Cả ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) bị phát hiện; hàng tấn động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo ATTP bị tịch thu... từ đầu năm 2020 đến nay cho thấy Đồng Nai đã quyết liệt trong việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.
Cả ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) bị phát hiện; hàng tấn động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo ATTP bị tịch thu... từ đầu năm 2020 đến nay cho thấy Đồng Nai đã quyết liệt trong việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.
Thực tế cho thấy, những loại thực phẩm “bẩn”, thực phẩm kém chất lượng vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường. Điều đáng quan tâm là từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với hàng trăm ca mắc. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngộ độc thực phẩm này là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Do đó, vấn đề đảm bảo ATTP, nhất là trong các bữa ăn công nghiệp vẫn luôn là vấn đề “nóng” cần được quan tâm tìm giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, một trong những nguy cơ cao gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm là do hành vi không bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Cụ thể là việc dễ dãi trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm; quy trình, biện pháp chế biến; bảo quản thực phẩm sau chế biến của người tham gia chế biến thực phẩm cũng góp phần tạo điều kiện cho những loại “thực phẩm bẩn”, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường và các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn” vẫn còn “đất sống”.
Vì vậy, hơn ai hết, chính người tiêu dùng phải mạnh dạn nói không với thực phẩm bẩn; chủ động tìm mua các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; kỹ càng trong khâu bảo quản, chế biến thực phẩm. Điều này rất quan trọng trong phòng ngừa các ca ngộ độc thực phẩm, nhất là với các cơ sở sản xuất, kinh doanh suất ăn công nghiệp hoặc tại các bếp ăn công nghiệp.
Trong trường hợp phát hiện những trường hợp cố tình “tiếp tay” đưa thực phẩm bẩn ra thị trường thì các ngành chức năng cần xử nghiêm hơn nữa. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định xử lý hình sự đối với tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP. Việc còn lại là các ngành chức năng vận dụng sao cho phù hợp; kịp thời kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật để luật đi vào cuộc sống, xử lý đúng người, đúng tội những tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ có tính răn đe tốt hơn.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát như hiện nay, việc nâng cao sức khỏe để phòng ngừa dịch bệnh đang được ngành y tế khuyến cáo và người dân đặc biệt quan tâm. Theo đó, vấn đề về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn hiện đang là ưu tiên hàng đầu trong nhiều gia đình.
Để đáp ứng nhu cầu này, các ngành chức năng của Đồng Nai đã không ngừng xây dựng các chuỗi an toàn thực phẩm trên địa bàn. Ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm sạch áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Số điểm phân phối thực phẩm an toàn được phát triển rộng khắp. Sản lượng sản phẩm thực phẩm sạch phân phối ra thị trường ngày càng nhiều. Qua đó sẽ tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận và chọn lựa được nhiều thực phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe, góp phần nâng cao thể trạng, sức đề kháng để phòng ngừa tốt dịch bệnh Covid-19; ngăn chặn thực phẩm bẩn tràn lan gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và cộng đồng.
Đặng Ngọc