Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Người "Nga" ở ấp Bà Trường

10:04, 19/04/2017

Đồng Nai được coi là "mảnh đất màu mỡ" nằm trong vùng tam giác kinh tế của miền Đông Nam bộ, cũng là nơi nhập cư của nhiều người dân trên mọi miền đất nước. Dù dân gốc Bắc, người Trung, hay miền Tây Nam bộ…, khi đã đến Đồng Nai sinh sống họ đều luôn coi Đồng Nai là quê hương thứ hai...

Đồng Nai được coi là “mảnh đất màu mỡ” nằm trong vùng tam giác kinh tế của miền Đông Nam bộ, cũng là nơi nhập cư của nhiều người dân trên mọi miền đất nước. Dù dân gốc Bắc, người Trung, hay miền Tây Nam bộ…, khi đã đến Đồng Nai sinh sống họ đều chịu khó làm lụng mưu sinh và luôn coi Đồng Nai là quê hương thứ hai.

Ông Hỏa Văn Thận (phải) kể lại chuyện “lấp hố bom xây cuộc sống” khi mới vào ấp Bà Trường.
Ông Hỏa Văn Thận (phải) kể lại chuyện “lấp hố bom xây cuộc sống” khi mới vào ấp Bà Trường.

Trong hàng trăm hộ dân từ nơi khác đến làm việc và sinh sống ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), ở ấp Bà Trường có hẳn một xóm toàn người huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Nhiều người không nhớ chính xác họ đến đây sống khi nào, song tất cả đều hài lòng vì đã thành công trong cuộc mưu sinh. Do quê gốc của họ ở huyện Nga Sơn nên người dân địa phương quen gọi họ là người “Nga” ở ấp Bà Trường.

* Lấp hố bom xây cuộc sống

“Dân ấp Bà Trường đông gấp 3 ấp khác của xã, trên 800 hộ dân, trong đó có hơn 100 hộ người dân gốc Bắc và Bắc Trung bộ làm việc, sinh sống ở đây. Có 9 gia đình quê huyện Nga Sơn. Người dân ở đây sống đoàn kết, chịu khó làm ăn và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhà nào cũng thi nhau làm kinh tế, làm giàu, tất cả đều sắm được vật dụng sinh hoạt đắt tiền” - ông Hỏa Văn Thận cho hay.

Nói đến những người Thanh Hóa đặt chân đến ấp Bà Trường gần 30 năm trước phải kể đến ông Hỏa Văn Thận (ông Tư Thận), hiện giữ chức Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh của ấp.

Ông Thận được những người đồng hương Thanh Hóa gọi vui là “sếp” hoặc “trưởng bản”, bởi ông làm nhiều việc nghĩa, từ việc giúp đỡ người nơi khác đến đây sinh sống có nhà ở, đến việc tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên đến đây lập nghiệp.

“Tôi vào Nam sinh sống từ sau ngày 30-4-1975, nhưng đến năm 1990 thì “đậu” tại đất Nhơn Trạch lập nghiệp cho đến giờ. Nhìn nhà cửa khang trang vậy, ít ai biết gần 30 năm trước nơi này là hố bom của Mỹ thời chiến tranh để lại” - ông Thận nói.

27 năm trước, cũng như nhiều người dân tỉnh Thanh Hóa rời quê vào Đồng Nai lập nghiệp, ông Thận đến ấp Bà Trường mua mảnh đất là cái hố bom diện tích 10x23m, sâu 10m của dân địa phương.

“Tôi mua hố bom vì phải an cư mới lập nghiệp được; nếu mình không có chỗ chui ra chui vào thì ăn đâu, ở đâu. Nghĩ vậy nên tôi mua cái hố bom để dựng nhà tre ở tạm, sau đó mới tính chuyện làm ăn” - ông Thận kể lại.

Để vừa có tiền sinh sống vừa có chỗ ở, ban ngày ông Thận đi đào mương, đắp đùng tôm thuê, tối về tranh thủ gánh đất san lấp hố bom. Sau nửa tháng ngủ võng dưới lùm cây, ăn nhờ nhà chủ đùng, oằn lưng khiêng đất, hố bom được ông Thận san phẳng.

Căn nhà tre vách trát đất “mọc” lên trên nền đất mới. Ngày “ăn tân gia”, bà Diễn, vợ ông, rơi nước mắt khi những người dân ấp Bà Trường đến chia vui, người ký gạo, người dăm ngàn đồng góp sức.

“Căn nhà tre lúc đó như điểm tựa cho vợ chồng tôi và những người đồng hương đến đây lập nghiệp. Nhìn đơn sơ, chẳng có gì đáng giá nhưng nhiều lượt người đã sinh sống, tá túc ở đây. Qua rồi cái thời đói khổ, nhưng tôi cảm thấy rất tự hào, hãnh diện” - ông Thận chia sẻ.

Đoạn, ông Thận kể tiếp. Vào những năm 1990-1992, đất nước chuyển mình sang kinh tế thị trường. Như nhiều nơi khác, đời sống vùng thôn quê ấp Bà Trường lúc ấy còn nghèo nàn, chưa có đường nhựa, chưa có nước máy, điện chiếu sáng chỉ có ở nơi công cộng. Ban ngày, người dân ra đồng bắt tôm, mò cá mưu sinh, tối đến lên giường ngủ sớm.

Đã chọn Đồng Nai làm quê hương thứ 2, ông Thận quyết làm giàu cho bằng được. Ngày ngày ông đi đắp đùng tôm thuê, tối về gánh đất đổ nền trồng rau. Cùng chồng mưu sinh những ngày cơ cực, bà Diễn nấu rượu, nuôi heo. Rượu nấu được đem bỏ mối cho quán nhậu, heo cân bán cho thương lái.

Ngày tháng qua mau, đứa con gái ra đời như tiếp thêm cho ông bà niềm vui và sức mạnh. Từ bàn tay trắng, sau 7 năm miệt mài lao động, ông bà xây được căn nhà đang ở bây giờ. Ngày về nhà mới, thêm lần nữa vợ chồng ông Thận xúc động rơi nước mắt.

“Lúc đó, tôi cũng không hiểu mình đã làm gì mà có căn nhà mới. Nói thật, từ miền quê nghèo khó vào đây, được ở trong căn nhà mới, bưng bát cơm ăn với thịt kho mà thấy hãnh diện vô cùng. Lúc đó, tôi có cảm giác sung sướng, thấy mình như được đổi đời” - ông Thận xúc động chia sẻ.

* Xóm người “Nga”

Ấp Bà Trường có hơn 800 hộ dân thì có 1/8 người dân gốc miền Trung và miền Bắc đến từ các tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Bình, trong đó có 9 hộ gia đình người Nga Sơn (Thanh Hóa) sinh sống thành cụm dân cư quây quần bên nhau, đoàn kết làm ăn cùng dân bản xứ nên dân địa phương gọi vui là xóm người “Nga”.

Sau khi vào thăm con sinh sống ở ấp Bà Trường, bà Mai Thị Ân (quê xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) quyết định ở lại cùng con lập nghiệp. Không thể nói hết nỗi cơ cực những ngày đầu ở trọ mưu sinh, song bà luôn tự hào vì con bà đã chọn đúng nơi ở.

“Ở đâu cũng làm ăn sinh sống, nhưng chỗ nào “đất lành thì chim đậu”. Bắc - Nam bây giờ là một, có tiền đi máy bay nửa ngày về thăm quê rồi vào làm việc. Ở đây thời tiết ôn hòa, không rét như ngoài quê; đường sá đi lại cũng thuận lợi hơn” - bà Ân cho biết.

Sinh sau ngày đất nước giải phóng, vợ chồng anh Trịnh Văn Vinh sau khi vào ấp Bà Trường thăm người thân đã chọn nơi này “cắm chốt” mưu sinh. Được ông Tư Thận giúp đỡ chỗ ở và xin làm công nhân trong khu công nghiệp, sau 7 năm, anh Vinh cưới được vợ, xây nhà trên mảnh đất tự mua.

Là một trong nhiều người thành đạt về kinh tế, anh Vinh chia sẻ trong phấn khởi: “Khi vào đây, tôi chỉ mang theo có 2 triệu đồng. Những ngày đầu lập nghiệp, tôi làm thuê đủ nghề, sau đó làm công nhân bảo trì máy dệt. Bây giờ, lương công nhân của vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng. Căn nhà mới xây này do công sức của vợ chồng tôi làm nên”.

Sau hơn 5 năm đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc, anh Ngô Văn Huy trở về ấp Bà Trường sinh sống cùng với mẹ và 2 người anh. Là người trẻ tuổi, có nhà cửa, xe máy, ti vi, tủ lạnh… và cuộc sống sung túc, anh Huy luôn tự hào về nơi ở và cuộc sống hiện tại của mình.

“So với ở ngoài quê thì cuộc sống ở miền Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng dễ sống hơn. Tuy nhà cửa không to, không đồ sộ, nhưng chất lượng cuộc sống khá hơn nhiều, con cái được học hành đàng hoàng và có tương lai hơn. Nhà tôi có 2 con gái, đều được ăn học đầy đủ” - anh Huy bộc bạch.

Mai Thắng

Kỳ cuối: Quê hương thứ hai của người ngoại tỉnh

Tin xem nhiều