Đã vượt mặt đại kình địch Thái Lan 2 tấm HCV để trở thành đội bóng đá nữ giàu thành tích nhất tại SEA Games với 7 lần đăng quang, những tưởng tại Giải Đông Nam Á 2022, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ lần thứ 4 vô địch để san bằng ngôi Hậu khu vực với các cô gái Thái Lan. Nhưng không thể nói cách nào khác về kết quả trắng tay ngoài 2 từ: thất bại.
Đã vượt mặt đại kình địch Thái Lan 2 tấm HCV để trở thành đội bóng đá nữ giàu thành tích nhất tại SEA Games với 7 lần đăng quang, những tưởng tại Giải Đông Nam Á 2022, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ lần thứ 4 vô địch để san bằng ngôi Hậu khu vực với các cô gái Thái Lan. Nhưng không thể nói cách nào khác về kết quả trắng tay ngoài 2 từ: thất bại.
Cú “trở lại mặt đất” cần thiết của “các cô gái kim cương” |
Trong 11 kỳ AFF Cup nữ trước đó, kể cả tham dự với đội hình B, tuyển nữ Việt Nam cũng chỉ một lần về hạng 4 (năm 2015) và đây mới là lần thứ 2. Đáng nói, ở 2 trận quyết định, tại bán kết, các cô gái chúng ta thua Philippines, đối thủ mà mới 2 tháng trước tại SEA Games 31 Tuyết Dung và Thùy Trang vừa đánh bại 2-1 và tuyển nữ Việt Nam chưa từng thất bại ở 10 lần đối đầu trong quá khứ; còn trận tranh hạng 3 thua ngược Myanmar, đối thủ Huỳnh Như từng hạ gục tại sân Cẩm Phả và 4 ngày trước đó vừa thắng 4 bàn không gỡ ở vòng bảng, 19 lần giáp mặt trong quá khứ chỉ mới thua đúng 1 trận.
Đúng là Philippines với hầu hết cầu thủ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, Canada, Australia, Na Uy, thêm những gương mặt từ nước ngoài mới được bổ sung cho giải đấu trên sân nhà, mạnh hơn đội hình sang Việt Nam dự SEA Games 31. Nhưng thất bại đến 0-4, tỷ số như gặp Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là khó thể chấp nhận. Không thể lý giải trận thua sốc này là vì đối phương có thể hình vượt trội, khai thác triệt để những tình huống không chiến hoặc do… nghỉ ít hơn 1 ngày. HLV Mai Đức Chung thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi thua toàn diện. Không có ý kiến gì cả. Tất cả lỗi trong trận này tôi chịu trách nhiệm hết”.
Trận tranh hạng 3 thua ngược Myanmar càng khó lòng bào chữa khi thể lực các cầu thủ đều đi xuống thấy rõ, hậu vệ lẫn thủ môn thi đấu lỏng lẻo, mất tập trung, trong khi đội bạn thể hiện tinh thần quyết tâm cao hơn hẳn.
Có chăng sự chủ quan, có phần “ngủ quên trên chiến thắng”? Quá nhiều tán dương, khen thưởng dồn dập, từ hành trình vượt khó để lần đầu tiên đoạt vé dự World Cup đến tấm HCV SEA Games trên sân nhà và được đội tuyển số 3 thế giới Pháp mời sang thi đấu, khiến “các cô gái kim cương” chưa đặt chân xuống mặt đất?
Tuy nhiên, vấn đề là dường như thế hệ cầu thủ tài năng hiện tại của đội tuyển nữ Việt Nam đã đạt đến đỉnh giới hạn, kịch trần về năng lực. Hơn ai hết, HLV Mai Đức Chung là người hiểu rõ điều này. “Hiện tại, đội hình đang rơi vào tình thế các cầu thủ trẻ thì còn non kinh nghiệm, chưa đáp ứng được ngay, trong khi những trụ cột lại gặp vấn đề về tuổi tác, thể lực (Thùy Trang 34 tuổi, Huỳnh Như 31, Tuyết Dung 29 tuổi...). Phải làm mới lực lượng. Tôi muốn thay đổi con người, muốn tăng cường thêm cầu thủ” - ông Chung nói.
Bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn gần 1 năm để chuẩn bị cho lần đầu tiên dự World Cup nữ 2023 tại Australia và New Zealand. Bên cạnh những gương mặt đôi mươi đã và đang tìm được chỗ đứng như: trung vệ Thu Thương; tiền vệ Vạn Sự, Thanh Nhã, Hải Linh, Trúc Hương, Thu Xuân; tiền đạo Châu Thị Vang…, tương lai gần của tuyển nữ Việt Nam sẽ là đội tuyển U.18 do HLV trưởng người Nhật Ijiri Akira dẫn dắt đang tham dự Giải nữ U.18 Đông Nam Á tại Indonesia.
Từ cú trở lại mặt đất ở Giải Đông Nam Á, sắp tới HLV Mai Đức Chung cho biết sẽ có những đề xuất về kế hoạch tập huấn cũng như nhân sự mới của đội tuyển nữ gửi VFF, trong đó có phương án tạo điều kiện thuận lợi để những cầu thủ nữ gốc Việt trên thế giới xứng đáng và có nguyện vọng khoác áo đội tuyển quê hương.
Đã từng có 2 cô gái châu Âu về thử việc ở đội tuyển U.16 Việt Nam gây ấn tượng nhưng vướng về quy định thủ tịch nhập tịch. Lộ trình giành vé và chuẩn bị cho World Cup 2023 là bài học.
Trần Đỗ