm âm nhạc Hồng Nhân (P. Trảng Dài, TP.Biên Hòa) là một trong những “điểm đến” như thế. Trung tâm này chủ yếu dạy 3 loại nhạc cụ: đàn guitar, organ và piano. Ngoài giáo viên dạy nhạc chính, trung tâm còn thuê thêm gia sư là các sinh viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh đến để kèm thêm cho học trò.

Anh Lê Trọng Huy, phụ trách trung tâm cho biết: “Học viên đến học tại trung tâm có nhiều độ tuổi, nhiều nhất là học sinh lứa tuổi tiểu học, THCS. Trẻ đến với các lớp học nhạc cụ này sẽ được dạy các kỹ năng cơ bản, sau đó tự thực hành dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Tôi muốn các bé sau khi hoàn thành các khóa học ở đây có thể tự nhìn vào bản nhạc mà chơi được, không cần phải có người chỉ”.

Mới hoạt động ổn định chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 quay trở lại. Hiện nay, Trung tâm âm nhạc Hồng Nhân phải “đóng cửa”. Để học trò không bị quên bài, trước khi nghỉ học, anh Huy giao bài tập riêng cho từng em. Ở nhà, các bé sẽ tự luyện tập theo bài mà thầy giao. Sau khi luyện tập xong, bé sẽ được cha mẹ quay clip rồi gửi cho thầy, thầy lại tiếp tục giao bài mới. Tuy thế, việc luyện tập ở nhà phụ thuộc vào ý thích, sự kiên trì của học trò. Những em không thường xuyên ôn luyện thì kỹ năng sẽ bị giảm sút, khi đi học trở lại, các em cần có thời gian để bắt nhịp.

Nhà thiếu nhi Đồng Nai là nơi mà các hoạt động dạy năng khiếu nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống… sôi động nhất. Nhà thiếu nhi Đồng Nai hiện có 83 lớp học theo sở thích ở 34 bộ môn (các môn năng khiếu, thể thao) với hơn 880 học viên đang theo học (phần đông là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học và THCS).

Trong dịp hè này, Nhà thiếu nhi còn mở thêm các lớp rèn kỹ năng tự học dành cho lứa tuổi tiểu học, mẫu giáo với tổng cộng 11 lớp, gần 300 học sinh. Đối với những lớp này, trẻ có thời gian để ôn luyện lại kiến thức (văn hóa), rèn thói quen tự học, đồng thời mỗi trẻ được học thêm 3 môn năng khiếu, thể thao.

Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, toàn bộ hoạt động của các lớp năng khiếu, lớp kỹ năng, các CLB đội nhóm của Nhà thiếu nhi Đồng Nai đã ngưng lại. Trong thời gian này, giáo viên, nhân viên của Nhà thiếu nhi vẫn làm việc bình thường, chủ yếu là tập trung dọn dẹp, vệ sinh phòng ốc…

* Khám phá bản thân

Từ xuất phát điểm “học cho biết”, nhiều trẻ đã khám phá ra năng khiếu, niềm đam mê của bản thân để có sự gắn bó lâu dài hơn với các bộ môn nghệ thuật, thể thao. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Trọng Huy, Trung tâm âm nhạc Hồng Nhân cho biết, bản thân anh trước đây học nhạc cũng chỉ “để cho biết” nhưng sau đó anh đã tiến xa hơn. Anh theo học Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh rồi đi làm nhạc công. Hiện nay, anh vừa mở trung tâm dạy nhạc vừa bán các loại nhạc cụ.

Anh Lê Trọng Huy, Trung tâm Âm nhạc Hồng Nhân (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) hướng dẫn cho học trò học piano 1 tuần trước khi phải “đóng cửa” trung tâm do dịch Covid-19
Anh Lê Trọng Huy, Trung tâm Âm nhạc Hồng Nhân (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) hướng dẫn cho học trò học piano 1 tuần trước khi phải “đóng cửa” trung tâm do dịch Covid-19

Với đa số học sinh, muốn phát huy năng khiếu trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, thậm chí là thể thao, thì môi trường ở trường học là không đủ. Việc tham gia học các môn năng khiếu trong dịp hè là cơ hội để các em khám phá bản thân để có cơ hội phát triển đa dạng, toàn diện hơn. Đáng tiếc là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc sinh hoạt hè năm nay của học sinh phải chịu nhiều hạn chế về thời gian, không gian.

Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng có lẽ là “sân chơi” duy nhất cho trẻ không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cuộc thi đã được tổ chức ở cấp huyện, thành phố. Trong tháng 8 này, những thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba cấp huyện, thành phố sẽ tiếp tục dự thi cấp tỉnh. Hiện nay đang là giai đoạn mà các thí sinh cải tạo, hoàn thiện sản phẩm. Với nhiều học sinh, cuộc thi này đã khơi gợi trong các em niềm đam mê khám phá, sáng tạo khoa học.

Năm thứ 2 em Phạm Phương Vy, học sinh lớp 6/1 Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (H.Vĩnh Cửu) tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Năm nay, Vy cùng với cậu em ruột và 1 người em họ (cùng học lớp 5A Trường tiểu học Phú Lý) làm sản phẩm “giường bệnh thông minh”. Ý tưởng của sản phẩm là giường có thể chuyển thành ghế ngồi, thậm chí có thể chuyển thành xe lăn để phục vụ tốt hơn cho người bệnh, đồng thời hỗ trợ người bệnh trong tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

Sản phẩm đã đoạt giải nhất cấp huyện. Vì thế, trong những ngày hè, dưới sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn, Vy cùng với 2 em nỗ lực hoàn thiện mô hình này để dự thi cấp tỉnh. Phần cơ khí, các em không thể làm được nên phải nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh. Bản thân các em dành nhiều thời gian để tập hợp tài liệu, hoàn thành cuốn hướng dẫn sử dụng sản phẩm.

Cũng như Vy, nhóm bạn Đặng Hồng Giang, Trần Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Hoàng Minh Thư, Đặng Bích Diệp (lớp 5 Trường tiểu học Phù Đổng, H.Tân Phú) đang hoàn thiện cùng lúc 2 sản phẩm Thiết bị bơm xe đạp dùng trong nhà xe học sinh và Thiết bị lọc nước trang trí bể cá để dự thi cấp tỉnh. Đây là 2 sản phẩm đã đoạt giải nhất và giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp huyện.

Vì phải tiếp tục hoàn thiện sản phẩm nên dù nghỉ hè, với các em, đây là những giây phút thư giãn thú vị, tự do khám phá. Không những vậy, các em còn tạo ra được những sản phẩm hữu ích, có thể ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh dự kiến sẽ bắt đầu chấm thi vào ngày 14-8. Ban giám khảo sẽ chấm thi dựa vào mô hình, hình ảnh clip thuyết minh và ghi lại quá trình làm sản phẩm do các thí sinh gửi đến. Như vậy, các thí sinh không cần tập trung mà Ban giám khảo vẫn có thể làm việc bình thường.

Hải Yến


TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục tỉnh Đồng Nai:

Kết hợp giữa nghỉ ngơi và học kỹ năng yêu thích

Thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 đang trở thành vấn đề nóng trên toàn cầu, phụ huynh nên tạo cho con một kỳ nghỉ ngay tại nhà để đảm bảo an toàn. Trong thời gian nghỉ, trẻ có thể sử dụng các thiết bị thông minh để giải trí nhưng phải đặt dưới sự kiểm soát của người lớn.

 Để kiểm soát việc sử dụng các thiết bị thông minh, phụ huynh có thể ngắt internet, cài đặt các phần mềm quản lý thời gian sử dụng internet. Bên cạnh đó, đối với trẻ lớn từ cấp tiểu học trở lên, phụ huynh có thể khuyến khích con đọc sách để trau dồi thêm kiến thức, hiểu biết về thế giới xung quanh; trang bị cho con các bộ đồ chơi trí tuệ; giao cho con những bài tập kỹ năng như: vẽ, cắt dán tranh…

Chị Nguyễn Thị Xuân Viên, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trường Sa (TP.Biên Hòa):

Tổ chức Đoàn, Đội cần duy trì các hoạt động thường xuyên

Gắn bó với công tác Đội và phong trào thiếu nhi trên 10 năm, tôi cho rằng không tổ chức hoạt động hè nhưng tổ chức Đoàn, Hội các cấp năm nay vẫn có thể tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, chăm sóc thiếu nhi, bởi đây là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Đoàn, Đội trong suốt một năm chứ không riêng hè. Trong đó, chú trọng đến các hoạt động trực tuyến để giúp thanh thiếu nhi vừa giải trí, vừa ôn lại kiến thức trong dịp hè.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, thay vì tổ chức các hoạt động tập trung đông người, có thể tổ chức các hoạt động trực tuyến dưới dạng hội thi hoặc mini game…

Em Đinh Huỳnh Thanh Trúc, học sinh lớp 8/10 Trường THCS Nguyễn Đức Ứng (H.Long Thành):

Tự tìm hình thức giải trí phù hợp, lành mạnh

Mọi năm cứ cuối tháng 5 là kết thúc năm học, thời gian nghỉ hè kéo dài tới gần 3 tháng nên em thường tham gia các lớp năng khiếu theo sở thích, sinh hoạt hè tại Nhà thiếu nhi huyện, tập luyện để tham gia các cuộc thi Hoa phượng đỏ; kể chuyện, vẽ tranh theo sách hè… Tuy nhiên, năm nay, giữa tháng 7 mới kết thúc năm học, thời gian nghỉ hè vỏn vẹn chỉ hơn 1 tháng. Em nghe nói năm nay không tổ chức hoạt động hè, em thấy hơi tiếc. Tiếc vì năm nay không được đi sinh hoạt, không được gặp bạn bè; hè sang năm em lại tất bật cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 coi như hết cơ hội sinh hoạt hè với vai trò thiếu nhi.

Trong 1 tháng hè ít ỏi và nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19, tất cả mọi người phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch như hiện nay thì em sẽ phải tự tìm cho mình một hình thức giải trí phù hợp, lành mạnh tại nhà để vừa đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh, vừa khiến cha mẹ yên tâm khi giao cho chiếc máy vi tính hoặc chiếc iPad. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho năm học mới với kết quả thật tốt, em cũng phải dành thời gian để ôn lại kiến thức cũ.

Chị Phạm Thị Ngọc Hân - một phụ huynh có con trong độ tuổi thiếu nhi, ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa):

Khuyến khích con đọc sách

Năm nay, vừa kết thúc năm học, nghe tin không có hoạt động hè, con gái tôi có vẻ buồn và hụt hẫng. Tôi dự định sẽ cho con tiếp tục tham gia các lớp năng khiếu tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai để con có cơ hội được gặp gỡ bạn bè, được học kỹ năng, được giải trí trong những ngày hè ngắn ngủi. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 trở lại và diễn biến phức tạp hơn so với lần trước, mọi dự định của tôi không thể thực hiện được. Để giúp con bớt nhàm chán trong những ngày hè tại nhà, tôi mua những cuốn sách phù hợp với tuổi của con và khuyến khích con đọc sách; mua và cài đặt các phần mềm học tiếng Anh để con có điều kiện rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh; thỉnh thoảng có thể gọi video trò chuyện với bạn bè; vào ngày nghỉ tôi sẽ dành thời gian để dạy con làm các món bánh, nấu một vài món ăn đơn giản…        

Nga Sơn (ghi)


 

Tin xem nhiều