Trong giai đoạn cách mạng miền Nam kháng chiến chống Mỹ, quân đội Úc tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam với tư cách "đồng minh" của Mỹ. Dù thời gian tham chiến chỉ từ năm 1965 đến 1973 nhưng 2 từ "Việt Nam" đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người Úc.
Trong giai đoạn cách mạng miền Nam kháng chiến chống Mỹ, quân đội Úc tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam với tư cách “đồng minh” của Mỹ. Dù thời gian tham chiến chỉ từ năm 1965 đến 1973 nhưng 2 từ “Việt Nam” đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người Úc. Và tôi đã bắt gặp điều đó ở Đài tưởng niệm chiến tranh (Shrine of Remembrance) ở TP.Melbourne (bang Victoria, Úc).
Du khách tham quan phòng trưng bày tại Đài tưởng niệm chiến tranh (TP.Melbourne, bang Victoria, Úc). Ảnh: T.THÚY |
Đài tưởng niệm chiến tranh nằm trên đường Kilda, về cuối phía Nam của Công viên Hyde nhằm tưởng niệm những người con Úc đã phục vụ cho Tổ quốc trong chiến tranh, không chỉ là công trình mang giá trị thẩm mỹ cao về nghệ thuật, mà còn được xem là bảo tàng thu gọn về lịch sử quân sự Úc. Một trong những gian phòng nơi đây trưng bày những kỷ vật, hình ảnh, tư liệu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chủ yếu là về trận đánh Long Tân (huyện Đất Đỏ, trước đây thuộc tỉnh Đồng Nai, nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
* Đem quân đi đánh xứ người
Ngày 29-4-1965, Úc quyết định trực tiếp tham chiến tại Việt Nam với “sứ mạng” là “chống cộng sản, bảo vệ Nam Việt Nam để nước cộng hòa nhỏ bé này được sống tự do”. Đơn vị tác chiến trực tiếp đầu tiên được điều tới Việt Nam là Tiểu đoàn 1 RAR (Quân lực Hoàng gia Úc) cùng Trung đoàn Thiết giáp 4th/19th Prince of Wales’s Light Horse cùng các đơn vị hậu cần, được biệt phái vào biên chế Lữ đoàn Không vận 173 của Mỹ, đóng tại Biên Hòa. Năm 1966, Lữ đoàn 1 ATF (Lực lượng đặc nhiệm số 1) được điều động tới tỉnh Phước Tuy (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); đến tháng 12-1967 một phân đội xe tăng Centurion cũng được điều đến đây. Tổng cộng, đã có khoảng 60 ngàn binh sĩ Úc tham chiến ở Việt Nam tại Sân bay Biên Hòa, khu “tam giác sắt” Củ Chi, căn cứ Núi Đất.
Tư liệu trưng bày về cuộc chiến tranh Việt Nam. |
Đài tưởng niệm chiến tranh trưng bày hình ảnh một chiến hạm của Quân đội Hoàng gia Úc khởi hành tại Sydney, phía sau là Nhà hát Con Sò đang được xây dựng, cùng nhiều hình ảnh về hoạt động tác chiến của quân Úc tại Núi Đất, Long Tân, Biên Hòa, như: binh sĩ Úc được vận chuyển bằng máy bay đến Sài Gòn, hàng đoàn trực thăng Úc quần đảo trên bầu trời căn cứ Núi Đất, những chiếc xe tăng của quân Úc nghênh ngang trong một trận càn, dưới xích sắt xe là cánh đồng lúa tốt tươi bị cày ngã rạp. Thậm chí, trưng bày còn có những hình ảnh về tù binh “Việt Cộng” bị bắt trong trận càn quét ở Rừng Sác, bức ký họa với nét vẽ thật linh động của “Việt cộng”, là “chiến lợi phẩm” mà binh sĩ Úc lấy được trên chiến trường. Nơi đây cũng trưng bày cờ của các đơn vị quân đội Úc đã tham chiến tại Việt Nam, huy hiệu, huân chương mà binh sĩ Úc được trao “vì lòng dũng cảm”, trong đó có cả Huân chương Chữ thập Victoria; những kỷ vật chiến tranh, như: mũ, quân phục, các phương tiện phục vụ chiến tranh... Tất cả nhằm diễn đạt về “chính nghĩa” của Quân đội Úc, về lòng dũng cảm của binh sĩ Úc trong trận chiến tại Việt Nam.
Nhưng thực tế ra sao?
* Sự thật phía sau cuộc chiến
Những tư liệu trưng bày tại Đài tưởng niệm chiến tranh không thấy nhắc đến con số 521 binh sĩ tử trận, hơn 3 ngàn binh sĩ bị thương trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Cũng không thấy nhắc đến phí tổn 218 triệu đô-la đã đổ vào cuộc chiến. Và dĩ nhiên, càng không nhắc đến những chia rẽ sâu sắc trong giới cầm quyền, xã hội Úc về cuộc chiến. Năm 1969, quan điểm theo đuổi cuộc chiến tranh tại Việt Nam của Chính phủ Úc đã khiến tỷ lệ người dân ủng hộ giảm sút chưa từng có. Nhiều cuộc tuần hành phản đối chiến tranh, yêu cầu Chính phủ đình chiến và rút quân đội ra khỏi Việt Nam nổ ra khắp nơi, thu hút đông đảo người dân tham gia mà đỉnh điểm là cuộc tuần hành với khoảng 100 ngàn người xuống đường do nghị sĩ Công đảng Jim Cairns lãnh đạo vào giữa năm 1970.
Quân Úc hành quân vào xã Long Tân (huyện Đất đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày 19-8-1966). |
Ngày 11-1-1973, Toàn quyền Úc Paul Hasluck tuyên bố chấm dứt sự tham chiến của quân đội Úc tại Việt Nam, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài nhất, gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Úc. Vì sao quân đội Úc với hỏa lực mạnh, hùng hậu, được đánh giá là thạo lối đánh du kích hơn so với quân Mỹ, vẫn phải thất bại tại chiến trường miền Nam Việt Nam?
Nhà sử học Ashley Ekins, đồng tác giả quyển Về cuộc chiến của quân đội Úc tại Việt Nam (người còn lại là nhà sử học Ian McNeill) đã chỉ ra thất bại của quân đội Úc, đó là sự thất bại về mặt chính trị. Ông viết: “Trong cuộc chiến đó, quân nhân Úc là thành phần chỉ biết tuân hành mệnh lệnh và thực hiện sứ mạng mà đất nước họ đòi hỏi với tất cả khả năng của họ. Họ tin tưởng rằng đó là sứ mạng bảo vệ Nam Việt Nam để nước cộng hòa nhỏ bé này được sống tự do. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, nhiều quân nhân Úc trở nên bất mãn vì họ thấy chính quyền cũng như quân đội Việt Nam Cộng hòa đầy tham nhũng thối nát. Và phần đông đều tỏ vẻ thương cảm đối với thường dân miền Nam”. Trung tướng Thomas Daly, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia Úc, từng chỉ huy lính Úc tại chiến trường Việt Nam, đánh giá: “Bài học lớn là chúng ta chớ bao giờ lại để bị cuốn vào một cuộc chiến không thể thắng”. Tướng John Wilton, cựu Tổng tham mưu trưởng, đồng ý với tướng Daly: “Người Mỹ đã đánh giá quá thấp cuộc chiến ở Việt Nam ngay từ đầu. Họ hoàn toàn không hiểu tính chất của cuộc chiến mà vẫn lao vào, kết quả là thất bại”.
Năm 2003, khi Chính phủ Úc quyết định tham gia vào cuộc chiến tại Iraq, bài học về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã được đưa ra để nhắc nhở. Bởi, “bóng ma” của cuộc chiến này không thể xóa nhòa đối với nước Úc. Chiến thắng ngày 30-4-1975 của Việt Nam đã khẳng định chân lý: việc dùng sức mạnh quân sự để áp đặt lên một quốc gia khác không bao giờ là chính nghĩa.
Thanh Thúy