Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở ra cơ hội cho phát triển kinh tế

11:08, 03/08/2020

Lâu nay, tại Đồng Nai có hàng trăm công trình, dự án khi triển khai bị ách lại do quy hoạch lệch nhau. Do đó, chủ đầu tư các dự án, công trình đã mất rất nhiều thời gian trong việc điều chỉnh quy hoạch.

Lâu nay, tại Đồng Nai có hàng trăm công trình, dự án khi triển khai bị ách lại do quy hoạch lệch nhau. Do đó, chủ đầu tư các dự án, công trình đã mất rất nhiều thời gian trong việc điều chỉnh quy hoạch. Quy hoạch tỉnh tới đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trên.

Nhiều địa phương dự tính sẽ giảm bớt quy hoạch đất lúa để dễ dàng triển khai các dự án giao thông quốc gia, tỉnh khi lấy vào đất lúa. Trong ảnh: H.Xuân Lộc là địa phương có nhiều diện tích lúa. Ảnh: K.Minh
Nhiều địa phương dự tính sẽ giảm bớt quy hoạch đất lúa để dễ dàng triển khai các dự án giao thông quốc gia, tỉnh khi lấy vào đất lúa. Trong ảnh: H.Xuân Lộc là địa phương có nhiều diện tích lúa. Ảnh: K.Minh

[links()]Theo UBND tỉnh, trên địa bàn Đồng Nai quy hoạch 1.866 dự án trên các lĩnh vực. Kế hoạch năm 2020, có khoảng 1.265 dự án cần thu hồi đất với diện tích 18.666 ha. Có những dự án mất từ 1-2 năm chờ đợi điều chỉnh quy hoạch.

* Không để lỡ thời cơ phát triển

Đồng Nai là nơi hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đến đề xuất giới thiệu địa điểm, cấp chủ trương đầu tư. Có những dự án, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện, song khi làm hồ sơ lại vướng vào một số quy hoạch cần điều chỉnh. Quá trình xin điều chỉnh quy hoạch đôi khi vượt quá thẩm quyền của địa phương nên phải chờ đợi phía trung ương.

Đơn cử gần 4 năm trước, Công ty CP The Coi (H.Định Quán) dự tính đầu tư Khu du lịch sinh thái rừng ở khu vực Thác Mai, Bàu Nước Nóng, Đá Ba Chồng (H.Định Quán) với tổng vốn 1,9 ngàn tỷ đồng. Khi đó, công ty đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn để đầu tư và dự kiến thực hiện nhanh để đón lượng lớn khách trong nước, ngoài nước. Tuy nhiên, dự án “vướng” vào hơn 7ha đất rừng nên buộc phải xin điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Sau hơn 2 năm, công ty mới xong được phần điều chỉnh quy hoạch đất rừng để triển khai những bước tiếp theo. Vì thế dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành để đưa vào khai thác, việc này làm lỡ đi cơ hội phát triển kinh tế của doanh nghiệp, địa phương.

Thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn FLC (Hà Nội) dự kiến đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với nhiều hoạt động vui chơi giải trí cao cấp tại  khu vực hồ Đa Tôn (H.Tân Phú). Tập đoàn trên đề xuất sẽ triển khai dự án với diện tích hơn 1,3ha nằm trên địa bàn 2 xã Thanh Sơn, Phú An. Nếu dự án trên triển khai sẽ giúp cho H.Tân Phú phát triển mạnh du lịch, thương mại, dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú cho biết: “Tập đoàn FLC dự tính đầu tư vào huyện dự án du lịch với nguồn vốn lên đến cả ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, dự án muốn thực hiện được phải lấy vào nhiều diện tích đất lúa, đất lâm nghiệp. Trước tiên, doanh nghiệp phải tiến hành đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, rồi mới thực hiện các bước tiếp theo”.

Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, vùng, quốc gia cũng mất thời gian bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng... mới triển khai tiếp được.

* Quy hoạch cần có tầm nhìn xa

Trong giai đoạn 2021-2030, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai sẽ có nhiều biến động hơn, vì hàng loạt những dự án giao thông trọng điểm quốc gia, vùng đi qua tỉnh sẽ hoàn thành như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết, cầu Cát Lái... Với lợi thế là đất đai rộng, giao thông thuận lợi, Đồng Nai sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản. Vì thế, muốn phát triển nhanh, bền vững và hướng đến “tăng trưởng xanh” thì Đồng Nai phải làm tốt công tác dự báo, quy hoạch tỉnh. Trong đó, dự báo sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội để có phương án cho từng lĩnh vực phù hợp.

Theo các chuyên gia về kinh tế, dự báo, quy hoạch sát với quá trình phát triển của từng địa phương, khi triển khai các dự án, công trình sẽ rất thuận lợi, ít mất thời gian chờ đợi điều chỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 phải tính toán kỹ đến diện tích đất phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, công trình giao thông, du lịch, đất trồng lúa, đất rừng để cập nhật vào và sau này tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

“Trong giai đoạn tới, tỉnh thực hiện rất nhiều dự án, công trình và sẽ phải lấy vào đất lúa, đất rừng. Do đó, các địa phương phải thuê những đơn vị tư vấn giỏi, có tầm nhìn xa dự báo được tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội để có những tổng hợp cập nhật điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch vùng huyện, vùng liên huyện cho thích hợp” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nói.

Những địa phương dự báo sẽ có nhiều biến động trong giai đoạn tới là TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Dự kiến, trong 5-10 năm tới khả năng H.Long Thành, H.Trảng Bom sẽ lên thị xã, thành phố và trở thành một trong những trung tâm lớn về phát triển công nghiệp, logistics.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND H.Long Thành cho hay: “Trong giai đoạn tới, huyện ưu tiên quy hoạch đất đai cho các dự án phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ, khu đô thị, khu dân cư. Đích đến của huyện là trở thành một “thành phố sân bay” hiện đại trong khu vực”.

Khánh Minh

 

 

Tin xem nhiều