Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Quê hương thứ hai của người ngoại tỉnh

11:04, 21/04/2017

Dù là người gốc Bắc, miền Trung, hay miền Tây sông nước; dù là bộ đội, giáo viên, công chức hay công nhân; dù thợ hồ hay người thuê đất trồng rau…, khi họ chọn Đồng Nai làm nơi lập nghiệp, tất cả đều có chung một tâm tưởng: Đồng Nai là quê hương thứ 2 của mình.

[links()]Dù là người gốc Bắc, miền Trung, hay miền Tây sông nước; dù là bộ đội, giáo viên, công chức hay công nhân; dù thợ hồ hay người thuê đất trồng rau…, khi họ chọn Đồng Nai làm nơi lập nghiệp, tất cả đều có chung một tâm tưởng: Đồng Nai là quê hương thứ 2 của mình.

Xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) năm 2017 đã đạt xã chuẩn về xây dựng nông thôn mới.
Xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) năm 2017 đã đạt xã chuẩn về xây dựng nông thôn mới.

Tròn 30 năm sinh sống ở TP.Biên Hòa, điều khiến vợ chồng anh Mai Văn Lân - chị Mai Thị Hải luôn hãnh diện là đã trở thành dân “thổ địa”, có hộ khẩu ngay tại thành phố. “Không phải người gốc Biên Hòa, nhưng mảnh đất này đã gắn bó với tôi 30 năm rồi. Vợ tôi dạy học ở đây, 2 con đều sinh ở đây và anh vợ, em vợ cũng chọn Biên Hòa làm quê hương thứ 2 để sinh sống”  - anh Lân chia sẻ.

* Biên Hòa níu giữ chân tôi

“Tôi không quan niệm cứ phải ở nơi mình sinh ra, mà ở đâu bảo đảm công ăn việc làm, đời sống sinh hoạt, học tập tốt thì mình ở đó. 30 năm sinh sống và làm việc ở đây, tôi coi Biên Hòa là quê hương thứ 2 của mình. Anh và em trai tôi cũng chọn Biên Hòa làm nơi sinh sống” - chị Mai Thị Hải chia sẻ.

30 năm trước, sau khi học chuyên ngành thủy lợi, thay vì làm việc ở tỉnh Thanh Hóa thì anh Lân lại chọn Nhà máy thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu) làm điểm xuất phát cho sự nghiệp. Nói sao hết những ngày đầu gian khó khi làm việc trong môi trường khắc nghiệt với đồng “lương ba cọc ba đồng”, nhưng nhìn thác nước chảy xuống lòng hồ thủy điện, nhìn những cây cột điện cao vút đưa ánh sáng về cho bà con nghèo khó các huyện vùng xa như: Tân Phú, Định Quán…, anh không nỡ từ bỏ nơi này. Biết không thể xa Đồng Nai, anh quyết tâm chọn Biên Hòa làm quê hương thứ 2 để lập nghiệp.

“Lúc đó, tôi chưa hiểu gì về Đồng Nai, chỉ nghe nhiều người đi miền Nam về “khoe” họ sống ở TP.Biên Hòa sướng lắm. Khi tôi yêu bà xã bây giờ, cha mẹ tôi còn khuyên về quê làm việc cho gần nhà, nhưng tôi đã quyết ở lại. Thực sự, Biên Hòa lúc đó đã níu giữ chân tôi, bởi điều kiện sinh hoạt, phong cách sống của người Đồng Nai” - anh Lân chia sẻ.

Xác định Biên Hòa làm điểm dừng chân cho đến cuối đời, tháng 10-1994, anh Lân về quê xin phép cha mẹ cho cưới vợ rồi đưa vợ vào Biên Hòa xin việc. Nghe con nói sẽ sinh sống ở miền Nam, cha mẹ anh Lân lúc ấy không đồng ý. Nhưng anh Lân nghĩ: “Đất lành chim đậu”, ở đâu có điều kiện sinh sống tốt thì ở đó là quê hương mình”.

Sau ngày cưới, anh Lân đưa vợ vào Biên Hòa sinh sống. Vốn là cô giáo dạy giỏi các môn tự nhiên nên chị Hải nhanh chóng được nhận vào dạy hợp đồng tại một trường THPT ở TP.Biên Hòa. Vài năm sau, chị được dạy chính thức tại trường này.

Những ngày anh Lân theo công trình thủy điện đi tận Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lăk, chị Hải một mình bươn chải, vừa dạy học vừa nuôi con. Căn phòng thuê chật hẹp thường xuyên vắng bóng người đàn ông trụ cột cứ trở nên rộng rãi. 5-6 tháng anh Lân mới về thăm vợ một lần, mỗi lần chia tay là mỗi lần chị Hải bùi ngùi rơi lệ.

Thời gian qua mau, chị Hải sinh con gái đầu lòng, rồi bé trai kế tiếp. Hơn 10 năm lăn lộn mưu sinh, anh chị mua được mảnh đất ở phường Long Bình Tân. Từ tiền lương dành dụm, anh chị cất căn nhà cấp 4, rồi căn nhà 1 trệt, 2 lầu khang trang trên mảnh đất đẫm đầy mồ hôi và kỷ niệm ấy.

* Cùng nhau xây dựng quê hương

Đồng Nai không chỉ “níu chân” người dân mọi miền vào mưu sinh lập nghiệp, mà “níu chân” nhiều bộ đội, giáo viên, công nhân đến đây làm việc.

Năm 2004, Thiếu tá Nguyễn Văn Đại (hiện công tác ở Ban Thông tin, Phòng Tham mưu Vùng 2 Hải quân) về Căn cứ 696 (đóng ở huyện Nhơn Trạch) công tác. Vốn là dân gốc Hà Nội, anh Đại thừa sức xin về đơn vị gần nhà làm việc, nhưng sau hơn một năm gắn bó với đơn vị anh đã quyết định chọn Nhơn Trạch làm quê hương thứ 2 của anh.

Trong một lần đơn vị đi công tác dân vận ở huyện Vĩnh Cửu, anh Đại làm quen rồi yêu cô gái quê gốc Hà Nam vào đây mưu sinh tên Lê Thị Bích Ngà. Sau hơn một năm yêu nhau, cả hai đã làm đám cưới. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn khi mức sống của gia đình chỉ có đồng lương cấp hàm trung úy của anh Đại lúc đó. Để kiếm thêm thu nhập, chị Ngà xin làm công nhân. Số tiền hơn 5 triệu đồng/tháng không nhiều, nhưng cũng đủ trang trải tiền thuê nhà, chi tiêu và không quên dành một phần tiết kiệm.

Thời gian thoáng cái đã 10 năm, 2 con gái của họ ra đời. Số tiền dành dụm sau 10 năm, anh chị mua đất làm nhà. Trong căn nhà khang trang ở xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) của vợ chồng anh Đại, có đầy đủ tiện nghi, vật dụng sinh hoạt “hàng xịn”.

Sau một ngày làm việc, Thiếu tá Đại từ Vùng 2 Hải quân, chị Ngà từ công ty trở về, căn nhà nhỏ lại đầy ắp tiếng nói, cười vui vẻ. “Mất 10 năm dành dụm, vợ chồng tôi mới làm được căn nhà này. Trước khi có nhà, vợ chồng tôi đi ở thuê cả chục năm. Tuy chưa thực sự giàu có, nhưng không nghèo; gia đình bộ đội như vậy là quá ổn” - anh Đại chia sẻ.

Cũng chọn Nhơn Trạch làm quê hương thứ 2 của mình, Trung tá Đinh Công Trung (hiện công tác tại Phòng Tham mưu Vùng 2 Hải quân) đã đưa vợ và 2 con trai từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) sinh sống. Để tăng thu nhập, anh Trung mở quán cháo gà gần nhà cho vợ bán. Mỗi buổi chiều, sau khi dọn nhà cửa, chị Nguyễn Thị Chính (vợ anh Trung) ra quán làm gà, nấu cháo phục vụ người dân quanh xóm. Quán cháo gà của chị Chính ngày một đông, trong đó có không ít bộ đội Vùng 2 Hải quân ra ủng hộ. Từ tiền tiết kiệm, vợ chồng anh mua đất, làm nhà cấp 4 khang trang, đầy đủ tiện nghi.

Chị Chính chia sẻ: “Một khi đã xác định ở đây rồi thì cố gắng làm lụng. Ở đâu cũng là quê hương, miễn sao nơi mình ở tiện làm việc và cuộc sống tốt”.

Không chỉ thế hệ người già, người trung niên quê gốc miền Bắc, miền Trung… vào Đồng Nai lập nghiệp đang ra sức chung tay xây dựng Đồng Nai giàu đẹp, mà ngay cả thế hệ trẻ, những người kế cận, cũng đang phấn đấu lao động làm giàu cho bản thân và địa phương nơi mình đang sinh sống.

Anh Ngô Văn Nhuận (quê tỉnh Thanh Hóa) sau khi vào thăm anh trai và chị dâu ở ấp Bà Trường (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đã quyết định lập nghiệp tại đây. Làm công nhân trong khu công nghiệp với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, ngoài ăn uống, anh Nhuận để dành một phần lương để sau này mua đất xây nhà cưới vợ. “Ở quê, tôi cũng làm công nhân, nhưng lương thấp hơn. Mặt khác, ở đây khí hậu tốt hơn, không bị rét, cũng không quá nóng nực. Nói chung, tôi chọn nơi này để sinh sống, lập nghiệp. Đồng Nai bây giờ là quê hương thứ 2 của tôi” - anh Nhuận chia sẻ.

Mai Thắng

Tin xem nhiều