Báo Đồng Nai điện tử
En

Trung tá Trần Thị Ngọc Thuận, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC36):
Khi phát hiện ô nhiễm môi trường, hãy báo ngay cho Cảnh sát môi trường!

09:04, 14/04/2008

Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh (CSMT) được thành lập vào ngày 10-1-2008. Đây là một địa chỉ tiếp nhận những phản ánh và giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của Phòng CSMT, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tá Trần Thị Ngọc Thuận, Trưởng phòng CSMT...

Trung tá Trần Thị Ngọc Thuận

Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh (CSMT) được thành lập vào ngày 10-1-2008. Đây là một địa chỉ tiếp nhận những phản ánh và giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của Phòng CSMT, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tá Trần Thị Ngọc Thuận, Trưởng phòng CSMT...

 

* PV: Xin bà cho biết, chức năng, nhiệm vụ của Phòng CSMT? Hiện cấp huyện, thành phố có lực lượng CSMT hay không?

 

- Trung tá Trần Thị Ngọc Thuận: Phòng CSMT có nhiệm vụ nắm tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, các hành vi gây ô nhiễm, làm suy thoái môi trường; nghiên cứu đề xuất chủ trương, kế hoạch, biện pháp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực được phân công.

Phòng CSMT có chức năng hướng dẫn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công dân ở địa phương theo thẩm quyền; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xuất trình các loại tài liệu, giải trình những vấn đề liên quan đến an toàn môi trường khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường; được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công dân cung cấp tài liệu, thông tin, phối hợp làm rõ các vi phạm pháp luật về môi trường.

Bên cạnh đó, phòng tổ chức các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thăm dò khai thác tài nguyên, môi trường sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, giao thông vận tải, du lịch, y tế, dịch vụ môi trường, khu công nghiệp, đầu tư, khu chế xuất... Ngoài ra, phòng còn thực hiện các nhiệm vụ như: điều tra, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường, đề xuất kế hoạch chấn chỉnh, khắc phục, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm...

Hiện nay các cấp huyện, thành phố, thị xã chưa có đội CSMT, mà chỉ được bố trí từ 2 đến 3 đồng chí thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh chống các hành vi vi phạm Luật BVMT do Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đảm nhiệm.

 

Trung tá Trần Thị Ngọc Thuận cùng Ban giám đốc Công an tỉnh đang triển khai nhiệm vụ cho các chiến sĩ trinh sát của Phòng CSMT.

 

* Từ khi được thành lập đến nay, Phòng CSMT tỉnh đã hoạt động như thế nào và thời gian tới, Phòng sẽ tập trung triển khai, thực hiện những nhiệm vụ gì, thưa bà?

 

- Với quân số là 24 người, các cán bộ, chiến sĩ của Phòng CSMT được phân công bố trí làm nhiệm vụ trinh sát 24/24 giờ. Qua công tác nghiệp vụ, Phòng CSMT đã trực tiếp phát hiện và làm rõ hơn 10 vụ việc vi phạm Luật BVMT. Qua đó, tham mưu cho Ban giám đốc Công an tỉnh chuyển hồ sơ cho Thanh tra môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường) xử lý. Trong thời gian tới, Phòng tập trung vào lĩnh vực môi trường đô thị, y tế, các làng nghề sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm cao, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có phát sinh chất thải nguy hại...

 

* Thưa bà, Đồng Nai là một tỉnh có nhiều KCN tập trung... do đó nguy cơ về ô nhiễm môi trường rất cao. Lực lượng CSMT sẽ làm gì để hạn chế hoặc ngăn chặn tình trạng ô nhiễm xảy ra?

 

- Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các KCN là vấn đề mà Phòng CSMT quan tâm. Hiện nay, Phòng đang khảo sát một số làng nghề trên địa bàn tỉnh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tập trung nắm tình hình chất thải tại các cơ sở y tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có chất thải nguy hại. Tiến hành rà soát số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có nước thải thoát ra sông Đồng Nai tại các KCN ở TP.Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành.

Tuy nhiên, trước mắt phòng sẽ phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và tất cả mọi người dân tham gia BVMT hạn chế đến mức thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp cần thiết để bảo vệ an toàn môi trường hoặc xét thấy các dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường, Phòng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đình chỉ các hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gây hủy hoại hoặc tổn hại về môi trường.

 

* Những khó khăn của CSMT trong công tác BVMT tại thời điểm hiện nay là gì, thưa bà ?

 

- Do CSMT là lực lượng mới, nên các văn bản quy phạm pháp luật chưa đề cập đến. Đặc biệt, trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính không có quy định lực lượng CSMT được quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đây là một trong những khó khăn trước mắt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của CSMT. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh tạo điều kiện phối hợp để Phòng CSMT hoàn thành nhiệm vụ.

Phòng CSMT trực tiếp tiếp nhận các thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường từ người dân theo đúng quy định tại Luật Khiếu nại - tố cáo và quy định về công tác tiếp dân của lực lượng CAND. Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp nhận tin báo trực tiếp qua số điện thoại của phòng là 0613.820027.

 

* Xin cám ơn bà!

Kim Liễu

 

 

Tin xem nhiều