Báo Đồng Nai điện tử
En

Chương mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam - EU

04:06, 12/06/2020

Ngày 8-6, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam thông qua. Trước đó, các thủ tục pháp lý cũng đã được phía Liên minh châu Âu (EU) hoàn tất.

Ngày 8-6, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua. Trước đó, các thủ tục pháp lý cũng đã được phía Liên minh châu Âu (EU) hoàn tất.

Ngành gỗ đang rất nóng lòng thực thi EVFTA để hồi phục xuất khẩu sau đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp gỗ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ. Lê
Ngành gỗ đang rất nóng lòng thực thi EVFTA để hồi phục xuất khẩu sau đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp gỗ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ. Lê

EVFTA được thông qua vào thời điểm Việt Nam và EU chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao được coi là một chương mới trong quan hệ kinh tế giữa hai bên.

* Chương mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam - EU

Trong Báo cáo “Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA” (do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện) vừa được công bố tháng 5 vừa qua, WB đánh giá sau Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam tiếp tục thể hiện quyết tâm trở thành một nền kinh tế hiện đại, mở cửa và cạnh tranh thông qua EVFTA. Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 đã cho thấy rõ là thị trường và chuỗi cung ứng đa dạng sẽ là chìa khóa để quản lý rủi ro về gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng do thay đổi các mối quan hệ thương mại, biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh.

EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất về mặt lợi ích trực tiếp đối với Việt Nam. Tác động đến tăng trưởng GDP của hiệp định này gần gấp ba lần so với CPTPP. EU là một trong những đối tác thương mại ổn định và quan trọng nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng trưởng ổn định với tốc độ trung bình 16%/năm và Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại trong hai thập kỷ qua. Việc thực hiện EVFTA sẽ giúp cải thiện thương mại song phương với EU, duy trì kết quả thương mại tích cực và hỗ trợ củng cố các chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam.

Tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đã giao Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu áp dụng các giải pháp mà dự án Hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại (TFP) hướng tới, theo đó sẽ xúc tiến thành lập một cơ quan cấp tỉnh để thực hiện dự án. Theo đó, cơ quan này sẽ có nhiệm vụ tham vấn, đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh với DN về những vấn đề, trở ngại trong xuất khẩu, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan chính quyền trên địa bàn nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thương mại xuyên biên giới.

Quan trọng hơn cả là những thay đổi cơ bản về cơ cấu và thể chế kinh tế nhờ việc thực hiện EVFTA sẽ giúp tăng cường cải cách trong nước, giúp Việt Nam trở thành một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn. Trước mắt, EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích thông qua tăng trưởng nhanh hơn, thương mại lớn hơn và giảm nghèo nhanh hơn.

Như vậy, sự coi trọng EVFTA từ Việt Nam có thể thấy rõ khi 100% số đại biểu Quốc hội đồng ý bấm nút thông qua. Được hoàn thiện và có hiệu lực vào thời điểm Việt Nam - EU chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1990-2020), EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo nên một chương mới trong quan hệ giữa hai bên.

Sau khi được Quốc hội chấp thuận, Chính phủ có trách nhiệm ban hành kế hoạch hành động chi tiết. Các bộ, ngành liên quan chọn lựa sản phẩm ngành nghề có thế mạnh sớm tham gia thị trường, có biện pháp giữ thị phần, thị trường EU trong đại dịch Covid-19, tận dụng tốt công nghệ 4.0, nền kinh tế số, nâng cao nguồn lao động, ứng phó rủi ro… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan, triển khai hiệu quả hiệp định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân.

* Tái cấu trúc thương mại - đầu tư

EVFTA cũng được kỳ vọng để cơ cấu lại quan hệ thương mại và đầu tư. Trên thực tế, tại các nước ASEAN, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào khu vực, xếp trên Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, EU lại chỉ là nhà đầu tư đứng thứ 5 sau các nước khu vực châu Á. Tính đến cuối năm 2019, EU có 2.375 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 25 tỷ USD, chiếm gần 8% số dự án của cả nước và chiếm hơn 7% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước. Tại Đồng Nai, có 67 dự án có vốn đầu tư từ EU với 2,4 tỷ USD, chiếm 4,75% số vốn và 8,28% số dự án trong cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh.

Trong ASEAN, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và gần gấp đôi so với nước xuất khẩu lớn thứ hai là Singapore. Thời gian tới, Việt Nam sẽ chứng kiến một làn sóng thương mại, đầu tư chất lượng cao từ các nước thuộc EU. Đây cũng là điều kiện để Việt Nam tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, xây dựng các giải pháp để “làm ăn” với những tập đoàn khổng lồ, giúp vị thế của cộng đồng DN Việt lớn lên.

Theo WB, việc thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại sâu rộng như EVFTA có thể giúp thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam phục hồi nhanh hơn trong thời kỳ hậu Covid-19. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế có thể xảy ra do đại dịch sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường toàn cầu và EU, làm suy giảm các tác động tích cực của EVFTA trong ngắn hạn. Tăng trưởng GDP ở châu Âu dự kiến sẽ giảm 3,18%, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu của Việt Nam vì nhu cầu thị trường giảm.

Do vậy, để sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19, cần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho xuất khẩu, nhưng nên ưu tiên đặc biệt những ngành quan trọng, đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để khai thác các lợi ích khi thực hiện EVFTA.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc hỗ trợ DN nhỏ và vừa tận dụng cơ hội từ EVFTA ngày 5-6, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái lưu ý, EU là một thị trường tập trung nhưng mỗi quốc gia lại có những đặc điểm, nhu cầu riêng, các DN xuất khẩu cần lưu ý đến vấn đề này. “Các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ là cửa ngõ để hàng Việt vươn xa hơn trong châu Âu nên cần ưu tiên khai thác. DN cũng cần bỏ công sức nghiên cứu những thị trường ngách, quy mô nhỏ nhưng chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh để giúp hàng hóa của Việt Nam có được chỗ đứng” - ông Lương Hoàng Thái khuyến cáo.

Nỗ lực tự thân của DN là chính, song Chính phủ cần xác định ưu tiên rõ ràng trong các gói tài chính và tín dụng chung đã được công bố để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU. Các hiệp hội DN nên tích cực thúc đẩy DN thông qua nâng cao nhận thức của DN về các lợi ích của EVFTA và hướng dẫn về pháp lý để tận dụng lợi ích của hiệp định.

“Cái khó hiện nay là DN rất muốn gia tăng sản xuất, xuất khẩu để lớn lên nhưng lại bị vướng rất nhiều thứ, từ mặt bằng sản xuất đến tài chính, nhân lực… Đa phần DN Việt lại là DN nhỏ và vừa nên khi đáp ứng được các yêu cầu trên thì tốn quá nhiều thời gian, công sức do vậy mất đi lợi thế cạnh tranh. Nhà nước cần có cơ chế bảo hộ, khuyến khích DN Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu, không chỉ sang châu Âu mà với cả các thị trường trọng điểm khác” - ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, chuyên về dịch vụ logistics nhận định.

* Gấp rút tạo thuận lợi hóa thương mại

EVFTA sẽ khuyến khích xuất khẩu của Việt Nam bứt phá sau dịch, tuy nhiên về cốt lõi của vấn đề, theo các chuyên gia, việc thuận lợi hóa thương mại mới là cuộc chơi lâu dài cần tính đến. Việt Nam đang đi đúng hướng để biến những thách thức do Covid-19 gây ra thành cơ hội giúp tăng cường những cải cách liên quan.

Sản xuất hàng may mặc để xuất khẩu vào thị trường EU  tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa)
Sản xuất hàng may mặc để xuất khẩu vào thị trường EU tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh:H. Giang

Ví dụ điển hình là Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 giao nhiệm vụ, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi hóa thương mại và nhiều lĩnh vực khác để ứng phó với dịch Covid-19. Chỉ thị này hướng dẫn thực hiện các biện pháp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 về điều chỉnh các thủ tục thuận lợi hóa thương mại.

Đồng Nai là một trong 6 địa phương đầu tiên được thụ hưởng chương trình thuận lợi hóa thương mại theo dự án Hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại (TFP) của Chính phủ bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Trị, TP.HCM và Đồng Nai. Ông Trần Thoang, Phó giám đốc dự án TFP cho hay, dự án sẽ giúp đẩy nhanh thực hiện các cam kết thực thi tạo thuận lợi thương mại qua biên giới và thu hút đầu tư của địa phương. Đồng thời, dự án thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hải quan với DN và các cơ quan chuyên ngành, tham vấn chính sách từ DN để giúp địa phương cũng như cả nước có chính sách thuận lợi hơn cho xuất khẩu.

Đào Lê

Tin xem nhiều